Quá tải về điều trị tại Tây Ninh
Tính từ đầu đợt dịch đến ngày 1/8, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ghi nhận 1.962 trường hợp nhiễm SARS-COV-2.
Hiện nay tổng số giường điều trị của tỉnh Tây Ninh hiện có là 4.760 giường và có thể mở rộng quy mô theo tình hình thực tế tại địa phương.
Tây Ninh yêu cầu mỗi huyện có ít nhất 100 giường cách ly trường hợp test nhanh dương tính hoặc xét nghiệm RT-PCR sàng lọc dương tính và 200 giường điều trị người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, không có bệnh lý nền.
Tỉnh này đang áp dụng mô hình tháp điều trị 5 tầng. Trong đó:
Tầng 1: Tiếp nhận những trường hợp test nhanh dương tính hoặc xét nghiệm RT-PCR sàng lọc dương tính. Số giường hiện có: 2.700 giường.
Tầng 2: Tiếp nhận những trường hợp F0 mức độ nhẹ, có 1.350 giường.
Tầng 3: Tiếp nhận những trường hợp F0 triệu chứng mức độ trung bình, có bệnh lý nền, trẻ em <5 tuổi, người >70 tuổi. Công suất dự kiến: 370 giường theo quy chuẩn BYT/500 giường kế hoạch.
Tầng 4: Tiếp nhận những trường hợp F0 triệu chứng mức độ nặng, có bệnh lý đi kèm, cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Có 210 giường (hiện đang hoạt động 110 giường; đang nâng cấp 45 giường, xây dựng mới 50 giường).
Tầng 5: Triệu chứng mức độ nguy kịch.
Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Y tế và các đơn vị liên quan sẵn sàng các phương án xây dựng bệnh viện dã chiến quy mô 1.000 giường, mở rộng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Phương án thành lập bệnh viện dã chiến tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong các tình huống khẩn cấp, để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng.
Tỉnh Tây Ninh đã triển khai 5 hệ thống xét nghiệm SARS–CoV–2 (2 cơ sở công lập và 3 cơ sở tư nhân), công suất: mẫu đơn là 1.478 và mẫu gộp là 7.390 mẫu.
Hiện nay số ca nhiễm trên địa bàn Tây Ninh cao (hiện đang điều trị 1.556 ca) , việc quá tải tại các cơ sở điều trị và khả năng tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng rất hạn chế, cần sự chi viện, hỗ trợ chuyên môn từ Bộ Y tế
"Chúng tôi liên tục ghi nhận các ca dương tính trong cộng đồng với số lượng 100-150 ca mỗi ngày, nhiều trường hợp không xác định được các yếu tố dịch tễ, chuỗi lây nhiễm, khó khăn trong công tác thống kê dịch tễ, định hướng xét nghiệm", BS Nguyễn Văn Cường, Phụ trách Sở Y tế Tây Ninh nói.
Phải mạnh mẽ, thực chất hơn
Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh miền Đồng Nam Bộ chống dịch COVID-19 - đánh giá nguy cơ dịch của Tây Ninh là rất cao, nếu địa phương không khẩn trương thì hậu quả sẽ rất khó lường.
"Đề nghị cả hệ thống chính trị của tỉnh phải vào cuộc mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn của Tỉnh cần có kịch bản ứng phó với kịch bản có 10.000 bệnh nhân. Đồng thời đẩy nhanh tốc độc truy vết, xét nghiệm" - GS Thuấn nói.
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Tây Ninh phải tranh thủ "thời gian vàng" thực hiện giãn cách nghiêm, đề nghị địa phương phải làm chặt, không được lơ là, chủ quan. Khẩn trương truy vết, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, "bóc tách" người nhiễm COVID-19 ra khỏi cộng đồng, bảo vệ tốt, tiến tới mở rộng "vùng xanh", khóa chặt "vùng đỏ".
Tây Ninh phải đc biệt quan tâm công tác truy vết và xét nghiệm, hiện nay công suất xét nghiệm của tỉnh là quá thấp. GS,TS Trần Văn Thuấn giao nhiệm vụ cho Viện Pasteur TP HCM hỗ trợ tỉnh nâng công suất xét nghiệm lên khoảng 3.000-5.000 mẫu. Cần có chiến lược xét nghiệm phù hợp với từng khu vực.
Tăng cường kiểm soát khu cách ly hạn chế tối đa lây nhiễm chéo và cho thí điểm cách ly tại nhà
Tây Ninh hiện đang có 168 doanh nghiệp/42.880 lao động thực hiện 3 tại chỗ, tuy nhiên đã ghi nhận 15 doanh nghiệp có ca nhiễm COVID-19. Việc lây nhiễm trong các doanh nghiệp ở KCN đang diễn biến phức tạp.
Trước tình hình này, GS.TS Trần Văn Thuấn đề nghị: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất 3 tại chỗ, xét nghiệm định kỳ cho công nhân, tối thiểu phải đạt 20% công nhân tham gia sản xuất.
Đồng thời, Tây Ninh nhanh chóng, khẩn trương thiết lập tối thiểu 300 giường điều trị hồi sức tích cực.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn lưu ý tỉnh cần thực hiện phân tầng đúng, chuyển tầng đúng, không chuyển bệnh nhân quá sớm gây quá tải tuyến trên cũng như không chuyển quá muộn làm tăng nguy cơ tử vong. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, bảo vệ nguồn cung cấp oxy y tế. Có kế hoạch chi tiết tiêm vaccine, tỉ mỉ an toàn, hiệu quả và chất lượng.
GS.TS Trần Văn Thuấn đã đồng ý điều động và cử 1 bác sĩ chuyên về hồi sức tích cực về Tây Ninh để hỗ trợ tỉnh trong công tác điều trị
Dịp này, Bộ Y tế hỗ trợ cho Tây Ninh 5 máy thở chức năng cao, 20 máy HFNC, khẩu trang y tế... và sẵn sàng tập huấn, đào tạo từ xa cho tỉnh với các chuyên gia đầu ngành.
Cảm ơn những đống góp quý báu của đoàn chuyên gia Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc lo lắng cho khâu tổ chức chống dịch của tỉnh còn yếu. "Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho Tây Ninh" - ông Ngọc nói.