Nguy cơ bệnh tật do thiếu nước

05-03-2015 22:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Không còn nguồn nước sinh hoạt hoặc nếu có thì chỉ là nước ô nhiễm. Thực tế này từng xảy ra ở nhiều vùng nông thôn miền núi...

Không còn nguồn nước sinh hoạt hoặc nếu có thì chỉ là nước ô nhiễm. Thực tế này từng xảy ra ở nhiều vùng nông thôn miền núi thì nay, mức độ càng trở nên trầm trọng hơn tại những vùng khô hạn các tỉnh miền Nam Trung Bộ hiện nay. Chưa có con số thống kê cuối cùng về số hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt nhưng thực tế ở những tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận cho thấy: các điểm nóng khan hiếm nước sinh hoạt đang lan rộng, kéo theo nguy cơ phát sinh nhiều bệnh tật. Vào lúc này, người dân ở đây cho rằng: bệnh tật do nắng hạn chính là lo ngại lớn nhất.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn (CERWASS) thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, 2 tỉnh thuộc vùng cực Nam Trung Bộ là Bình Thuận và Ninh Thuận đang đối mặt với khan hiếm nước sạch nghiêm trọng nhất. “Trong vòng hai tháng nữa mà không có mưa chưa biết sẽ xoay xở thế nào”, ông Quân cho biết. Tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có 39 trạm cấp nước tập trung, theo Giám đốc Trung tâm NS&VSMT tỉnh, cả huyện Bắc Ái, Ninh Sơn, một nửa huyện Ninh Phước, nửa huyện Ninh Hải đều thiếu nước trầm trọng. Đáng chú ý, 2 trong số 7 công trình khai thác nước tập trung tại các khu vực thiếu nước không còn nước để xử lý và bơm vào đường ống cho dân. Số người buộc phải mua nước ăn tại các huyện trên lên đến 170.000. Tỉnh Ninh Thuận đang cố gắng chở nước bằng xe tải lên đổ vào các lu chứa nước dung tích 2m3/lu và bán cho bà con với giá 20.000 đồng/m3 nước. Dù bán nước với giá cao như thế, nhưng theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, trong vòng hai tháng nữa mà trời không mưa sẽ không biết lấy nước ở đâu để bán tiếp. Các vùng được coi là đủ nước sinh hoạt cũng chỉ đảm bảo mức tối thiểu 60 lít/người/ngày và mực nước ngầm cũng tụt rất nhanh.

Do nhiều tháng không có mưa, tổng lượng nước ở 20 hồ chứa của tỉnh Ninh Thuận chỉ còn 44 triệu m3, đạt 23,8% tổng dung tích thiết kế. Trước tình trạng thiếu nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất..., tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực vượt qua đợt hạn hán kéo dài và gay gắt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Mới 7 giờ sáng, thời tiết khá lạnh nhưng đã có hàng chục phụ nữ, trẻ em cầm can nhựa và các vật dụng khác lũ lượt đi đến các bể chứa nước công cộng tại các thôn, tranh thủ lấy nước sinh hoạt do Công ty Công trình đô thị Ninh Thuận cung cấp cách nhật (2 ngày 1 lần) với 20m3/ngày. ông Trương Quý Dương - Chủ tịch xã Phước Trung, huyện Bắc Ái (Ninh Thuận) cũng có mặt rất sớm để chỉ đạo người dân chia sẻ nước với nhau và cho biết: “Nhiều tháng qua, hơn 200 hộ dân ở hai thôn Tham Dú và Đồng Dày phải chắt chiu từng giọt nước để nấu ăn và uống, còn nước dùng cho các sinh hoạt khác, bà con phải đi “vét” từ các khe suối cạn hay đào hố, nhưng rất khan hiếm.

Thiếu nước sinh hoạt, môi trường sống của nhiều người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ít nhất có 50 hộ gia đình ở xã Phước Trung đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn. Còn nếu tính chung cả 2 xã Phước Trung và Phước Ninh, con số sẽ lên rất nhiều. Trước tình trạng này, mỗi khi người trong các xã lấy được ít nước suối về, họ lại tìm mọi cách để giữ chỗ nước đó, bởi mọi người xem nước lấy được như là tài sản quý. Tuy nhiên, con suối Đồng Nha sau mỗi ngày nước suối lại cạn dần và sau một ngày suối lại càng thêm ô nhiễm. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt mùa nóng, cùng với nước suối ô nhiễm đã làm cho nhiều trường hợp trong xã mắc bệnh tiêu hóa và bệnh ngoài da trong vài tháng trở lại đây. Ruồi, muỗi lại có cơ hội phát sinh.

Nhiều hồ chứa nước ở Ninh Thuận đã cạn đáy.

Ông Thiện Sanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận), nơi có gần 200 hộ dân cũng đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nước, người dân trong xã đã phải dùng tạm bằng nước giếng khoan nhưng nguồn nước này cũng đang bị nhiễm mặn và cũng rất hiếm.

Đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân là công việc trọng tâm hàng đầu của tỉnh Ninh Thuận vào lúc này. Phương án cung cấp nước sinh hoạt vùng khô hạn là hỗ trợ vận chuyển nước, tu bổ, mở rộng nguồn nước sạch cho sinh hoạt. Từ đó giúp người dân vùng nắng hạn đẩy lùi mối nguy bệnh tật vốn dĩ dễ xảy ra, khi cả gần năm nay nhiều nơi trong tỉnh Ninh Thuận không mưa.

Theo BSCKI. Ngô Cao Lẫm - Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM: Thiếu nguồn nước sạch sử dụng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh có liên quan đến nguồn nước phát triển mạnh. Những đối tượng dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm chủ yếu là trẻ nhỏ, bởi sức đề kháng của trẻ còn yếu, mặt khác, các bậc cha mẹ chưa có cách phòng ngừa khoa học. Những bệnh có liên quan đến nước như: bệnh đường tiêu hóa: với các bệnh như: tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn, viêm gan A, bại liệt... bệnh thường xảy ra do người bẩn, do phân của người bệnh thải ra môi trường (không rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ, sau đó cầm thức ăn lên ăn, thức ăn đã bị ruồi, gián, côn trùng động vào, nước uống không được đậy kín...).

Nguyễn Hoà

 

 


Ý kiến của bạn