Nguy cơ đột quỵ do cục máu đông, cách nào phòng ngừa?

12-09-2021 07:24 | Y học 360

SKĐS - Các bệnh lý tim mạch gồm cả đột quỵ, chiếm tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Sự hình thành cục máu đông là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ. Cách nào để phòng ngừa nguy cơ này?

Theo PGS.TS.BS. Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim Mạch, BV Bạch Mai bệnh lý tim mạch là nguyên nhân dẫn đầu về tỷ lệ mắc và tử vong trên thế giới. Năm 2020 có tới 19,5 triệu người tử vong do tim mạch nói chung, bỏ xa nguyên nhân do ung thư.

Trong đó, hai bệnh lý về tim gây tử vong nhiều nhất là bệnh tim thiếu máu cục bộ (động mạch vành nhồi máu cơ tim) và đột quỵ não (tai biến mạch máu não). Tai biến mạch não có hai thể chính là tắc mạch não và chảy máu não (xuất huyết não). 

Tắc mạch não do sự hình thành cục máu đông dẫn tới tắc mạch nuôi trong não. Vùng máu sau nuôi dưỡng của mạch đó theo thời gian chết đi, gây tai biến mạch não. Các trường hợp nhồi máu cơ tim và đột quỵ não đại đa số là do cục máu đông.

Nguy cơ đột quỵ do cục máu đông, cách nào phòng ngừa? - Ảnh 1.

Cục máu đông hình thành theo hai cơ chế. Cơ chế thường gặp nhất là cơ chế tại chỗ, tức là tại mạch máu đó bị xơ vữa, nứt ra, cục máu đông bám vào chỗ nứt đó lớn dần lên gây tắc hoàn toàn mạch máu đó, mạch máu sau chỗ tắc nghẽn không được nuôi dưỡng sẽ dần bị chết. Mạch máu nơi xảy ra hiện tượng đó nếu ở não gọi là nhồi máu não, ở tim gọi là nhồi máu cơ tim.

Cơ chế thứ hai là cục máu đông hình thành từ chỗ khác bắn đến gây tắc mạch đó. Tai biến mạch máu não có khá nhiều trường hợp xảy ra theo cơ chế này. Ví dụ bệnh nhân bị rung nhĩ tim, tim đập không đều, cục máu đông hình thành trong tim sau đó bắn lên não gây tắc mạch máu não. Đối với tim cơ chế này ít hơn, đa số cục máu đông hình thành tại chỗ, nhưng với não cục máu đông từ nơi khác bắn đến gây tắc mạch cũng chiếm tỷ lệ đáng kể.

PGS.TS.BS. Phạm Mạnh Hùng cũng cho biết thêm, những yếu tố nguy cơ dễ mắc xơ vữa tim mạch phải kể đến tuổi cao, gia đình có tiền sử mắc bệnh lý tim mạch sớm, các yếu tố nguy cơ khác không được điều trị như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu; hay lối sống độc hại như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động, căng thẳng kéo dài… Các yếu tố này rất dễ làm cho mảng xơ vữa phát triển, nứt ra từ đó hình thành cục máu đông gây ra đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Nguy cơ đột quỵ do cục máu đông, cách nào phòng ngừa? - Ảnh 2.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim Mạch, BV Bạch Mai

Hiện nay các yếu tố nguy cơ đó có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi hơn. Các yếu tố nguy cơ này xuất hiện sớm hơn thì nguy cơ đột quỵ sẽ đến sớm hơn. 

Thêm nữa, chế độ ăn quá mặn, nhiều chất béo mỡ động vật (trừ cá), thịt đỏ và nhiều đường cũng có hại cho sức khỏe. 

Tốt nhất nên ăn nhiều rau củ quả tươi, bổ sung nhiều chất xơ tự nhiên cùng các vitamin; ăn các loại hạt chế biến thô, nên ăn mỗi tuần một bữa cá hoặc ăn thường xuyên càng tốt, giúp phòng các bệnh tim mạch rất tốt. 

Bác sỹ có lời khuyên chúng ta cần thay đổi lối sống, tập luyện để có sức khỏe tốt; đặc biệt, nếu có chỉ định uống thuốc phải uống đều.

Với những người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, để phòng tránh cục máu đông phải khống chế tốt các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh việc thay đổi lối sống thì việc uống thuốc đều đặn giúp ngăn ngừa đáng kể các biến chứng của đột quỵ là nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não - những bệnh lý gây tử vong nhanh ở người bệnh.

Trong bất cứ thời điểm nào kể cả lúc dịch bệnh, với những người có yếu tố nguy cơ cần phải chú ý phòng ngừa. Khi có dấu hiệu nghi ngờ như mất ý thức, nói ngọng, rối loạn ngôn ngữ, động tác không chính xác… cần nghĩ ngay tới đột quỵ để có sự can thiệp y tế sớm nhất.

Ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh, theo khuyến cáo của các Hiệp hội tim mạch trên thế giới dù giãn cách nhưng không được ảnh hưởng tới sự cấp cứu bệnh nhân. 

Do vậy, PGS.TS.BS. Phạm Mạnh Hùng khuyên người bệnh kể cả khi đang trong vùng phong tỏa, nếu có dấu hiệu của đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim (như đau thắt ngực, khó thở, thậm chí là ngất, ngất thoáng qua) cần phải gọi cấp cứu và được cấp cứu kịp thời để tái thông mạch tim, mạch não, kịp thời cứu sống người bệnh và giảm những biến chứng về sau.




An Lê
Ý kiến của bạn