Hà Nội

Nguồn cung vắc xin dịch vụ rất khan hiếm

11-03-2015 13:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 11/3, Bộ Y tế cho biết, vắc xin dịch vụ 6 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib chỉ có thể dự kiến cung ứng 38.000 liều, tương đương hơn 1/7 so với năm 2014.

 

 

Ngày 11/3, Bộ Y tế cho biết, vắc xin dịch vụ 6 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib chỉ có thể dự kiến cung ứng 38.000 liều, tương đương hơn 1/7 so với năm 2014.

Vắc xin Quinvaxem tiêm chủng mở rộng an toàn

Trong số 38.000 liều trên, hiện nhà cung cấp mới đưa về Việt Nam trên 20.000 liều và chưa có thời gian dự kiến nhập tiếp trong năm 2015. Như vậy, số vắc xin này chỉ đủ tiêm cho 6.500 trẻ

Với vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh tương tự 6 trong 1 ngoại trừ viêm gan B thì số lượng cung ứng có nhỉnh hơn so với năm 2014, nhưng phải tháng 6 hàng mới bắt đầu về, và tổng số vắc xin 5 trong 1 dịch vụ nhập về trong năm 2015 chỉ đủ tiêm cho trên 80.000 trẻ em, trong khi mỗi năm có đến trên 1,6 triệu trẻ ra đời.

Như vậy, theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hơn 1,5 triệu trẻ sẽ tiêm bằng vắc xin của tiêm chủng mở rộng. "Chúng tôi luôn đảm bảo cung cấp vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng” - ông Trần Đắc Phu khẳng định.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết số lượng các vắc xin dịch vụ phòng viêm phổi, viêm màng não mủ, vắc xin phòng dại, vắc xin 3 trong 1 phòng bệnh sởi - quai bị - rubella (của Mỹ và Pháp) khoảng 225.000 liều, vắc xin phòng bệnh viêm gan siêu vi A-B, vắc xin phòng, chống cúm... đều có số lượng cung ứng năm 2015 thấp hơn so với năm 2014.

Cũng theo ông Phu cho biết, thống kê về việc sử dụng 2 loại vắc xin Infanrix Hexa và Pentaxim tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ chỉ bằng 8% so với vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng. Đa số trẻ em Việt Nam được tiêm vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng, trong khi đó chỉ một số lượng rất ít trẻ em tiêm vắc xin Infanrix Hexa và Pentaxim và chủ yếu được sử dụng ở một số thành phố lớn. Trong quá trình sử dụng vắc xin Quinvaxem cho thấy vắc xin an toàn và hiệu quả.

Tiêm chủng mở rộng giúp bảo vệ sức khoẻ hàng triệu trẻ em Việt Nam

Tiêm chủng mở rộng giúp bảo vệ sức khoẻ hàng triệu trẻ em Việt Nam

Tuy nhiên ông Phu cho hay trong thời gian qua các bà mẹ chờ đợi vắc xin dịch vụ đã dẫn đễn trẻ bị mắc bệnh như bệnh ho gà lúc 2 tháng tuổi. Để khắc phục việc trẻ tiêm không đúng lịch, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế của Nhà nước có tổ chức hoạt động tiêm chủng dịch vụ phải tổ chức tiêm chủng các vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng với loại vắc xin mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ. Đây là giải pháp quyết liệt mà Bộ Y tế kiên quyết chỉ đạo thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tiêm chủng đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

4 điểm tiêm chủng mở rộng tại điểm tiêm dịch vụ

Triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế, từ ngày 10-15/3, trên địa bàn Hà Nội có 4 điểm tiêm dịch vụ triển khai tiêm vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng là: Các bậc phụ huynh có thể cho con tiêm tại điểm tiêm chủng dịch vụ thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - số 131 Lò Đúc; điểm tiêm chủng dịch vụ thuộc SAFPO - số 135 Lò Đúc; điểm tiêm chủng dịch vụ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - số 70 Nguyễn Chí Thanh và điểm tiêm chủng dịch vụ thuộc Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết ngày,10/3 Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã triển khai tiêm miễn phí vắc xin Quinvaxem thay thế cho vắc xin dịch vụ “5 trong 1” (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B , viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) và “6 trong 1” Infanrix Hexa (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib), cho những đối tượng thuộc diện tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của Bộ Y tế.

Tính đến cuối chiều 10/3, đã có 114 trẻ được tiêm miễn phí vắc xin Quinvaxem thay thế vắc xin dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” do 2 loại vắc xin này không còn hàng. Theo ông Cảm, khi xảy ra một số vụ tai biến liên quan đến vắc xin , nhiều cha mẹ có tâm lý muốn sử dụng vắc xin ngoại. Tuy nhiên, các loại vắc xin dù là vắc xin dịch vụ nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều được kiểm nghiệm kỹ lưỡng rồi mới đưa vào tiêm chủng. “Bất kỳ vắc xin nào cũng có một tỉ lệ phản ứng phụ nhất định. Do đó, người dân không quá bận tâm khi cho con tiêm vắc xin Quinvaxem. Trường hợp thấy dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời” - ông Cảm lưu ý.

 

Trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch, đúng thời điểm
Trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch, đúng thời điểm

 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, phương án triển khai tiêm vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng tại các điểm dịch vụ không phải nhằm giải quyết tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ mà tạo điều kiện cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Điều tra mới nhất trong năm 2015 đã ghi nhận các trẻ mắc bệnh ho gà, sởi do không được tiêm đầy đủ, đúng lịch, nguyên nhân do gia đình chờ vắc xin dịch vụ. Khi đưa ra quyết định này, cán bộ y tế tại nhiều điểm tiêm dịch vụ sẽ vất vả hơn, nhưng quan điểm của Bộ Y tế là đặt lợi ích của trẻ em và cộng đồng lên trên hết.

"Trách nhiệm của các đơn vị tiêm chủng là phải đáp ứng được các yêu cầu về vắc xin hoặc tư vấn cho người dân tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng dịch vụ. Nếu cơ sở nào không thực hiện sẽ bị tước giấy phép hoạt động"- ông Phu nhấn mạnh.

Thái Bình

 

 

 

 


Ý kiến của bạn