Tapentadol còn được chỉ định ở người lớn có đau nặng mạn tính cần được giảm đau bằng opioid. Trên trẻ em, thuốc được khuyến cáo chỉ sử dụng tối đa trong 3 ngày.
Nguy cơ gây co giật đã được ghi nhận với tất cả các thuốc opioid. Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây về thông tin an toàn của tapentadol ở châu Âu, nguy cơ này cần được tăng cường cảnh báo. Gần một nửa số báo cáo tự nguyện xác định bệnh nhân xuất hiện co giật khi sử dụng đồng thời tapentadol với các thuốc có tác dụng làm giảm ngưỡng co giật, như các thuốc điều trị trầm cảm (thuốc ức chế tái thu hồi serotonin, thuốc ức chế tái thu hồi serotonin và noradrenalin, thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc chống loạn thần). Tapentadol được khuyến cáo thận trọng trên bệnh nhân có tiền sử co giật hoặc động kinh do có nguy cơ co giật cao.
Ngoài ra, đã ghi nhận các báo cáo về hội chứng serotonin khi sử dụng đồng thời tapentadol với các thuốc chống trầm cảm. Cần xác định hội chứng serotonin khi bệnh nhân xuất hiện một trong các triệu chứng như co giật tự phát, máy mắt kèm kích thích, toát mồ hôi, run, tăng phản xạ, tăng trương lực cơ và tăng thân nhiệt lên trên 38°C và co giật mắt. Các triệu chứng này có thể thuyên giảm khi ngừng điều trị với thuốc gây hội chứng serotonin và điều trị triệu chứng bổ trợ. Cần đánh giá lại nguy cơ nếu tiếp tục sử dụng thuốc này cho bệnh nhân.