1. Sự liên quan giữa béo phì và ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác được nguyên nhân gây ung thư buồng trứng nhưng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết, nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng bao gồm các yếu tố như: tuổi tác, tình trạng thừa cân hoặc béo phì, phụ nữ sinh con muộn, dùng liệu pháp hormone sau khi mãn kinh, phụ nữ từng bị ung thư vú, có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú hoặc ung thư đại trực tràng…
Béo phì có liên quan đến nguy cơ phát triển nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư buồng trứng. Thông tin hiện có về nguy cơ mắc ung thư buồng trứng và béo phì vẫn chưa rõ ràng. Phụ nữ béo phì (những người có chỉ số khối cơ thể BMI ít nhất là 30) có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Béo phì cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sống sót nói chung của phụ nữ mắc ung thư buồng trứng.
2. Béo phì khiến ung thư buồng trứng trở nên nguy hiểm hơn
Béo phì, được coi là một đại dịch không lây nhiễm, được biết là làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng và làm giảm khả năng sống sót sau căn bệnh này. Trong một nghiên cứu được tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia, Viện Ung thư Quốc gia, Viện Lão khoa Quốc gia, Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Quỹ từ thiện Leo và Ann Albert; các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ một yếu tố chính có thể khiến ung thư buồng trứng trở nên đặc biệt nguy hiểm, đó là béo phì.
Để tìm hiểu lý do tại sao béo phì khiến ung thư buồng trứng trở nên nguy hiểm hơn, các nhà nghiên cứu đã phân tích các mô khối u ung thư từ bệnh nhân ung thư buồng trứng. Họ so sánh các mô của bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao với những bệnh nhân có BMI thấp hơn và có hai điểm khác biệt quan trọng.
Ở những bệnh nhân ung thư có BMI cao hơn 30, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một mô hình cụ thể trong loại tế bào miễn dịch bao quanh khối u ung thư. Họ tìm thấy sự thay đổi trong quần thể của một loại tế bào miễn dịch, được gọi là đại thực bào, xâm nhập vào khối u thường liên quan đến các giai đoạn ung thư tiến triển hơn và khả năng sống sót kém.
Các khối u ung thư ở những bệnh nhân béo phì cũng được bao quanh bởi mô xơ cứng hơn được biết là giúp khối u chống lại việc điều trị bằng hóa trị. Nhóm nghiên cứu cũng có thể xác nhận những phát hiện của họ bằng cách quan sát các mô hình tương tự ở những con chuột mang ung thư buồng trứng được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo.
Nghiên cứu này mang lại hy vọng về những phương pháp điều trị tốt hơn khi tình trạng béo phì ngày càng gia tăng. Các chiến lược mới cho các liệu pháp nhắm mục tiêu có thể cải thiện kết quả cho bệnh nhân ung thư buồng trứng.
Đừng chủ quan với ung thư buồng trứng
Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, ung thư buồng trứng có hiệu quả điều trị rất tốt nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Phụ nữ cần cảnh giác khi phát hiện có các dấu hiệu sau vì chúng rất có thể là các triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng như: Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới; mệt mỏi; thường xuyên buồn đi tiểu; rối loạn tiêu hóa; ra máu âm đạo bất thường; đau lưng, đau khi quan hệ tình dục; sụt cân không rõ nguyên nhân…
Khi phát hiện có những dấu hiệu trên, phụ nữ nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác và có biện pháp can thiệp điều trị sớm. Càng ở giai đoạn sớm, khi ung thư ít xâm lấn thì hiệu quả điều trị càng cao.
Chị em cần lưu ý, thực hiện tầm soát ung thư cũng chính là cách phát hiện bệnh sớm và gia tăng tỷ lệ điều trị thành công. Thời điểm phụ nữ nên tầm soát ung thư buồng trứng là thời kỳ mãn kinh, sau 50 tuổi nên tầm soát ung thư buồng trứng định kỳ hàng năm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Căn bệnh có 1 tỷ người mắc phải, dễ dẫn đến nhiều loại ung thư.