Vì sao tỉ lệ nhiễm HIV, viêm gan B và viêm gan C lại thường gặp?
Theo PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch hội Gan mật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai: 3 loại virus viêm gan B (VGB), viêm gan C (VGC) và HIV đều có đường lây truyền khá giống nhau, đó là:
- Mẹ truyền sang con, nhất là thời kỳ chu sinh (khi mà người mẹ vừa sinh con).
- Đường máu như tiêm chích ma túy, truyền máu, chạy thận nhân tạo, ghép tạng… Trong lây nhiễm qua đường máu ít ai để ý đó là qua xăm, xăm mắt xăm môi, cạo râu…
- Quan hệ tình dục không an toàn.
Tuy nhiên, tùy từng loại virus có thể lây nhiễm khác nhau. Ví dụ như VGB có đường lây từ mẹ sang con rất mạnh, đặc biệt là ở các nước như Việt Nam, tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chiếm tới 50-60%. VGC lây chủ yếu qua đường máu, hay gặp nhất là tiêm chích ma túy.
Trước đây, những người tiêm chích ma túy thường sử dụng bơm kim tiêm chung, tỷ lệ người nhiễm VGC trong nhóm người tiêm chích ma túy lên tới 70%. Thời gian gần đây chúng ta đã có những chính sách của nhà nước là phát bơm kim tiêm 1 lần cho người tiêm chích ma túy nên tỉ lệ mắc bệnh truyền nhiễm đã giảm rõ rệt.
Đối với HIV, trước đây tỉ lệ nhiễm HIV qua tiêm truyền rất cao do sử dụng bơm kim tiêm chung, nhưng hiện nay tỷ lệ lây truyền HIV có xu hướng chuyển dịch, chủ yếu lây qua quan hệ tình dục. Đặc biệt là ở người quan hệ đồng tính nam, đồng tính nữ. Chính vì có đường lây truyền khá giống nhau, nên một người có thể bị nhiễm cả 3 con virus đó là thường gặp.
Những khó khăn trong quản lý và điều trị
Khi một người đồng nhiễm cả 3 loại virus trên thì vấn đề điều trị rất khó khăn. Theo PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc, với người bệnh chỉ nhiễm 1 loại virus thì điều trị đã khó khăn rồi, nếu đồng nhiễm 2 hoặc cả 3 loại virus nêu trên thì vấn đề điều trị càng khó khăn gấp bội và dễ kháng thuốc hơn. Trường hợp nhiễm 2 hoặc cả 3 virus thì các tổn thương nặng xảy sẽ nhanh hơn so với người nhiễm 1 virus.
Để quản lý đối tượng bệnh nhân này và hạn chế lây lan ra cộng đồng, PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc cho biết: Hiện nay nhà nước đã đầu tư vào công tác quản lý số bệnh nhân này rất nhiều, nhưng vẫn còn tâm lý bài trừ của xã hội, nên không ít bệnh nhân có tâm lý muốn giấu bệnh.
Trên thực tế lâm sàng, không ít bệnh nhân nhiễm HIV được tư vấn nên kiểm tra cả tình trạng VGB và VGC để được điều trị kịp thời và ngăn ngừa lây lan, nhưng họ từ chối vì e ngại. Như vậy, dù chúng ta có thể đầu tư rất tốt nhưng vấn đề quản lý vẫn còn những trở lại, nếu bệnh nhân không muốn hợp tác.
Về vấn đề phòng lây bệnh, PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc chia sẻ: Cả 3 loại virus trên đều có nguy cơ lây lan, nhưng dựa vào đường lây mà chúng ta hoàn toàn có thể phòng bệnh, ngăn ngừa lây lan. Ví dụ như đường lây từ mẹ sang con, thì trước khi sinh người mẹ sẽ được kiểm tra xem có bị nhiễm virus hay không. Thậm chí người mẹ có nhiễm HIV, nhưng nếu được theo dõi và điều trị tốt thì em bé khi sinh ra cũng không bị nhiễm virus HIV.
Đối với người làm trong môi trường có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh lý này như nhân viên y tế thì cần có biện pháp bảo hộ và thường xuyên kiểm tra xem có bị nhiễm hay không để đề phòng.
Đối với người sử dụng ma túy, thì cần sử dụng bơm kim tiêm một lần. Người có quan hệ tình dục cần kiểm tra xem có nhiễm các bệnh lý này hay không để có biện pháp lây sang cho bạn tình…
Mời độc giả xem thêm video:
Điều trị sớm ARV | SKĐS