Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, Quảng Bình khẩn trương phòng chống

25-06-2022 11:34 | Y tế
google news

SKĐS - Nhận định nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới, ngành Y tế Quảng Bình cùng các cấp, ban ngành đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và nâng cao nhận thức của người dân.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện rải rác một số ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) nhỏ. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, đến ngày 21/6, toàn tỉnh đã ghi nhận 147 ca mắc.

BS. Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, trong thời gian tới nguy cơ các loại dịch bệnh mùa hè bùng phát trên địa bàn là hiện hữu, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Quảng Bình tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã nhập viện vì các bệnh mùa hè, trong đó có sốt xuất huyết.

BS. Đỗ Quốc Tiệp thông tin, với dịch sốt xuất huyết thường có chu kỳ của một đợt dịch bùng phát mạnh là 3-4 năm. Đợt dịch bùng phát gần đây nhất ở Quảng Bình là vào năm 2019, vì vậy khả năng năm nay có thể sẽ bắt đầu một đợt dịch SXH mới.

Để hạn chế số ca mắc SXH, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, không để vật chứa đọng nước cho muỗi đẻ trứng làm phát sinh lăng quăng…

Khi trong gia đình có người sốt liên tục từ 2-3 ngày cần nghĩ đến SXH và khi xác định mắc SXH có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà nhưng phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo, như: Sốt li bì, chân tay lạnh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, xuất huyết niêm mạc, nôn ra máu...

Quảng Bình tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Cán bộ y tế tiến hành phun hóa chất chủ động diệt muỗi tại các hộ dân.

"Hiện tại, nguồn hóa chất và vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch CDC vẫn đủ khả năng hỗ trợ cho các địa phương, nhưng nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng sẽ thiếu và gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống các loại dịch bệnh, trước hết cho bản thân và gia đình, sau nữa là góp phần chung tay bảo vệ cộng đồng an toàn", BS. Đỗ Quốc Tiệp chia sẻ.

Để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao để phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy). Đảm bảo tất cả các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý bể nước, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Quảng Bình tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết - Ảnh 3.

Cán bộ y tế giám sát, điều tra chỉ số côn trùng khu vực có nguy cơ cao để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch.

Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân; tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, chuyển tuyến kịp thời, an toàn; đảm bảo có dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng; củng cố, duy trì hoạt động của "nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết" và "đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ổ lăng quăng một cách hiệu quả.

Quảng Bình tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết - Ảnh 4.

Lãnh đạo CDC Quảng Bình kiểm tra, giám sát công tác điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Bố Trạch.

Các cơ quan thông tin đại chúng triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí kịp thời cho các đơn vị y tế triển khai hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả với các tư vấn của chuyên gia


Hùng Trần
Ý kiến của bạn