Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử Tổng thống Mỹ

06-11-2020 13:49 | Quốc tế

SKĐS - Gần như chắc thắng với 264 phiếu đại cử tri khi chỉ còn cần 6 phiếu nữa là chạm tới chiến thắng nếu kết quả ông Biden giành chiến thắng tại Nevada công bố đêm ngày 5/11 (giờ Việt Nam) thì ứng viên đảng Dân chủ giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để tiến tới chiếc ghế Tổng thống. Nhưng trước kết quả này, nhóm của đương kim Tổng thống Trump đang chuẩn bị một cuộc chiến pháp lý.

Những điều chưa từng có trong tiền lệ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ vẫn bị bao vây bởi dịch COVID-19 với hàng triệu người mắc, hàng trăm nghìn người tử vong, Mỹ vừa trải qua ngày có số ca mắc mới nhiều nhất từ trước đến nay - hơn 100.000 trường hợp.

Cuộc bầu cử Tổng thống thứ 46 của Mỹ cũng diễn ra với nhiều tình tiết vô cùng kịch tính khi đã qua ngày bầu cử 2 ngày nhưng Mỹ vẫn chưa xác định được “chủ nhân”  mới của Nhà Trắng. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử còn đang đứng trước nguy cơ lâm vào cuộc chiến pháp lý vô cùng cam go.

Tuy nhiên, khi nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 3/11, có nhiều con số chưa từng xuất hiện. Hơn 100 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại các hòm phiếu - một con số kỷ lục trong lịch sử bầu cử Mỹ và cao gần gấp đôi so với năm 2016. Chính vì số lượng lớn bỏ phiếu qua thư cao khiến việc kiểm phiếu sẽ kéo dài, có thể sang ngày 6/11 như ở Pennsylvania hoặc tới 9 ngày sau ngày bầu cử như ở Bắc Carolina quy định. Đây cũng là cuộc bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong hơn 100 năm qua như nhận định của GS Đại học Florida P.Mc Donald.

Ngoài ra, ông Joe Biden còn ghi tên mình trở thành người giành được số phiếu phổ thông cao kỷ lục - hơn 71 triệu phiếu phổ thông - hơn người lập kỷ lục trước đó là cựu Tổng thống B.Obama trong cuộc bầu cử năm 2008 ông chỉ giành được hơn 69 triệu phiếu bầu. Trong cuộc bầu cử lần này, Tổng thống Donald Trump cũng có hơn 68 triệu phiếu phổ thông - cao hơn số phiếu ông có được trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm. Con số này sẽ còn thay đổi vì còn rất nhiều phiếu chưa được kiểm đếm.

 bầu cử Tổng thống MỹKiểm phiếu tại Detroit.

Cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử sẽ ra sao?

Theo luật pháp Mỹ, bất cứ ứng viên Tổng thống nào giành được 270 phiếu đại cử tri sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ. Tình hình hiện nay đang có lợi cho ông Biden, nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Tổng thống Trump đang tìm cách đảo ngược cục diện bằng tòa án. Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đệ đơn kiện ở các bang  Pennsylvania, Michigan và Georgia dù trong đó bang Michigan đã tuyên bố chiến thắng cho ông Biden. Ngoài ra, họ yêu cầu bang Pennsylvania và Nevada quyền tiếp cận lớn hơn dành cho các quan sát viên đến từ chiến dịch của ông Trump ở các địa điểm đang kiểm đếm phiếu bầu. Ủy ban tranh cử của Tổng thống Trump còn cho biết ý định yêu cầu kiểm phiếu lại ở một số bang như Wiscosin. Nhóm của ông Trump muốn can thiệp vào bang Pennsylvnia để ngăn kiểm đếm phiếu qua đường bưu điện. Theo thống kê trước đó, số người ủng hộ đảng Dân chủ bỏ phiếu qua thư cao hơn so với đảng Cộng hòa. Về mặt luật pháp, không ai có thể ngăn cản việc kiểm đếm phiếu bầu nếu những lá phiếu đó đến trước ngày bầu cử, chuyên gia luật bầu cử Mỹ Richard Hasen của Đại học bang California cho biết.

Cánh cửa vào Nhà Trắng với ông D.Trump đang dần khép lại. Về lý thuyết, ông Trump vẫn còn cơ hội ngay cả khi ứng viên Biden vượt 270 phiếu đại cử tri. Đó là đưa vụ việc ra Tòa án tối cao Mỹ, nơi có 6/9 thẩm phán thuộc đảng Cộng hòa. Việc Tổng thống Trump bổ nhiệm Amy Barret làm Thẩm phán Tòa án tối cao chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra được cho là để chuẩn bị trong tình huống có tranh chấp về kết quả bầu cử.

Nếu chiến thắng sít sao ở những bang quyết định, rất có thể cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ  dẫn tới một cuộc chiến pháp lý. Tuy nhiên, để làm được điều này, phía Tổng thống Trump phải đưa ra được bằng chứng về việc phiếu bầu không hợp lệ, tiếp đó khởi động một phiên tòa pháp lý. Họ sẽ phải qua tòa địa phương, sau đó lên tòa án liên bang.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, cử tri Mỹ bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại hạ viện, 35/100 ghế tại thượng viện, 11 vị trí thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc.


Trần Hải
Ý kiến của bạn