3 bệnh nhân mắc bệnh than đều ở xã Chăn Nưa, huyện Sin Hồ, tỉnh Lai Châu. Cả 3 người đều tham gia mổ và ăn thịt trâu chết nghi do mắc bệnh than của người dân trong xã.
Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu, tình hình dịch bệnh chưa ổn định do nguồn lây tại chỗ, có nhiều người tham gia mổ và ăn thịt trâu chết, vi khuẩn khi sinh nha bào có thể tồn tại thời gian dài trong môi trường đất.
Hình ảnh bệnh than ở người bệnh huyện Sìn Hồ, Lai Châu
Trong thời gian tới, có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nếu người dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch cả trên người cũng như trên động vật.
Được biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, Lai Châu đã chỉ đạo Trạm Y tế xây dựng kế hoạch chống dịch bệnh than trên địa bàn.
Tiến hành xác minh tình hình động vật chết trên địa bàn và lập danh sách những người liên quan, đưa bệnh nhân đi điều trị hạn chế lây lan mầm bệnh và diễn biến nặng dẫn đến tử vong.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã Chăn Nưa tổ chức đi thu gom, tiêu hủy hơn 40 kg thực phẩm còn lại của những con trâu bị bệnh tiêu hủy theo quy định của cơ quan thú y.
Tổ chức tuyên truyền cho người dân dọn vệ sinh tại các bản để phun khử khuẩn môi trường bằng dung dịch CloraminB 0,5% hoạt tính tại các khu vực nguy cơ cao. Đặc biệt, tại các hộ gia đình có bệnh nhân, gia đình có trâu chết, điểm mổ trâu, nơi chôn thịt trâu…
Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ huy động 2 máy phun và 25kg CloraminB 25% để phun khử khuẩn môi trường tại khu vực có nguy cơ cao. Cách ly, điều trị bệnh nhân dương tính tại cơ sở y tế, điều trị dự phòng đối với những người liên quan theo đúng Quyết định số 5703/QĐ-BYT, ngày 20/12/2017 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh than trên người.
Hiện nay, chính quyền huyền Sìn Hồ, Lai Châu đã, đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân vệ sinh môi trường, nhà ở, chuồng chăn nuôi gia súc, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống nước đun sôi để nguội, vận động người dân không ăn rau sống, không ăn thực phẩm liên quan đến động vật ốm, chết.
Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho phép lưu hành trên thị trường.
Nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ gia súc mắc bệnh, chết bất thường trên địa bàn. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia xúc bị bệnh.