Nguồn nhân lực thời công nghệ 4.0: Thách thức giăng đầy…

04-05-2018 18:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở châu Mỹ, châu Âu và một phần của châu Á.

Các chuyên gia cũng đã dự báo rằng mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể phân hóa thị trường lao động, bởi khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động có thể rơi vào cảnh thất nghiệp.

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đều dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực. Con người tạo ra công nghệ nhưng ứng dụng công nghệ lại tạo ra sự thay đổi về năng lực cạnh tranh của công ty và đi kèm với nó là cấu trúc lực lượng lao động.

Sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực sẽ xảy ra trong một số lĩnh vực công nghệ đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn, tạo áp lực tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực liên quan. Ngay tại nước ta, nhân lực trong các ngành về trí thông minh nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), xe ôtô tự lái, Robotic… đang được săn lùng ráo riết và trả mức lương rất khủng. Chi phí tiền lương cho nhóm lao động này có thể tăng 50 - 100%/năm trong một vài năm.

Số lượng nhân sự đông hiện không còn là một lợi thế cạnh tranh nữa. Với công nghệ, các công ty có thể phối hợp và triển khai những công việc mà trước đây chỉ các công ty lớn mới có thể làm được, chủ yếu tập trung vào ứng dụng công nghệ theo các mô hình kinh doanh mới để tạo năng lực cạnh tranh khác biệt.

Một trong những thách thức đáng chú ý là khó dự đoán xu hướng để có thể đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho tương lai. Theo dự báo, tới năm 2025, có tới 80% công việc sẽ là những công việc mới mà chưa từng có ở thời điểm hiện nay. Thực tế, ngay ở nước ta, một số nghề cũng đang dần biến mất, ví dụ như nghề xe ôm tự do đã bắt đầu biến mất khi Grab ra đời.

Nhiều ngân hàng thay vì mở rộng mạng lưới như trước đây thì bắt đầu phải thu hẹp do người dân đã bắt đầu quen với Internet banking và không còn cần tới trụ sở để giao dịch. Vì vậy, nghề giao dịch viên tại các ngân hàng sẽ dần thu gọn. Các ngành nghề lặp đi lặp lại với quy trình cụ thể như kế toán, lập trình, bảo trì vận hành có thể được thay thế bằng người máy với trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, tỷ lệ nghỉ việc hằng năm đang là mối lo ngại lớn cho các công ty lớn. Nguyên nhân rất đa dạng. Ví dụ như trào lưu muốn làm chủ và làm việc cho các công ty nhỏ, năng động thay vì làm việc ở công ty lớn, cồng kềnh. Sự cạnh tranh về mức thu nhập đối với ngành nghề “hot” dẫn tới bỏ việc.

Văn hóa làm việc cũng đang thay đổi. Trước đây, sếp có thể sa thải nhân viên thì sắp tới, nhân viên có thể sa thải sếp vì bản chất quản lý, đặc biệt là các cấp quản lý trung gian là một kỹ năng mềm và robot có thể học và làm thay thế được. Vì vậy, người lao động với hỗ trợ công nghệ có thể tự chủ công việc, tự phối hợp quản lý công việc mà không cần tới nhiều cấp lãnh đạo nữa.

Các chuyên gia cho rằng, kỷ nguyên số sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, khi máy móc dần thay thế con người. Nước ta cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nó, nhất là khi lực lượng lao động còn rất dồi dào nhưng lại thiếu năng lực và kĩ năng. Thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm số lượng lớn. Chưa kể lực lượng lao động thiếu kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, thiếu ý thức trách nhiệm và chậm thích nghi với môi trường mới, năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém. Các chuyên gia cho rằng, để biến những thách thức thành cơ hội, con người sẽ cần những kỹ năng mới để có thể tìm được cơ hội việc làm. Những kỹ năng cần thiết cho nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ cảm xúc (EI), đánh giá và đưa ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức.

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các nhóm lao động đều bị tác động, đặc biệt là các nhóm lao động yếu thế như tuổi cao, trình độ kỹ năng thấp… Điều này có thể dẫn tới việc làm có thể mất đi nhưng cũng có thể mở ra cơ hội khi nhiều lĩnh vực mới được mở ra.Vì vậy, ngay từ bây giờ, lực lượng trẻ chuẩn bị tham gia thị trường lao động, ngoài kiến thức trên nhà trường, cần trang bị những kỹ năng cần thiết để đón đầu xu thế và có cơ hội việc làm tốt nhất trong tương lai.


TRUNG ĐỨC
Ý kiến của bạn