Cần đổi mới chế độ, chính sách tiền lương
Ngày 29/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tại hội trường, nhiều ĐBQH đã đóng góp ý kiến liên quan đến việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó có việc nâng chế độ phụ cấp cho những đối tượng công tác tại các vị trí này.
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre lo ngại rằng, nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10-15 năm nữa khó bảo đảm lực lượng phục vụ tại y tế cơ sở, y tế dự phòng. Theo đại biểu, nguyên nhân do chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập, công sức lao động và điều kiện cũng như môi trường làm việc.
Đại biểu lấy ví dụ, một sinh viên học đại học ngành y phải bỏ ra đến 6 năm học tập, mức chi phí để học tập khá cao, nhưng khi ra trường đi làm thì nhận được mức lương trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chế độ trực đêm vất vả nhưng chỉ hưởng phụ cấp 25.000 đồng, tiền ăn 15.000 đồng, đại biểu cho rằng, chế độ như thế rất khó thu hút và giữ chân người làm việc tại y tế cơ sở.
ĐBQH Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nêu quan điểm, chưa có chính sách thu hút bác sĩ thỏa đáng về làm việc tại tuyến xã do tiền lương và chế độ phụ cấp còn thấp. Đơn cử như chế độ tiền trực theo Quyết định 73 năm 2011, tiền trực tại trạm y tế xã quy định ca 24/24 giờ là 40.000 đồng, trong khi đó các trạm y tế xã hoạt động chủ yếu từ nguồn phân bổ ngân sách nhà nước.
Do đó, mức thu nhập chưa hấp dẫn là một trong những nguyên nhân không thu hút được nhân lực, nhất là thời gian qua khi phải chịu rất nhiều áp lực trong phòng, chống dịch COVID-19 dẫn đến thực trạng số lượng cán bộ y tế xã chuyển công tác, chuyển vùng, xin nghỉ việc có xu hướng tăng.
Bệnh viện thì quá tải, trạm y tế quá vắng
Cùng cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình lại cho rằng, trong khi các bệnh viện lâm vào cảnh quá tải nhưng tại các trạm y tế cơ sở lại quá vắng. Đại biểu cho rằng, đây là điều đáng phải suy nghĩ để có những giải pháp tập trung khắc phục.
Nêu lên thực trạng về nhân lực y tế cơ sở, đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế cơ sở còn hạn hẹp, tỷ trọng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở còn thấp, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao.
Để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đại biểu kiến nghị cần quan tâm chăm lo các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng.
ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh – ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, việc thực hiện Quyết định số 75 ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn. Quyết định chỉ quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản hưởng 0,3% mức lương cơ bản và không áp dụng đối với nhân viên y tế ở các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn, trong khi 2 lực lượng này có chức năng thực hiện nhiệm vụ như nhau.
Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19, lực lượng y tế tổ dân phố đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng lại không có phụ cấp.
Hiện nay nhiều tỉnh đã triển khai xây dựng, ban hành nghị quyết đặc thù quy định phụ cấp cho nhân viên y tế tổ dân phố, tuy nhiên chưa có căn cứ pháp lý đầy đủ. Vì vậy, đại biểu kiến nghị, cần ban hành quy định về phụ cấp đối với nhân viên y tế tổ dân phố để cho các tỉnh có căn cứ để ban hành nghị quyết của tỉnh mình và thống nhất trong cả nước.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông – ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị, cần có chính sách, giải pháp phù hợp để thu hút bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng về phục vụ tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến cơ sở trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc có chiều hướng gia tăng.
Từ đó, đại biểu đề nghị, sớm điều chỉnh Nghị định số 56 ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập để nhân viên y tế đảm bảo cuộc sống và gắn bó với nghề.