Bị cắt cụt chi sau một thời gian không điều trị đái tháo đường thường xuyên
Bệnh viện Nội tiết Trung ương thời gian qua đã tiếp nhận ca bệnh nhân nam 76 tuổi, bị nhiễm trùng hoại tử bàn chân hai bên rất nặng do biến chứng đái tháo đường.
Tại thời điểm nhập viện, người bệnh trong tình trạng sốt cao, thể trạng suy kiệt... Cả hai bàn chân đều xuất hiện hoại tử lan rộng, dịch mủ hôi thối, đau nhức. Trong đó, bàn chân trái nhiễm trùng nặng còn bàn chân phải đã bị cắt bàn chân đến sát xương gót chân.
Thông tin từ người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 kèm tăng huyết áp nhưng không được phát hiện. Hơn 1 năm trước bị tổn thương bàn chân, đi khám được phát hiện mắc đái tháo đường nhưng không điều trị thường xuyên. Khoảng 3 tháng trước nhập viện, người bệnh bệnh bị ngã cầu thang dẫn đến tím một ngón ở bàn chân phải. Sau khoảng một tuần, ngón cái bàn chân trái có màu tím đen, xuất hiện các vết loét ở bàn chân. Vết thương sưng to, nhanh chóng hoại tử và lan đến các ngón khác. Mặc dù đã được điều trị và chăm sóc tại cơ sở y tế nhưng không hiệu quả. Nhiễm trùng ngày càng lan rộng, cả bàn chân xuất hiện hoại tử đen toàn bộ đầu ngón bàn chân, do đó được chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tại đây, các kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng cao, chỉ số đường huyết vượt quá ngưỡng cho phép. Đáng lưu ý, bệnh nhân bị tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn nên sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ chỉ định cắt cụt 1/3 trên cẳng chân 2 bên, kết hợp theo dõi, chăm sóc điều trị tích cực.
Đây là một trường hợp biến chứng rất nặng, do vậy sau phẫu thuật, diễn biến bệnh nhân còn phức tạp với các nguy cơ: Nhiễm trùng, nhiễm độc, thiếu máu nặng, cơ thể suy kiệt, mỏm cụt có nguy cơ hoại tử khó liền...
ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân cho biết: Thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường có biến chứng nghiêm trọng với viêm hoại tử bàn chân, cẳng chân, bàn chân và áp xe phần mềm da trên cơ thể… Nguyên nhân hoại tử thường bắt đầu từ một vết thương nhỏ, ở bệnh nhân kiểm soát đường huyết không tốt do không tuân thủ điều trị.
Biến chứng bàn chân là tổn thương nặng, chi phí điều trị cao
Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện, tổn thương bàn chân đái tháo đường là hậu quả của bệnh lý thần kinh ngoại biên. Người bệnh bị giảm cảm nhận, rối loạn thần kinh tự động và thiếu máu do xơ vữa mạch các mạch máu của chân. Ngoài ra, nhiễm khuẩn là mối đe dọa thường trực, nguy hiểm đối với bàn chân của người bệnh đái tháo đường.
Khi đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn. Hơn nữa, người bệnh đái tháo đường có suy giảm chức năng bạch cầu và miễn dịch tế bào... Bàn chân người đái tháo đường là nơi thuận lợi cho sự lan rộng nhanh chóng của nhiễm trùng, do các rối loạn tuần hoàn và bệnh lý thần kinh.
Những vết thương dù rất nhỏ, nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời có thể tạo nên các nhiễm khuẩn âm ỉ, sau đó sẽ lan rộng nhanh chóng vào sâu trong bàn chân. Nhiễm khuẩn mô mềm ở sâu gây hoại tử, phối hợp với viêm tủy xương là nguyên nhân khiến bệnh nhân đái tháo đường phải cắt cụt chi.
Việc điều trị bàn chân đái tháo đường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn.
Theo số liệu từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương có từ 5 - 7% số bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân. Nguy cơ cắt cụt chân cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị bệnh.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, tổn thương bàn chân đặt ra một vấn đề nan giải, xét cả về mặt xã hội, kinh tế và y tế. Tổn thương bàn chân làm bệnh nhân mất đi sức lao động, gây tàn phế, làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ.
