Nguy cơ bùng phát dịch sởi luôn hiện hữu
Theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 15 ca sốt phát ban nghi sởi và 2 ca bệnh sởi xác định (điều trị khỏi xuất viện). Các trường hợp sốt phát ban nghi sởi và ca bệnh xác định đều đơn lẻ, không phát hiện liên quan về đường lây, nguồn lây với các trường hợp khác.
Tất cả ca bệnh đều được giám sát, phát hiện từ sớm và tổ chức điều tra, xử lý dịch kịp thời theo quy định nên đến nay chưa phát hiện thêm các trường hợp lây nhiễm thứ phát ra cộng đồng.
ThS.BSCKII Hoàng Trọng Quý, Phó Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế thông tin, sởi không phải là dịch bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn, các ca bệnh được ghi nhận rải rác, nhỏ lẻ qua các năm.
Cụ thể, trong 5 năm qua, chỉ phát hiện bệnh sởi gia tăng vào năm 2019 với 35 ca bệnh dương tính, năm 2020 - 2022 không ghi nhận ca mắc, năm 2023 xuất hiện trở lại 1 ca và trong 10 tháng đầu năm 2024 có 2 ca.
"Mặc dù ca mắc sởi xác định qua các năm không cao nhưng sốt phát ban nghi sởi có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trong khi, tình hình dịch sởi tại một số địa phương trên toàn quốc có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp... Do đó, nguy cơ bùng phát dịch sởi luôn hiện hữu, các cơ sở y tế tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh", Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vaccine phòng bệnh sởi là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng cũng như ngăn chặn bệnh lây lan trong cộng đồng. Có thể sử dụng vaccine dạng đơn hoặc dạng phối hợp như sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella.
Hiện nay, vaccine phòng sởi có cả ở vaccine dịch vụ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên toàn tỉnh và vaccine miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai thường quy hàng tháng theo lịch tiêm chủng tại các Trạm Y tế.
Chủ động phòng chống dịch sởi
ThS.BSCKII Hoàng Trọng Quý cho biết, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan duy trì tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng, rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trường hợp chưa được tiêm phòng để phòng chống dịch, hạn chế tối đa số ca mắc, không để bùng phát, lây lan dịch bệnh sởi trong cộng đồng,
Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh sởi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng, trường học và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ.
"Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm chủng dịch vụ nếu có điều kiện để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm", ThS.BSCKII Hoàng Trọng Quý cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, để phòng, chống dịch bệnh sởi hiệu quả khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Ngoài ra, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
"Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến", lãnh đạo Sở Y tế khuyến cáo.