Có sự tăng giá nhẹ tập trung ở các mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, trái cây, thủy hải sản...
Bộ Tài chính cho biết cung cầu thị trường ngày 30 Tết là ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần diễn ra bình thường, không có diễn biến bất thường về giá, lượng người dân mua sắm cơ bản ổn định.
Do các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được triển khai chủ động từ trước, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn. Một số siêu thị có kế hoạch mở cửa xuyên Tết nên sẽ đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các tỉnh, thành phố lớn.
Về cơ bản, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Có sự tăng giá nhẹ tập trung ở các mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, trái cây, một số mặt hàng thủy, hải sản...
Tại Thủ đô Hà Nội, các chợ Thổ Quan (Khâm Thiên, Đống Đa), chợ Kim Quan (Việt Hưng, Long Biên) dù người mua đông, nhưng nguồn cung thực phẩm, hàng hóa nhiều, không có tình trạng khan hàng đẩy giá tăng cao.
Còn tại TPHCM, ngày 30 Tết, lượt khách đến các chợ tập trung vào buổi sáng tăng so với ngày trước, chủ yếu mua hoa, trái cây và giảm 20% so cùng kỳ năm trước. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng về chợ đã giảm hẳn so với hôm trước do nhiều tiểu thương đã ngưng kinh doanh nghỉ Tết; giá các mặt hàng thịt gia cầm tương đối ổn định. Tại các chợ lẻ, do lượng hàng hóa tham gia thị trường của các đơn vị bình ổn khá dồi dào, cùng với các chương trình giảm giá được thực hiện đồng loạt dịp cuối năm nên giá một số mặt hàng thực phẩm như thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo, đường, các mặt hàng phục vụ Tết (bia, nước ngọt, bánh mứt) ổn định; các mặt hàng còn lại tăng nhưng mức tăng không đáng kể.
Tại Đà Nẵng, các siêu thị, chợ, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường, chủng loại đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân...
Tại Cần Thơ, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ tăng từ 10-15% so với những ngày trước Tết, chủ yếu tăng ở một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như: Rau củ quả, hàng thực phẩm công nghệ, nguyên nhân do nhu cầu tăng, người dân mua tích trữ phục vụ ngày Tết...
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn với Sở Công Thương nên giá cả các mặt hàng vẫn ổn định. Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn đăng ký thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nên giá một số mặt hàng thực phẩm công nghệ, rau củ quả, bánh mứt giá được khuyến mại giảm từ 10-20%. Nhu cầu mua sắm của người dân về các giỏ hàng, bia, nước ngọt tăng từ 10-20%, sức mua tăng từ 5-10%.
Bộ Tài chính cho biết, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong ngày Mùng 1 Tết không có sự biến động bất thường do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm không nhiều, người dân đa phần đã mua sắm, dự trữ đầy đủ trước Tết. Đồng thời, tại các tỉnh, thành phố lớn, một số siêu thị cửa hàng phục vụ xuyên Tết. Đến trưa ngày Mùng 1, một số cửa hàng mở cửa đầu xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu nên nguồn cung hàng hóa đáp ứng đầy đủ. Dịch vụ trông giữ xe, cửa hàng ăn uống, đồ lễ thắp hương thường tăng theo quy luật hằng năm do nhu cầu đầu năm đi lễ.
Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.