Trong 5 tuần gần đây số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, đã có 6 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế đưa ra nhận định, hiện nay đang là cao điểm sốt xuất huyết hằng năm, nguy cơ số mắc bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không chủ động phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Phun thuốc phòng bệnh SXH tại khu dân cư. Ảnh: TM
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2018 số ca mắc bệnh tăng 3,1 lần (năm 2018 số mắc cùng kỳ là hơn 28.000 trường hợp, tử vong là 8 trường hợp).Đặc biệt, trong 5 tuần gần đây số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đó là các tỉnh như: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế...
Tại Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 11/7, toàn thành phố ghi nhận 1.147 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 261/584 xã, phường, thị trấn, không có trường hợp tử vong. Đối với bệnh sởi, tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến ngày 14/7 là 1.585 ca, không có tử vong. Số mắc phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 422/584 xã, phường, thị trấn.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng. Dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng gia tăng trên quy mô toàn cầu và cả nước do biến đổi khí hậu, di biến động dân cư, tình trạng đô thị hóa. Hà Nội lại là địa phương có mật độ dân số cao với hơn 10 triệu người kéo theo các vấn đề về ăn ở, vệ sinh môi trường kém là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển. Các đối tượng chưa được tiêm phòng bệnh hoặc tiêm chủng không đầy đủ rất dễ dẫn đến khả năng mắc bệnh.