Hà Nội

Nguy cơ đột quỵ ở nam giới

22-06-2014 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Đột quỵ có liên quan mật thiết với nhiều yếu tố như: bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, stress trong công việc, hút thuốc, uống rượu - bia...

Đột quỵ có liên quan mật thiết với nhiều yếu tố quan trọng như: bệnh tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, stress trong công việc, hút thuốc, uống rượu - bia...

Nam giới cần ăn ít chất béo động vật và tập thể dục đều đặn để phòng tránh đột quỵ
Nam giới cần ăn ít chất béo động vật và tập thể dục đều đặn để phòng tránh đột quỵ

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não, là tình trạng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, hậu quả là tế bào não bị chết do thiếu oxy.

Có hai hình thái đột quỵ: do thiếu máu não cục bộ và do xuất huyết liệt thần kinh khởi đầu đột ngột, gây nên những dấu hiệu thần kinh khu trú, do xuất huyết vào mô não, không do chấn thương.

Về nguyên nhân, ở nam giới thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, nhưng phổ biến nhất là tình trạng mỡ cao trong máu kéo dài, từ đó hình thành các mảng xơ mỡ động mạch. Đây có thể là hậu quả của thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, ít vận động... Các mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch máu, ngày càng dày lên làm lòng mạch hẹp dần lại, máu ứ lại và đóng thành cục máu đông gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển làm tắc động mạch ở nơi khác. Bên cạnh đó, các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, căng thẳng trong công việc… cũng có thể gây đột quỵ.

Có hai dạng đột quỵ thường gặp hiện nay. Dạng thứ nhất là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bệnh thường gặp sau một cơn đau hoặc cục máu đông có thể hình thành trong các mạch máu của não, hoặc trong mạch máu dẫn đến não, hay trong các mạch máu ở những nơi khác của cơ thể đi đến não; những cục máu đông chặn lưu lượng máu đến các tế bào của não, dạng này chiếm tỉ lệ cao trên 80% các ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Dạng thứ hai là đột quỵ do xuất huyết não, xảy ra do một mạch máu não bị vỡ, kết quả là máu thấm vào mô não, gây tổn thương cho các tế bào não, phổ biến nhất của dạng này là kết hợp giữa huyết áp cao với chứng phình động mạch não, hay dị dạng mạch máu não bẩm sinh, do rối loạn đông máu hoặc bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông.

Về triệu chứng, đột quỵ thường xảy ra đột ngột, với rất ít những triệu chứng báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện như: đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác, ngủ gật hoặc hôn mê; gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác nói gì; bị yếu đột ngột ở một phần cơ thể, nhìn mờ có thể chỉ bị ở một bên mắt hoặc cả hai bên; tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu.

Về điều trị, người bệnh nếu ở tại nhà cần gọi cấp cứu 115 để xử trí. Sau khi nhập vào viện, người bệnh cần được khám khẩn trương, xét nghiệm huyết học, ghi điện tim đồ và đặc biệt là chụp cắt lớp điện toán (CT- Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định chính xác nguyên nhân, vị trí và mức độ tổn thương. Điều này có tính quyết định đối với thái độ điều trị. Người bệnh cần được thở máy, để cung cấp đủ oxy cho não, chống phù não, chống tăng huyết áp, dùng thuốc có tác dụng làm tiêu cục máu đông, nuôi dưỡng tốt, chống loét, chống nhiễm trùng.

Về phòng bệnh, theo ghi nhận của Hội nghị Phòng chống đột quỵ toàn quốc năm 2013, mỗi năm nước ta có thêm 200.000 ca đột quỵ, trong đó có trên 100.000 người tử vong. Dù người bệnh may mắn sống sót, đột quỵ cũng để lại nhiều di chứng hết sức nặng nề, gánh nặng cho gia đình và xã hội như: méo miệng, liệt nửa người, mất trí nhớ, đời sống thực vật… Vì vậy, việc phòng bệnh giữ vai trò hết sức quan trọng. Cần giảm các yếu tố nguy cơ từ bệnh tim mạch như: phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh: tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, hở hẹp van, suy tim…

Cần giảm cholesterol trong máu, cố gắng duy trì cholesterol dưới 200mg/100ml, trong đó cholesterol xấu (LDL) dưới 130mg/100ml và cholesterol có lợi (HDL) trên 40mg/100ml.

Cần giảm ăn chất béo có nguồn gốc động vật, ăn nhiều rau và trái cây các loại. Giảm cân nặng, chống béo phì bằng tiết chế khẩu phần ăn hằng ngày.

Tăng cường hoạt động thể lực như: tập thể dục đều đặn, đi bộ, chơi một môn thể thao thích hợp...

Phòng và chữa tăng huyết áp, cần kiểm tra huyết áp thường xuyên, giữ huyết áp khoảng 120/70mmHg; tránh những cảm xúc bất lợi như: vui, buồn, giận dữ, thất vọng, ghen tuông, stress hằng ngày.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG


Ý kiến của bạn