Nguy cơ do viêm mủ màng phổi

11-08-2010 08:17 | Y học 360
google news

Viêm mủ màng phổi (VMMP) là sự tràn mủ trong khoang màng phổi. Dịch là mủ thật sự hoặc là chất dịch đục hay màu nâu, nhưng bao giờ cũng có xác bạch cầu đa nhân là thành phần chính của mủ.

Viêm mủ màng phổi (VMMP) là sự tràn mủ trong khoang màng phổi. Dịch là mủ thật sự hoặc là chất dịch đục hay màu nâu, nhưng bao giờ cũng có xác bạch cầu đa nhân là thành phần chính của mủ.

 Tổn thương viêm mủ màng phổi trên phim Xquang.
Đau ngực, ho khan có lo viêm mủ màng phổi?

Khi bị VMMP cấp tính, bệnh nhân thường có dấu hiệu như sau: bệnh khởi đầu đột ngột, rầm rộ hoặc khởi đầu bằng những triệu chứng giống như bị cảm cúm. Nếu VMMP thứ phát do các bệnh khác thì rất khó xác định thời gian khởi phát của bệnh. Giai đoạn toàn phát có các triệu chứng: đau ngực, khó thở, ho khan. Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc gồm sốt cao, đau đầu, mất ngủ, kém ăn, gầy sút, bạch cầu trong máu tăng cao. Khám thấy hội chứng 3 giảm do tràn dịch khoang màng phổi. Xquang có hình tràn dịch màng phổi. Xét nghiệm tìm thấy vi khuẩn trong mủ.

Nếu bệnh nhân bị VMMP bán cấp và mạn tính, xuất hiện sau khi bệnh khởi phát trên 2 tháng nếu không được điều trị, gồm các triệu chứng: đau ngực, khó thở, ho có đờm hoặc có mủ hôi. Hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc không rầm rộ như ở giai đoạn cấp tính, nhưng toàn trạng bệnh nhân lại suy kiệt nặng, số lượng bạch cầu trong máu tăng vừa, hồng cầu và huyết sắc tố giảm... Khám thấy hội chứng 3 giảm do dày dính co kéo màng phổi, các xương sườn nằm xuôi và kém di động, các khoang liên sườn hẹp lại, tạo nên một bên ngực cứng đờ và bị kéo thấp xuống hơn so với bên lành. Xquang thấy có khoang cặn ở vùng dưới và sau của màng phổi, có thể thấy hình ảnh khí quản và trung thất bị co kéo về bên tổn thương, cột sống bị vẹo với chiều lõm hướng về bên bị mủ màng phổi.

Biến chứng do VMMP có thể nguy hiểm tính mạng

VMMP không thể tự hấp thu và khỏi nếu không được điều trị. Trường hợp điều trị tích cực ngay từ giai đoạn cấp tính thì bệnh có thể khỏi sau 2 - 4 tuần và ít để lại di chứng nặng. Nhưng nếu điều trị không tốt hoặc không được điều trị thì mủ màng phổi sẽ trở thành mạn tính và dẫn tới các biến chứng nặng như: vỡ ra thành ngực, thường ở đường nách sau vì là nơi thành ngực mỏng và là chỗ thấp khi bệnh nhân nằm. Mủ từ khoang màng phổi rò qua khe liên sườn vào dưới da rồi sau đó vỡ qua da ra ngoài, tạo thành lỗ rò mủ kéo dài ở thành ngực. Rò phế quản: mủ từ khoang màng phổi vỡ vào nhu mô phổi và rò vào phế quản. Bệnh nhân đột nhiên thấy đau nhói, khạc ra ít máu, khó thở rồi ộc ra một lượng mủ lớn. Nếu là rò phế quản lớn với lượng mủ nhiều thì bệnh nhân có thể bị ngạt thở cấp tính và thậm chí có thể tử vong. Nếu rò phế quản nhỏ thì bệnh nhân ho và khạc mủ thối kéo dài. Có khi gặp trường hợp vỡ ổ mủ màng phổi vào thực quản hoặc qua cơ hoành vào ổ bụng. Biến chứng toàn thân có thể gặp như: thoái hoá dạng tinh bột (amyloid) ở gan, thận, nhiễm khuẩn huyết, áp-xe các cơ quan khác, suy tim...

Vì sao bị viêm mủ màng phổi?

Nhiều nghiên cứu cho thấy VMMP có thể xuất phát đầu tiên ở khoang màng phổi hoặc thứ phát sau một số bệnh như: viêm phổi, áp-xe phổi, giãn phế quản, ung thư phổi bội nhiễm, dị vật phổi, nấm phổi, viêm tắc động mạch phổi; rò khí phế quản, rò thực quản, áp-xe hạch trung thất; viêm xương sườn, viêm các đốt sống lưng, áp-xe vú; áp-xe dưới cơ hoành, áp-xe gan, áp-xe quanh thận, viêm phúc mạc; nhiễm khuẩn huyết; vết thương và chấn thương ngực gây tràn dịch máu khoang màng phổi...

Vi khuẩn gây VMMP thường gặp là tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, proteus, vi khuẩn lao, Bacteroides, Salmonella...

Điều trị bảo tồn hay phẫu thuật?

Phải điều trị sớm, tích cực, phối hợp chặt chẽ việc dùng kháng sinh mạnh và theo kháng sinh đồ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân bằng ăn uống tốt, truyền đạm, truyền máu. Làm sạch khoang màng phổi. Bệnh nhân cần tập thở tích cực trong quá trình điều trị.

Điều trị bảo tồn: phải dùng kháng sinh liều cao, phối hợp kháng sinh và dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, kết hợp dùng kháng sinh tại chỗ và kháng sinh toàn thân. Chọc hút màng phổi: có tác dụng tốt khi mủ màng phổi mới xuất hiện, dịch mủ còn loãng và số lượng không lớn, khoang màng phổi không bị dày dính và đóng ngăn. Chọc ở chỗ gõ đục nhất nhưng không nên thấp quá vì có thể bị tắc kim do mủ đặc đọng ở đáy khoang mủ. Sau khi hút hết mủ có thể bơm rửa khoang màng phổi bằng huyết thanh mặn, sau đó có thể bơm kháng sinh vào khoang màng phổi. Phải chọc hút mủ hằng ngày, nhưng sau 5-10 ngày không thấy có kết quả thì phải chuyển sang dẫn lưu màng phổi. Dẫn lưu màng phổi: ống dẫn lưu có thể đặt ở các khoang liên sườn từ V đến VII đường nách giữa hoặc đường nách sau. Qua ống dẫn lưu có thể bơm rửa và đưa kháng sinh vào khoang màng phổi. Khi khoang màng phổi hết mủ và phổi nở ra sát thành ngực thì rút ống, nếu sau 5-7 ngày mà không đạt được kết quả như trên thì nên rút ống dẫn lưu để đặt vào chỗ khác vì lúc này chân ống dẫn lưu đã bị viêm và hở, làm mất tác dụng hút âm tính của ống dẫn lưu.

Nâng cao thể trạng: cho bệnh nhân ăn uống tốt, truyền đạm, truyền máu, các loại sinh tố... Tập thở để phục hồi khả năng đàn hồi của nhu mô phổi và làm phổi nở sát thành ngực.

Phẫu thuật: giai đoạn mạn tính, mủ màng phổi tạo thành một khoang tàn dư có thành rất dày và không tự xẹp lại được, khi đó phải phẫu thuật để giải quyết.     

ThS. Phạm Thanh Tùng


Ý kiến của bạn