Nguy cơ biến chứng tim mạch do Ðái tháo đường

03-02-2014 06:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh nhân mắc đái tháo đường (ÐTÐ) thường sẽ bị tăng nguy cơ vữa xơ động mạch (VXÐM) và tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp cũng như bệnh động mạch vành (ÐMV). Ngoài ra, các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ khác ở mạch máu não, động mạch chủ, động mạch thận...

Bệnh nhân mắc đái tháo đường (ÐTÐ) thường sẽ bị tăng nguy cơ vữa xơ động mạch (VXÐM) và tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp cũng như bệnh động mạch vành (ÐMV). Ngoài ra, các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ khác ở mạch máu não, động mạch chủ, động mạch thận... đều gia tăng ở các bệnh nhân ÐTÐ.

Bệnh nhân ĐTĐ được coi là có nguy cơ tương đương như các bệnh nhân đã có tiền sử nhồi máu cơ tim (NMCT). Mảng xơ vữa ở bệnh nhân ĐTĐ thường là các mảng xơ vữa không ổn định, rất dễ bị nứt vỡ gây hẹp hoặc tắc các mạch máu. Các biến chứng tim mạch của ĐTĐ bao gồm: biến chứng vi mạch (bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh thần kinh); biến chứng mạch máu lớn (bệnh ĐMV, bệnh mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi). Khi bệnh tiến triển thì bệnh nhân có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy tim, suy thận...

Nhiều nghiên cứu dịch tễ đã chứng minh bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ bệnh ĐMV cao hơn bệnh nhân không bị ĐTĐ. Bệnh nhân ĐTĐ khi bị NMCT cấp cũng có nguy cơ sốc tim và tử vong cao hơn bệnh nhân không bị ĐTĐ; ĐTĐ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, ĐTĐ cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 10 lần và cũng làm tăng tỷ lệ tái đột quỵ, tăng sa sút trí tuệ.

Giảm nguy cơ tim mạch bằng cách nào?

Cần phải điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống.

Việc điều chỉnh lối sống bao gồm: giảm cân (nếu có thừa cân hay béo phì); tăng cường vận động (tối thiểu 30 phút/ngày); khẩu phần ăn cần phải cân đối, giảm bớt các chất đường, chất béo, tăng lượng rau xanh; ngưng hút thuốc lá, không uống rượu, bia nhiều. Các biện pháp này cần được thực hiện thường xuyên.

Ngoài ra, cần kiểm soát tốt các bệnh phối hợp khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng axit uric máu...

Kiểm soát đường huyết

Kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp giảm biến chứng vi mạch và biến chứng mạch máu lớn. Trong một số nghiên cứu, người ta đã chứng minh có mối tương quan giữa HbA1c và biến chứng vi mạch. Nếu giảm 10% HbA1c sẽ giảm được 40-50% nguy cơ xuất hiện và tiến triển bệnh võng mạc. Khi mức HbA1C giảm được 1% sẽ giảm được 25% biến chứng vi mạch. Tương quan giữa tăng đường huyết với biến chứng mạch máu lớn không thực sự rõ ràng như tương quan giữa đường huyết với biến chứng vi mạch, nhưng một số nghiên cứu cũng chứng minh khi kiểm soát tốt đường huyết cũng sẽ giúp giảm bệnh mạch máu lớn ở tim và các cơ quan khác.

Trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2, mức HbA1c giảm 1% sẽ giúp giảm 14% tỷ lệ NMCT và tử vong. Việc giảm đường máu sau ăn là một yếu tố quan trọng giúp giảm biến cố tim mạch.

Điều trị rối loạn lipid máu

Bệnh nhân ĐTĐ týp 2 thường có tình trạng đề kháng insulin. Từ sự đề kháng insulin này cũng sẽ dẫn đến các rối loạn lipid máu trên bệnh nhân ĐTĐ: tăng TG, giảm HDL-C, tăng LDL nhỏ đậm đặc. Các yếu tố này sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng VXĐM.

Điều trị rối loạn lipid máu trên bệnh nhân ĐTĐ ngoài việc điều chỉnh lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý còn cần điều trị bằng một số nhóm thuốc điều chỉnh rối loạn lipid máu như nhóm statins, fibrates...

Điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ thì cần phải cố gắng đưa mức huyết áp xuống dưới 130/80mmHg.     

GS.TS. Nguyễn Lân Việt


Ý kiến của bạn