Việc điều trị các tổn thương bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường cần một thời gian nằm viện rất dài, thường là trên 4 tuần với một chi phí y tế rất cao. Hầu hết các trường hợp phải cắt cụt chi dưới do tổn thương bàn chân đái tháo đường gặp ở những bệnh nhân đến khám muộn, khi đã có hoại tử bàn chân hoặc đã bị tổn thương xương bàn chân. Chính vì vậy, để giảm bớt số lượng bệnh nhân đái tháo đường phải cắt cụt chi, thì việc phát hiện sớm các tổn thương bàn chân ở người bệnh đái tháo đường có vai trò hết sức quan trọng.
Điều trị phòng ngừa bệnh lý bàn chân đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, không điều trị khỏi hẳn được do đó cần phải điều trị suốt đời. Việc điều trị nhằm duy trì mức đường huyết trong khoảng an toàn nhằm hạn chế các biến chứng. Điều trị đái tháo đường cần kết hợp các phương pháp: Chế độ ăn hợp lý + chế độ luyện tập phù hợp và dùng thuốc đúng theo từng giai đoạn bệnh và điều trị tốt các bệnh lý khác kèm theo.
Để phòng ngừa nguy cơ loét bàn chân, bệnh nhân đái tháo đường cần chú ý:
- Luôn vệ sinh chân sạch sẽ, đặc biệt là các kẽ ngón chân.
- Hàng ngày tự kiểm tra để phát hiện các dấu vết bất thường như vết xước, vết phồng rộp, chỗ chai chân...
- Tránh dùng những hóa chất sát trùng quá mạnh.
- Không để chân tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Đi giày dép, bít tất phù hợp với người bệnh, tốt nhất là chọn loại chuyên dùng cho bệnh nhân đái tháo đường.
- Không cắt móng chân quá sát ảnh hưởng đến niêm mạc móng chân; không để móng quặp vào ngón chân...
Trong quá trình điều trị đái tháo đường, bệnh nhân cần:
- Tuân thủ dùng thuốc để kiểm soát tốt đường huyết.
- Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Điều trị các biến chứng kèm theo (nếu có).
- Điều trị sớm các cục chai chân.
- Dùng thuốc hoặc luyện tập, xoa bóp để tăng cường tuần hoàn máu đến vùng ngoại vi (đầu ngón chân).
Dấu hiệu nhận biết bệnh lý bàn chân ở người bệnh đái tháo đường
- Giảm nhận cảm giác xúc giác, thấy đau âm ỉ hoặc bỏng rát, đau tăng về đêm, cảm giác tê cóng, buồn như kiến bò ; cảm giác đi không thật chân, như đi trên bông, hoặc không khí; có khi tăng cảm giác đau, đau rát nhiều mặc dù chỉ chạm nhẹ vào da.
- Cảm giác tê bì như kiến bò như kim châm, tăng về đêm, kèm theo giảm cảm giác. Thể này ít có biểu hiện lâm sàng lại kèm theo giảm cảm giác nên rất nguy hiểm, vì bệnh nhân không cảm nhận được các chấn thương nhỏ, sẽ dẫn đến các bệnh cảnh trầm trọng của bàn chân người đái tháo.
- Dày sừng, móng chân mọc lộn xộn; các tĩnh mạch mu bàn chân phồng to ở tư thế nằm ngang; biến dạng các ngón chân, mất cấu trúc giải phẫu bình thường...
- Đau cách hồi: Đau ở bắp chân và bàn chân, cảm giác cẳng chân bị bó chặt lại làm bệnh nhân phải ngừng lại nghỉ không đi tiếp được. Lúc đầu đau ít, sau đau nhiều hơn và cần thời gian nghỉ lâu hơn. Triệu chứng đau xuất hiện ở hông, đùi (tổn thương động mạch đoạn chủ - chậu) hoặc tại đùi, bắp chân (tổn thương động mạch đoạn đùi - khoeo).
- Mỏi hai chân, cảm giác bủn rủn không bước đi được. Triệu chứng này xuất hiện sớm hơn đau cách hồi và dự báo sự xuất hiện của đau cách hồi.
- Cảm giác lạnh chân rất có giá trị khi tổn thương ở một bên chân, kèm theo da chân bên đó tái nhợt.
Mời độc giả xem thêm video:
Đái tháo đường: Nhận biết bệnh sớm qua những dấu hiệu nào? I SKĐS