Hà Nội

Ngưỡng mộ cuộc sống hạnh phúc của cặp vợ chồng sống thọ ở miền Tây xứ Nghệ

29-10-2016 11:35 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Về xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An nếu hỏi về cặp vợ chồng trường thọ, người dân địa phương ai cũng có thể dễ dàng chỉ nơi hai cụ sinh sống…

Cụ Nguyễn Cảnh Mậu - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết: Cụ Phạm Văn Hoạnh (104 tuổi, SN 3/4/1912) và vợ là cụ Thái Thị Tỉu ( 101 tuổi, SN 10/6/1915) - ngụ tại xóm 3, xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ là cặp vợ chồng song thọ cao tuổi nhất huyện Tân Kỳ. Hai cụ đều làm nghề nông. Sau một trận lũ, hồ sơ giấy tờ của 2 cụ đều mất, chỉ còn sổ hộ khẩu được cấp vào năm 2007.

Từ khi kết hôn cho đến nay, hai cụ có tất cả 9 người con, gồm 5 trai, 4 gái (trong đó có người con trai thứ là Phạm Văn Sanh (sinh năm 1947 đã hi sinh anh dũng tại chiến trường mặt trận phía Nam). Theo hai cụ hiện tại gia đình có 26 cháu nội, ngoại. Người cháu lớn nhất đã 54 tuổi, cháu nhỏ nhất 24 tuổi. Hai cụ có tất cả 49 chắt. Chắt lớn của hai cụ hiện tại đã 26 tuổi và nhỏ nhất là 3 tháng tuổi. Tất cả con cháu của hai cụ khi đến tuổi trưởng thành chủ yếu là làm nông, có 15 người cháu có trình độ đại học và cao đẳng. Hiện tại hai cụ sống cùng người con trái út là anh Phạm Văn Hùng (1967). Hai cụ dù đã bước qua tuổi 100 nhưng vẫn minh mẫn ngồi trò chuyện cùng mọi người.

Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, vợ chồng cụ Hoạnh đều cho rằng nhờ vô tư, chân thật, vui vẻ, hòa hợp với mọi người, biết kính trên nhường dưới, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và chăm tập thể dục. Hai cụ tâm niệm: chính lao động tay chân đã khiến sức khỏe dẻo dai hơn. Hai cụ còn cho biết thêm, bí quyết sống lâu của cả hai vợ chồng cụ đó là phải nhớ công lao của người khác và công sức mình đã bỏ ra, làm gì cũng phải lấy chữ Đức đi đầu. Còn bí quyết để hai cụ sống hạnh phúc bên nhau đến “đầu bạc răng long” chính là sự chia sẻ, quan tâm lẫn nhau.

Chị Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1971), con dâu út của 2 cụ, tiết lộ thêm: “Dù đã 104 tuổi nhưng cụ ông vẫn thích nghe đài, đọc báo, làm việc vặt trong nhà như thái rau cho lợn, gà. Lúc con cái bận việc, cụ có thể nấu ăn. Cụ sống hiền lành, chất phác nên chưa mất lòng ai, từ trẻ con đến người lớn tuổi, đặc biệt hai cụ đều rất thích uống nước chè xanh". Chị Oanh coi việc cha mẹ sống đến bây giờ là đại phúc của cả gia đình.

Cụ bà Thái Thị Tỉu kể, hàng ngày cụ thức dậy từ lúc 5h sáng. Sau đó, cụ quét dọn nhà cửa, sân vườn, tập thể dục mỗi sáng 30 phút và vào bếp nấu ăn chuẩn bị bữa ăn sáng. Sau đó, cả hai cụ cùng nhau hái chè, om chè mời hàng xóm đến chơi, thưởng thức và chuyện phiếm. Cụ tâm sự thêm: "Từ nhỏ đến giờ gia đình nghèo khổ, ăn uống cũng thiếu thốn, nhưng được cái con cháu hiếu thảo lắm, chắc nhờ tụi nó chăm sóc chu đáo nên tui mới khỏe đến giờ này".


Theo cụ Nguyễn Cảnh Mậu  -Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết: "Trên thế giới và Việt Nam, các cặp vợ chồng cùng sống lâu trên 100 tuổi như lời chúc phúc “bách niên giai lão”, “trăm năm hạnh phúc” hay “sống cùng nhau đến đầu bạc răng long” là trường hợp rất hiếm gặp. Cuộc sống của vợ chồng cụ Hoạnh dù giản dị nhưng thật hạnh phúc và đáng trân trọng biết bao"


Nguyễn Thanh Hồng
Ý kiến của bạn