Nguy cơ bùng phát bệnh thủy đậu, tay chân miệng

28-04-2014 20:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 28.4, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, cùng với bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu cũng đang bùng phát, có thể dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

 

Ngày 28.4, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, cùng với bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu cũng đang bùng phát, có thể dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Hơn 17.400 ca mắc tay chân miệng từ đầu năm 2014 đến nay

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 17.400 ca mắc tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành phố, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, có 1 số tỉnh có tỷ lệ mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 như TP Hồ Chí Minh (2600 ca, tăng 28,9%), Bà Rịa-Vũng Tàu (1.100 ca, tăng 34,4%), Cà Mau (938 ca, tăng 15,5%), Kon Tum (112 ca, tăng 69,7%)… TS Phu nhận định, bệnh tay chân miệng tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, do đó, thời gian tới, vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng. Hơn nữa, năm 2013 số ca mắc thấp, nên theo chu kỳ, khả năng tay chân miệng gia tăng là rất cao. Bệnh thủy đậu chưa có số thống kê cụ thể, nhưng cũng đang gia tăng tại Tp Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương… Ngoài ra, tại các nước “hàng xóm” đang gia tăng số ca mắc tay chân miệng như Trung Quốc tăng 1% so với cùng kỳ năm 2013, Singgapore tăng 29%...

 

Điều trị cho bệnh nhân bị tay chân miệng tại BV NHi đồng 1-Tp Hồ Chí Minh

Điều trị cho bệnh nhân bị tay chân miệng tại BV NHi đồng 1-Tp Hồ Chí Minh

“Đây đều là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan. Nếu như không kịp thời phát hiện, cách ly các trường hợp mắc bệnh thì virus sẽ rất dễ phát tán và lây sang người khác qua dịch miệng, mắt, mũi” – TS Phu nhận định. Bộ Y tế đã ra thông báo hướng dẫn người dân nhận biết về bệnh tay chân miệng, cũng như cách hạn chế lây lan bằng cách giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên cho trẻ, cho trẻ ăn uống đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng…

Xuất hiện rải rác ca bệnh thủy đậu

Cùng với bệnh sởi, tay chân miệng, PGS.TS Bùi Vũ Huy- Trưởng Khoa Nhi- BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, đợt này, bệnh nhân bị thủy đậu cũng xuất hiện rải rác. Thời tiết năm nay gần hết tháng 4 nhưng độ ẩm vẫn còn khá cao, đây là điều kiện cho virus phát triển mạnh. Nhiều người do quá lo lắng nên đã đưa con khỏi Hà Nội, về quê hoặc đi du lịch để “trốn” dịch, nhưng theo tôi điều này không cần thiết. Các phụ huynh nên bảo vệ sức khỏe cho trẻ bằng cách đeo khẩu trang y tế, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh tốt, dinh dưỡng hợp lý, hạn chế đến nơi đông người, lúc về nhà cần tắm gội ngay.

 

Thăm khám cho bệnh nhân bị thủy đậu tại BV Bệnh Nhiệt đới TW. Ảnh DT

Thăm khám cho bệnh nhân bị thủy đậu tại BV Bệnh Nhiệt đới TW. Ảnh DT

Theo TS Huy, khi bị thủy đậu, quan trọng nhất là chăm sóc tại nhà và hướng dẫn phụ huynh phát hiện sớm biến chứng cho con em mình.Việc đầu tiên là chăm sóc da khi bé bị thủy đậu. Bởi bị thuỷ đậu, nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da. Khi lên những nốt đỏ, trẻ hay bị ngứa thường gãi làm nốt đậu bị vỡ, trầy xước da khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập làm lên mủ và sẽ để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong.

Vì thế, gia đình tuyệt đối không kiêng tắm cho trẻ mà tắm sạch cho trẻ bằng nước ấm, không nên tắm lâu như lúc trẻ khỏe mạnh để phòng các biến chứng khác. Cần lưu ý, khi lau, tắm cho trẻ cần phải rất nhẹ nhàng, tuyệt đối không để nốt đậu bị trợt, chảy nước. Khi có nốt phỏng trợt ra thì bôi trực tiếp xanh methylene lên vết trợt để sát khuẩn, còn những nốt phỏng nước chưa vỡ thì không cần bôi thuốc. Khi bị vỡ, trợt nhiều nốt đậu, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Vì tình trạng vỡ mụn nhiều có thể làm cho trẻ bị mất nước, nhiễm trùng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị trầy xước da nhiều đã bị mất nước, phải có chế độ điều trị đặc biệt, rửa hàng ngày, truyền, tiêm thuốc chống nhiễm khuẩn. Ngoài ra các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng vì ban thủy đậu có thể mọc ngay trong miệng, gây biến chứng bội nhiễm khiến trẻ đau đớn, khó ăn uống. Ngoài đánh răng, cần thường xuyên xúc miệng bằng nước sát trùng, trong trường hợp trẻ không ăn được phải đi khám để được tư vấn.

Ngoài chăm sóc da, dinh dưỡng cần chú ý phát hiện các biến chứng viêm da, viêm phổi, viêm não màng não để kịp thời điều trị. Với biến chứng viêm da, biểu hiện là phỏng nước có màu đục mủ, vết loét không khô, không đóng vảy mà có biểu hiện nhiễm trùng. Viêm phổi bệnh nhân ho, sốt trở lại, mệt mỏi nhiều hơn. Viêm não biểu hiện đau đầu, nôn có xu hướng tăng lên, trẻ chậm chạp hơn.

“Để phòng bệnh, tốt nhất nên cho trẻ tiêm vắc-xin phòng thuỷ đậu, kể cả trẻ lớn và người lớn mà chưa miễn dịch với thuỷ đậu cũng nên chủ động đi tiêm ngừa lại để phòng bệnh, tránh nguy cơ biến chứng xảy ra dù biết rằng không phải ai cũng bị biến chứng, nhưng không ai có thể chắc chắn biến chứng không rơi vào mình”, TS Bùi Vũ Huy khuyến cáo.

Liên quan đến vắc-xin thủy đậu phục vụ nhu cầu tiêm chủng, ông Nguyễn Tất Đạt- phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, hiện nay Công ty TNHH MTV Dược phẩm Sài Gòn (Sapharco) và Công ty TNHH MTV Vắc- xin, sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang có vắc – xin thủy đậu đủ cho nhu cầu tiêm chủng.

Box: Cũng trong ngày 28/4, liên quan đến dịch sởi, ông Phu cho biết, Cục sẽ có văn bản hướng dẫn 11 tỉnh có nguy cơ mắc sởi cao để thực hiện tiêm chủng vaccin sởi cho trẻ từ 2 đến 10 tuổi. Tuy nhiên, không phải trẻ nào trong 11 tỉnh đó cũng phải tiêm mà chỉ các trẻ trong ổ dịch, có nguy cơ lây nhiễm sởi cao mới phải tiêm. Theo ông Phu, ổ dịch là nơi có từ 3 người sốt phát ban nghi sởi trở lên, trong đó có ít nhất 2 người có kết quả xét nghiệm dương tính với vaccin sởi. Các tỉnh “nguy cơ” sẽ phải rà soát địa phương mình, lên kế hoạch và báo cáo với cán bộ Chương trình tiêm chủng mở rộng địa phương, để tổ chức tiêm cho đúng đối tượng.

Thái Bình

 

 

 

 


Ý kiến của bạn