Hà Nội

Ngưu bàng tử - Thuốc thông tiểu, trị cúm

27-06-2009 10:05 | Y học cổ truyền
google news

Ngưu bàng tử là quả chín của cây ngưu bàng (Arctium Lappa L.) thuộc họ cúc (Compositiae). Là loại cây có nguồn gốc từ Trung Quốc được di thực sang nước ta.

 Ngưu bàng tử (quả chín của cây ngưu bàng).
Ngưu bàng tử là quả chín của cây ngưu bàng (Arctium Lappa L.) thuộc họ cúc (Compositiae). Là loại cây có nguồn gốc từ Trung Quốc được di thực sang nước ta. Ở nước ta cây ngưu bàng mọc hoang tại Bát Xát, Lào Cai. Đây là cây thảo lớn, thân thẳng, cao tới 1-2m, sống 2 năm, lá hình trái xoan, mọc thành hình hoa thị ở gốc, so le ở trên thân, có phiến lá to rộng, hình tim, có đường kính chừng 40 - 50cm, mặt dưới lá có nhiều lông trắng, cuống lá dài; cụm hoa hình đầu và mọc ở đầu cành, đường kính 2-4cm, hoa có màu đỏ hay tím nhạt, nở vào tháng 6 - 7 hàng năm, quả bế, màu xám nâu, hơi cong. Cây cho thuốc là ngưu bàng tử (quả ngưu bàng) hay ngưu bàng căn (rễ ngưu bàng) phơi hay sấy khô.  Lá cây ngưu bàng non còn gọi là rau cẩm bình nấu canh ăn rất tốt.

Dược liệu ngưu bàng tử (Fructus Arctii Lappae), còn gọi là đại đao tử, hắc phong tử, á thực, thử niệm tử.

Theo Đông y, ngưu bàng tử có vị cay đắng, tính hàn, quy vào các kinh phế và vị; tác dụng trừ phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc, thông phổi, làm mọc ban chẩn, tiêu thũng, sát khuẩn... Còn ngưu bàng căn có vị đắng cay, tính hàn, tác dụng lợi tiểu, lợi mật, làm ra mồ hôi, nhuận tràng, hạ đường huyết, có tác dụng trong một số bệnh ngoài da.

 Tác dụng dược lý là giải cảm sốt (sơ tán phong nhiệt), lợi tiểu, hạ sốt, kháng khuẩn thể hiện rõ đối với nước sắc của thuốc đối với phế cầu khuẩn, chống giang mai. Ngoài ra thuốc còn tác dụng chống nọc độc, giải độc, thúc sởi mọc, theo dược lý cổ điển, thuốc còn có tác dụng lợi yết tán kết. Liều trung bình cho thuốc dạng sắc là 4 - 12g.

Trong Tây y còn sử dụng rễ cây ngưu bàng làm thuốc thông tiểu ra mồ hôi, lọc máu, chữa tê thấp, sưng đau xương khớp, hắc lào, mụn trứng cá, lở loét, sưng viêm vú, viêm tai, viêm phổi, thúc mụn nhọt mau vỡ mủ. Đặc biệt còn sử dụng cao rễ ngưu bàng trị bệnh tiểu đường vì có tác dụng làm hạ glucoza huyết hoặc trị mụn nhọt... Ở Đức người ta cũng sử dụng rễ ngưu bàng trị nhiều chứng như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, ruột, gút, thấp khớp hoặc làm ra mồ hôi, lợi tiểu, lọc máu; vừa uống vừa bôi để trị ngứa, vảy nến, chàm, nhiễm khuẩn da...

Nhờ vậy mà thuốc được sử dụng để trị chứng ngoại cảm phong nhiệt như sốt, ho, đờm vàng (trường hợp viêm amidan, viêm họng, viêm đường hô hấp cấp).

Sử dụng phương Ngân kiều tán (ôn bệnh điều biện) gồm: kim ngân hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, đạm đậu xị, mỗi vị từ 8 - 12g, cát cánh, trúc diệp mỗi thứ từ 6 - 12g, kinh giới tuệ 4 - 6g, cam thảo 2 - 4g, sắc uống từ 1-2 thang trong ngày.

Hoặc dùng một trong các phương đơn giản như:

Ngưu bàng tử 12g, kim ngân hoa 12g, liên kiều 8g, kinh giới 8g, bạc hà 8g, gia cam thảo 2 - 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ngưu bàng tử 12g, bạc hà 6g, thuyền thoái 2 - 4g, sắc uống ngày 1 thang.

Trị cảm cúm: Ngưu bàng tử 24g, cát cánh 24g, bạc hà 24g, kim ngân hoa 40g, liên kiều 40g, cam thảo 20g, đạm đậu xị 20g, hoa kinh giới 16g, lá tre 4g. Tất cả tán bột. Lấy 24g mỗi lần cho hãm với nước sôi uống, ngày uống 3 - 4 lần (tùy bệnh nhẹ).

Trị sởi ở trẻ em: Chậm mọc mề đay dùng phương Ngân kiều tán hoặc sử dụng một trong các phương sau.

 - Kim ngân hoa 12g, ngưu bàng tử 12g, thăng ma 8g, cát căn 12g, cam thảo 4g, kinh giới tuệ 4g, sắc uống.

- Ngưu bàng tử 12g, kinh giới 8g, bạc hà 4g, phòng phong 4g, cam thảo 3g, sắc uống.

Trị phù do dị ứng hoặc viêm cầu thận cấp.

  Ngưu bàng tử (nửa sao, nửa để sống), bèo cái sao khô, cả hai vị  lượng như nhau. Tán nhỏ trộn đều, mỗi lần uống 5g, chiêu với nước nóng, ngày uống 3 lần. Phương này có thể trị cả viêm họng sưng đau.

Trị mụn nhọt: Dùng cao rễ ngưu bàng hoặc bột rễ ngưu bàng mỗi ngày uống  0,6g cao thuốc hoặc bột thuốc trong 3 ngày liền.

Phòng trị một số bệnh ung thư: Dùng canh dưỡng sinh gồm ngưu bàng căn, nấm hương, cà rốt, nấu thành canh ăn hằng ngày.

Trị rắn cắn, côn trùng đốt: Lấy lá thân rễ giã nát đắp vào nơi rắn cắn hoặc ong, sâu bọ, muỗi, rết cắn. Có lẽ do tác dụng của men oxydaza có nhiều trong lá và thân cây ngưu bàng.

Lưu ý: Không sử dụng đối với người bị tiêu chảy do tỳ hư.

BS. Hoàng Xuân Đại


Ý kiến của bạn