Nguồn tài nguyên cây và tri thức - 2 yếu tố cấu thành để phát triển kinh tế dược liệu

06-09-2023 07:01 | Xã hội

SKĐS - Mặc dù đã có nhiều chính sách được ban hành để phát triển kinh tế dược liệu, nhưng nguồn tài nguyên này ở nước ta được khai thác hiệu quả trong phát triển, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Với nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao cùng nền y học cổ truyền lâu đời, Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu. Trong đó, tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong Y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30,000 tấn/năm. Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam được ước lượng khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả. 

Như vậy, nhu cầu về dược liệu tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu rất lớn, tuy nhiên xuất khẩu dược liệu của Việt Nam mới chỉ dừng ở vài trăm triệu USD/năm. Một trong những nguyên nhân dược liệu Việt Nam chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong thị trường dược liệu toàn cầu là do phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ.

2 yếu tố để phát triển ngành kinh tế dược liệu

Việc bảo tồn và phát triển giá trị kinh tế của dược liệu khác với các loại cây khác, vì nó gắn liền với tri thức sử dụng của đồng bào. Muốn phát triển ngành kinh tế dược liệu cần 2 yếu tố cấu thành: Nguồn tài nguyên cây và tri thức. Về tri thức, kinh tế dược liệu của nước ta thuận lợi phát triển khi có 54 dân tộc khác nhau với những cách chế biến và sử dụng dược liệu rất khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam thiếu công nghệ lõi cho chế biến dược liệu, đặc biệt là công nghệ chiết xuất. Khi có sản phẩm rồi, vẫn chưa xây dựng được chiến lược thị trường. 

Nguồn tài nguyên cây và tri thức - 2 yếu tố cấu thành để phát triển kinh tế dược liệu - Ảnh 1.

Cây dược liệu cát cánh đang được “kì vọng” là cây trồng chủ lực xóa nghèo, góp sức đổi thay diện mạo nông thôn và chính cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai (Ảnh IT)

Thực tế cho thấy, phần lớn cây dược liệu chưa được chế biến sâu mà chủ yếu bán nguyên liệu thô, cho nên giá trị rất thấp. Như ở Lai Châu cũng có lợi thế trồng một số loài như: quế, sơn tra, sa nhân, thảo quả, sâm Lai Châu, bảy lá một hoa,.. nhưng lại chưa tạo được điểm nhấn trên bản đồ dược liệu Việt Nam. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế đặc thù đối với cây dược liệu, cho nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển; khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Đầu tháng 3/2023, hàng trăm hộ dân trồng cây cát cánh tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai lo lắng vì cây dược liệu cát cánh đến ngày thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ được. Theo các cơ quan chức năng của địa phương, diện tích cây cát cánh tại toàn huyện Si Ma Cai đạt gần 37 ha, trong đó có 33 ha trồng năm 2022 tại các xã Lùng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn, Nàn Sán, Thào Chư Phìn, Nàn Sín. Đến thời kỳ thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt 200 tấn củ tươi. Tuy nhiên, dù Phòng Nông nghiệp huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai đã hỗ trợ kết nối nhưng việc tiêu thụ loại dược liệu này vẫn gặp khó.

Lý do không tiêu thụ được dược liệu xuất phát từ phía người dân. Nhiều hộ gia đình không muốn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp bởi lý do thời gian hợp đồng quá dài (10 năm), nếu họ muốn chuyển sang cây trồng khác sẽ vi phạm hợp đồng. Mặt khác, do đất không liền khu, liền khoảnh, đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nên dẫn đến khó khăn khi thực hiện các điều khoản trong hợp đồng. Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng việc kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, tư liệu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên việc sản xuất dược liệu theo quy mô công nghiệp chưa thể thực hiện được một cách bài bản, đồng bộ.

Các địa phương cần sớm quy hoạch vùng dược liệu

Theo Quyết định số 1976 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Nguồn tài nguyên cây và tri thức - 2 yếu tố cấu thành để phát triển kinh tế dược liệu - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu, nước ta cần phải hình thành các vùng sản xuất dược liệu chuyên canh, tập trung, quy mô đủ lớn; phải được quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới; về thực hành tốt nuôi trồng và thu hái và sản xuất dược liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như của các nước nhập khẩu. (Ảnh minh hoạ)

Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu tiếp tục phát triển, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ thu hút được doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD. Rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung, phát triển trồng cây dược liệu nói riêng đã được nhà nước ban hành. Tuy nhiên, thực tế sản xuất tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, việc đầu tư vào trồng cây dược liệu, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn rất khó.

Chẳng hạn như doanh nghiệp phải đứng ra hợp tác với người dân, thuê người dân trồng cây dược liệu. Phải đầu tư rất nhiều vốn và nguồn lực ở vùng sâu, vùng xa, tỷ suất đầu tư lớn hơn nhiều so với miền xuôi. Trong khi đó, các chính sách của nhà nước với các văn bản ban hành rất chung chung. Khi doanh nghiệp đi hỏi về các ưu đãi đó, thì các cơ quan chính quyền trả lời rằng quy định chung chung như thế, không biết áp dụng như thế nào. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn được vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cây dược liệu, thì phải được tỉnh cấp phép.... 

Ðể giải quyết thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch vùng dược liệu, biến nguồn tài nguyên này thành tiềm năng, lợi thế chủ lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mối liên kết "bốn nhà". Trước tiên, phải liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông; cần có chính sách ưu đãi đối với việc trồng dược liệu, như hỗ trợ vay vốn, cho thuê đất, miễn giảm thuế, chính sách bao tiêu sản phẩm. Chú trọng vai trò quản lý nhà nước nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng dược liệu.

Theo các chuyên gia, để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu, nước ta cần phải hình thành các vùng sản xuất dược liệu chuyên canh, tập trung, quy mô đủ lớn; phải được quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới; về thực hành tốt nuôi trồng và thu hái và sản xuất dược liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như của các nước nhập khẩu. Trong đó để tham gia cạnh tranh với thị trường dược liệu toàn cầu, rất cần sự đầu tư đồng bộ, từ việc mở rộng quy mô, phát triển các vùng trồng dược liệu đến việc ứng dụng khoa học - công nghệ bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm...


 

 

Vũ Thư
Ý kiến của bạn