Hà Nội

Nguy cơ bệnh tiến triển nặng khi đồng nhiễm cả COVID-19 và cúm A

11-01-2024 17:09 | Y tế

SKĐS - Trong bối cảnh đang lưu hành các chủng virus cúm mùa cũng như virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, các trường hợp đồng nhiễm cả hai loại virus này là hoàn toàn có thể...

TS Vũ Ngọc Long – Phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng nhưng đây không phải là sự bất thường vì hiện nay đang trong thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.

TS Long thông tin thêm, kết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B, hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9). Các chủng virus cúm mùa lưu hành ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như các nước trên thế giới, chưa phát hiện có sự đột biến gen ở các chủng này tại Việt Nam.

Nguy cơ bệnh tiến triển nặng khi đồng nhiễm cả COVID-19 và cúm A- Ảnh 1.

Cùng thời điểm mắc cả hai bệnh là COVID-19 và cúm A thì sẽ có nguy cơ tiến triển nặng.

BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho hay, hai đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền.

Các bác sĩ cho hay thông thường trẻ bị cúm A thường diễn biến nhẹ, phục hồi sau 5-7 ngày, tuy nhiên vối trẻ dưới 5 tuổi; trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., cúm A có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản, nhiễm khuẩn thứ phát và làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi mắc bệnh nền, gia tăng nguy cơ tử vong.

Cũng theo các chuyên gia hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc người đã mắc COVID-19, sau đó khi mắc cúm A sẽ gây ra triệu chứng nặng hơn; tuy nhiên nếu cùng thời điểm mắc cả hai bệnh là COVID-19 và cúm A thì sẽ có nguy cơ tiến triển nặng.

Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang lưu hành các chủng virus cúm mùa cũng như virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nên các trường hợp đồng nhiễm cả hai loại virus này là hoàn toàn có thể. Trên thực tế tại một số bệnh viện đã ghi nhận ca mắc đồng nhiễm cả cúm A và COVID-19. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân 66 tuổi vào nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Trước đó, bệnh nhân bị sốt, ho, sau 3 ngày bệnh không đỡ đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả mắc cả cúm A và COVID-19. Do có bệnh nền tiểu đường nên bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh khi cùng lúc mắc cả hai bệnh truyền nhiễm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2023, dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt. Một số bệnh như sốt phát ban nghi sởi, tay chân miệng có số mắc tăng tại một số địa phương. Cụ thể, trong năm ngoái, cả nước ghi nhận gần 100.000 ca mắc và 20 trường hợp tử vong do COVID-19. Như vậy, từ đầu dịch đến nay cả nước ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc, hơn 43.000 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế nhận định, tại Việt Nam, tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát. Số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.

Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:

- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

Nhiều người mắc cúm A tự mua thuốc tamiflu điều trị, chuyên gia khuyến cáo gì?Nhiều người mắc cúm A tự mua thuốc tamiflu điều trị, chuyên gia khuyến cáo gì?

SKĐS - Kết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B...


Thái Bình
Ý kiến của bạn