Trong thời gian qua, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone (Chương trình điều trị methadone) đã mang lại hiệu quả và an toàn cho người nghiện. Và kinh phí cho chương trình này chủ yếu là do quốc tế tài trợ. Trong thời gian tới nguồn hỗ trợ quốc tế sẽ thu hẹp và tiến tới không còn nữa, chương trình điều trị này sẽ gặp rất nhiều khó khăn và cả thách thức. Để ứng phó với thực trạng này như thế nào, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
Phóng viên: Thưa ông, điều trị thay thế nghiện ma túy bằng Methadone (MMT) có ý nghĩa và tác động ra sao đến những người sử dụng ma túy?
TS. Nguyễn Hoàng Long
TS. Nguyễn Hoàng Long: Trước hết, nghiện các chất dạng thuốc phiện được coi là một bệnh mãn tính của não bộ. Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị khỏi nghiện. Hầu hết các phương pháp điều trị cai nghiện đều có tỷ lệ tái nghiện cao. Vì vậy, trên 80 quốc gia đã sử dụng Methadone để điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Methadone cũng là một chất gây nghiện, nhưng ít tác dụng phụ, ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi dùng đúng liều thì không gây tai biến sốc thuốc hoặc gây tử vong như Heroin. Methadone có thời gian bán hủy lâu và không gây tăng liều như dùng Heroin. Methadone là thuốc điều trị thay thế, chứ không phải là thuốc cắt cơn hoặc cai nghiện ma túy.
Dùng Methadone có rất nhiều lợi ích: Về sức khỏe, người sử dụng Methadone không bị hủy hoại sức khỏe như dùng Heroin. Nhiều người uống Methadone có thể tăng 10-12 kg/năm trọng lượng cơ thể. Dùng Methadone bằng đường uống, vì vậy tránh được lây nhiễm HIV cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường máu khác. Về kinh tế, khi sử dụng Methadone, người nghiện phục hồi sức khỏe, vẫn có khả năng lao động tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ra, khi sử dụng Methadone, người nghiện không còn phải sử dụng tiền để mua Heroin nữa, mà sử dụng tiền đó vào những việc có ích hơn. Về xã hội, dùng Methadone sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ ma túy; đồng thời giảm các tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, góp phần rất lớn vào trật tự, an ninh – xã hội nói chung.
Chương trình điều trị methadon đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh...
Phóng viên: Thưa ông, hiện chúng ta mới đang điều trị nghiện bằng Methadone cho khoảng hơn 22 nghìn người nghiện, trong khi cả nước có tới hàng trăm nghìn người nghiện ma túy. Vì sao mà việc điều trị nghiện bằng Methadone vẫn chỉ triển khai trên số lượng hạn chế đối tượng như vậy?
TS. Nguyễn Hoàng Long: Ở nước ta, Methadone được triển khai thí điểm đầu tiên ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2008. Sau khi triển khai thí điểm thành công, Chính phủ đã cho phép triển khai mở rộng Methadone trên phạm vi toàn quốc. Tính đến nay, đã có 38 tỉnh/TP triển khai Methadone, với 122 cơ sở, điều trị cho 22.159 bệnh nhân.
Mục tiêu đặt ra là đến 2015, chúng ta sẽ điều trị Methadone (MMT) cho 80.000 người nghiện. Như vậy, hiện nay mới đạt được 27% so với chỉ tiêu này. Việc triển khai MMT của các tỉnh vẫn còn chậm vì một số khó khăn sau đây:
Thứ nhất, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai MMT. Cụ thể, hiện có 17 tỉnh/TP vẫn chưa phê duyệt kế hoạch triển khai MMT tại địa phương mình. Một số địa phương phê duyệt kế hoạch, nhưng không phân bổ đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, mà trông chờ vào kinh phí của TW và dự án viện trợ.
Thứ hai, các địa phương gặp khó khăn về nhân lực, không có đủ biên chế để bố trí cho các cơ sở điều trị MMT nên chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm hoặc hợp đồng.
Thứ ba, các địa phương khó khăn trong việc bố trí cơ sở vật chất để thiết lập các cơ sở điều trị MMT, không có kinh phí để sửa chữa cơ sở, mua sắm các trang thiết bị theo quy định.
Thứ tư, một vấn đề quan trọng đó là chi phí vận hành các cơ sở MMT hiện nay chủ yếu là dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài. Gần 100% tiền thuốc MMT là do các dự án viện trợ cung cấp. Hầu hết các cán bộ làm việc ở các cơ sở điều trị MMT cũng là do Dự án viện trợ trả lương hoặc phụ cấp. Trong khi đó, các nguồn viện trợ này cho Việt Nam đang bị cắt giảm nhanh chóng.
Ngoài ra, thủ tục hành chính để đưa người nghiện vào điều trị MMT vẫn còn chưa thuận lợi, trong đó có việc phải có xác nhận của chính quyền địa phương là không thuộc đối tượng phải đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Tuy vậy, tôi cũng xin nói rằng, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 1008 vào tháng 6/2014 đến nay, chỉ trong thời gian có 4 tháng, số lượng người được điều trị MMT đã tăng vọt từ 17.000 lên trên 22.000 người. Vì vậy, tôi tin rằng trong thời gian tới, các tỉnh sẽ tiếp tục tăng nhanh số người nghiện được điều trị MMT để đạt chỉ tiêu được giao.
Phóng viên: Được biết hiện nguồn viện trợ dành cho thuốc Methadone đang mỗi năm giảm dần trong khi mục tiêu của ngành y tế phấn đấu có 80.000 người được điều trị nghiện bằng Methadone vào năm 2015. Đây có phải là điều mâu thuẫn hay không, thưa ông?
TS. Nguyễn Hoàng Long: Đúng là việc triển khai điều trị MMT hiện nay phụ thuộc nhiều vào tiền viện trợ, trong đó có tiền thuốc, tiền trang thiết bị, tiền lương, phụ cấp cho cán bộ…
Tuy nhiên, chủ trương mở rộng điều trị MMT là chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Khi nguồn tài trợ rút đi thì chúng ta sẽ phải sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước từ cả trung ương lẫn địa phương. Cụ thể, ngân sách Nhà nước chi cho Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 dự kiến sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2014, trong đó chủ yếu là để đảm bảo đủ thuốc MMT cho các địa phương.
Ngoài nguồn ngân sách trung ương, một số tỉnh/TP cũng đã chủ động phân bổ kinh phí để mua thuốc MMT, đáp ứng nhu cầu điều trị của địa phương mình.
Bên cạnh bao cấp của Nhà nước về thuốc MMT, lương cán bộ trong biên chế; các chi phí đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ thì Chính phủ cũng có chủ trương xã hội hóa, huy động sự đóng góp một phần nhỏ của những người được điều trị MMT để hỗ trợ một phần các chi phí thường xuyên để đảm bảo tính bền vững lâu dài của điều trị bằng MMT.
Với những giải pháp đa dạng các nguồn tài chính, mục tiêu đạt 80.000 bệnh nhân được điều trị bằng MMT vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi này.
Cao Kim Thoa (thực hiện)