Theo nghiên cứu, người tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể gặp Hội chứng mạch vành cấp (ACS), tức tình trạng nghẽn máu trong cơ tim. Nguy cơ cao nhất xảy ra trong vòng 1 giờ kể từ khi tiếp xúc và giảm dần theo thời gian trong ngày.
Chủ trì nghiên cứu, Giáo sư Haidong Kan thuộc Khoa y tế công cộng, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết đã có nhiều tài liệu cho thấy có mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh tim mạch, tuy nhiên nhóm nghiên cứu vẫn bất ngờ khi phát hiện ra tác động xảy ra nhanh đến vậy và không liên quan đến ngưỡng ô nhiễm.
Tiếp xúc với những vật chất nhỏ như giọt bắn hay bụi minh trong khí thải từ ô tô xe máy, nhà máy điện, công trường xây dựng và các nguồn ô nhiễm khác có thể gây nhồi máu cơ tim, đột ngụy và các vấn đề sức khỏe khác, đồng thời là nguyên nhân gây ra 4,2 triệu ca tử vong. Những vật chất này nhỏ đến mức mà khi một người hít phải, chúng có thể chạy sâu tới phổi hoặc mạch máu của người đó.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe của gần 1,3 triệu bệnh nhân nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực không ổn định ở 2.239 bệnh viện tại 318 thành phố của Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2020. Họ so sánh số lần xảy ra đau tim theo giờ với nồng độ bụi mịn, bụi thô, nitrogen dioxide, sulfur dioxide, carbon monoxide và khí ozon.
Kết quả cho thấy, tiếp xúc trong thời gian ngắn với bụi mịn, nitrogen dioxide, sulfur dioxide, carbon monoxide dù với nồng độ nào cũng có thể dẫn đến các triệu chứng động mạch vành cấp. Mức độ ô nhiễm tăng lên, nguy cơ bệnh tim mạch cũng tăng theo, trong đó nitrogen dioxide gây nguy cơ cao nhất, tiếp đến là bụi mịn, và khoảng thời gian nguy hiểm nhất là trong vòng 1 giờ sau khi tiếp xúc.
Những người có nguy cơ lớn nhất là người trên 65 tuổi chưa từng hút thuốc hay có các bệnh về đường hô hấp. Thời tiết càng lạnh, nguy cơ gặp biến chứng càng cao. Việc không có ngưỡng ô nhiễm nào cho thấy ngay cả ở những nơi có mức độ ô nhiễm không khí thấp cũng cần đề phòng nguy cơ này.
Theo Tiến sĩ Sanjay Rajagopalan, giám đốc Viện nghiên cứu Tim mạch thuộc Đại học Case Western Reserve tại Cleverland, đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh tim mạch tính theo giờ, qua đó giúp cảnh báo cần có biện pháp bảo vệ khi ô nhiễm không khí ở mức cao.
Tiến sĩ Rajagopalan không thuộc nhóm nghiên cứu này. Trong báo cáo riêng của mình năm 2020, ông đã đề xuất một số biện pháp tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Các biện pháp bao gồm đóng cửa sổ, dùng thiết bị lọc không khí di động và màng lọc máy điều hòa, sử dụng dung dịch xịt mũi họng cho người nguy cơ cao. Đeo khẩu trang phù hợp, ví dụ như loại dùng để ngừa virus SARS-CoV-2 cũng có tác dụng ngăn hít phải bụi mịn.