Cùng với quần áo, giày dép, túi xách thời trang, kính áp tròng được nhiều người lựa chọn như một phụ kiện làm đẹp cho đôi mắt. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, kính áp tròng có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng về tầm nhìn của mắt mà ít người biết đến.
Dùng kính áp tròng sẽ gặp nguy cơ gì?
Nhiễm nấm: Mới đây, một người phụ nữ có tên là Lisa Stone sống tại bang Michigan, Hoa Kỳ bị đau mắt dữ dội được phát hiện nguyên nhân do nhiễm nấm khi đeo kính áp tròng không đảm bảo vệ sinh. Cô buộc phải cấy ghép giác mạc để chữa trị bệnh nấm mắt. Bên cạnh đó, một cô giáo người Anh, 42 tuổi đã phải khoét bỏ mắt trái do nhiễm nấm Fusarium vì đeo kính áp tròng. Các bác sĩ khuyến cáo, những người bị nhiễm nấm ở mắt do đeo kính áp tròng thường có triệu chứng đau mắt đỏ, chảy nước mắt, chói sáng và thị lực giảm. Nếu không được điều trị, sau ít nhất 2 tuần và nhiều nhất là 3 tháng, người bệnh sẽ bị sẹo giác mạc và mù tạm thời.
Ký sinh trùng Acanthamoeba trong mắt.
Nhiễm ký sinh trùng: Mặc dù hiếm gặp nhưng tình trạng nhiễm ký sinh trùng tại mắt do kính áp tròng vẫn xuất hiện. Điển hình là Jessica Greaney (18 tuổi, sống tại Mỹ), khi thấy mắt sưng phù, đỏ và nước mắt chảy giàn giụa đã đi khám thì được bác sĩ phát hiện một sinh vật như con giun nhỏ được gọi là ký sinh trùng acanthamoeba nằm trong mắt. Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng này được gắn vào mắt người, acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi nảy nở. Hậu quả sẽ dẫn đến các triệu chứng mắt ngứa rát, chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phồng mí trên và đau mắt.
Nhiễm khuẩn: Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học New York, Mỹ đã phát hiện ra việc đeo kính áp tròng làm thay đổi các vi khuẩn của mắt, làm cho môi trường trong mắt tương tự như bề mặt da, do đó mắt dễ bị nhiễm trùng hơn. Kết luận này được đưa ra sau khi họ lấy bệnh phẩm về vi khuẩn mắt và bề mặt da của 58 người thì thấy những người đeo kính áp tròng mắt xuất hiện sự đa dạng các vi khuẩn ở da như pseudomonas, acinetobacter, methylobacterium và lactobacillus hơn so với những người không đeo kính. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm kết mạc, viêm giác mạc do kính áp tròng đối với người sử dụng. Một phân tích được công bố bởi các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, các bệnh liên quan đến viêm giác mạc do kính áp tròng vào khoảng 930 nghìn ca khám ngoại trú và khoảng 58 nghìn ca cấp cứu mỗi năm.
Hiện nay, tại Mỹ có 41 triệu người đeo kính áp tròng và theo một cuộc điều tra do CDC thực hiện thì có đến 99% mắc ít nhất một sai lầm có thể gây nguy hại cho mắt. Những sai lầm này thường là sử dụng kính áp tròng quá thời gian khuyến nghị mà không thay thế, kết hợp mắt kính cũ và mới, không tháo kính áp tròng khi ngủ và là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm khuẩn cho mắt. Hậu quả của những sai lầm này là tác hại lớn cho mắt, nhẹ thì là các biểu hiện viêm, ngứa, sưng, đỏ, nặng có thể là mù tạm thời hoặc phải khoét bỏ mắt.
Các biện pháp khắc phục
Bản chất kính áp tròng là một hợp chất, nó có thể gây dị ứng, kích ứng với từng người. Các trường hợp bị khô mắt, viêm nhiễm mạn tính tại mi và giác mạc thì không nên đeo loại kính này. Vì vậy, nếu muốn đeo kính áp tròng, bạn cần đến chuyên khoa mắt để được tư vấn và làm giác mạc đồ nhằm tính toán độ cong của giác mạc, từ đó chọn kính phù hợp. Khi đã đeo kính, bạn có thể bị đau rát do kính sai kích cỡ, có dị vật lọt vào mắt, kính bị hỏng, xước giác mạc… thì cần đi khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, để tránh các nguy cơ trên cũng như hậu quả của nó, người sử dụng cần thực hiện:
Luôn luôn rửa tay trước khi đeo kính;
Cẩn thận chà xát mắt kính sát tròng bằng ngón tay trong dung dịch rửa để làm sạch kỹ lưỡng;
Thay kính áp tròng 3 tháng/lần và đảm bảo vệ sinh mỗi mắt kính sau khi sử dụng;
Tháo kính áp tròng khi ngủ và bảo quản trong hộp đựng riêng. Dung dịch bảo quản cũng cần được thay thế hàng ngày;
Không đeo kính áp tròng khi bơi hoặc tắm vì khi tiếp xúc với nước có thể khiến mắt dễ bị tổn thương bởi vi sinh vật nguy hại;
Bên cạnh đó, người dùng cần lưu ý, không nên đeo kính áp tròng quá 8 giờ/ngày mà nên thay thế bằng kính gọng để mắt nghỉ ngơi, tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ hoặc theo thời gian sau 1 tháng đối với lần đeo đầu tiên và mỗi 6 tháng cho các lần tiếp theo. Trường hợp đeo kính mà xuất hiện các triệu chứng đỏ mắt, mờ, cộm thì cần đi khám ngay tại chuyên khoa mắt.