Hà Nội

Người y sĩ nặng lòng với vùng cao

11-08-2021 09:26 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - “Những ngày mưa, đường lầy lội, bùn đất sình lên ngập quá nửa bánh xe, đường trơn trượt; một bên là dốc đứng, đèo cao, một bên là vực sâu hun hút, chẳng may trượt chân là rơi xuống vực thẳm…” Nhớ lại những ngày bám bản, Lý Công Bằng – Người thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết với vùng cao vẫn không khỏi rùng mình.

"Dù thời gian bao lâu, phải đánh đổi sức lực thậm chí cả máu và nước mắt cũng phải thay đổi bằng được những quan niệm xưa cũ, lạc hậu…".

Xã Tà Mít nằm ở phía Tây huyện Tân Uyên (Lai Châu), là xã vùng sâu vùng xa, khó khăn nhất huyện, địa hình đồi núi chia cắt hiểm trở…

Năm 2014, Lý Công Bằng (anh thanh niên 27 tuổi, ở Lào Cai) nhận nhiệm vụ về công tác tại Trạm y tế xã Tà Mít. Lúc này, mọi thứ còn ngổn ngang, dang dở; cơ sở vật chất thô sơ, nghèo nàn. Trụ sở là căn nhà tạm với những trang thiết bị chuyên dụng lạc hậu, cũ kỹ. Tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh còn thấp.

Hầu hết dân cư tại xã là dân "di vén" từ lòng hồ thủy điệnnên nhà cửa còn tạm bợ, nhiều hủ tục lạc hậu còn duy trì. Khi ốm đau, họ chỉ mời thầy mo, thầy cúng về đuổi ma, trừ tà để chữa bệnh chứ không đến trạm y tế thăm khám lấy thuốc. Tỷ lệ thai phụ sinh đẻ tại nhà cao do quan niệm "không cho người khác thấy của mình". Tỷ lệ trẻ được tiêm chủng còn thấp… Đất canh tác không có, người dân trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Người y sĩ nặng lòng với vùng cao - Ảnh 1.

Y sĩ Lý Công Bằng- Trạm trưởng Trạm y tế xã Tà Mít.

Nhớ lại những chuỗi ngày bám bản để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu khiến anh không khỏi rùng mình. Thời điểm đó đang mở đường, giao thông đi lại khó khăn, phương tiện chủ yếu là vừa đi vừa dắt. Những ngày mưa, đường lầy lội, bùn đất sình lên ngập quá nửa bánh xe, đường trơn trượt, một bên là dốc đứng, đèo cao, một bên là vực sâu hun hút, chẳng may trượt chân là rơi xuống vực thẳm…

Tuy nhiên không vì vậy mà anh nản lòng. Có lẽ với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và cũng là một người dân tộc thiểu số, nên phần nào anh thấu hiểu được tâm lý người dân. Những phong tục này đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống; hằn vào nếp nghĩ, trở thành văn hóa của bao thế hệ người dân nơi đây, nên việc thay đổi sẽ vô cùng khó khăn, vất vả.Nhưng dù thời gian có bao lâu, phải đánh đổi bao nhiêu sức lực thậm chí cả máu và nước mắt cũng phải thay đổi bằng được những quan niệm xưa cũ, lạc hậu đó.

Người y sĩ nặng lòng với vùng cao - Ảnh 3.

Y sĩ Lý Công Bằng đang thăm khám cho người bệnh.

Anh kể, kỷ niệm về những ngày bám bản thì nhiều vô cùng, vui có, buồn có, thậm chí việc bị xua đuổi là không ít lần. Có lần trong bản có người bị hạ caxi huyết, chân tay co quắp, đang khám cho bệnh nhân, bỗng ở đâunước phun tung tóe khắp người. Hóa ra là thầy cúng đang làm nghi lễ đuổi tà bắt ma.

Lý Công Bằng phân tích cho thầy cúng và người nhà: Việc làm như thế không chữa được bệnh, rất mất vệ sinh và có thể gây nguy hiểm hơn cho bệnh nhân. Tuy vô cùng tức giận và hằn học với anh, nhưngsau này bị bệnh, ông thầy cúng đã chủ động đến trạm y tế khám, lấy thuốc chứ không áp dụng phong tục cũ nữa.

Nỗ lực được đền đáp…

Ông trời không phụ lòng người, thành quả của chuỗi ngày bám bản vô cùng khó nhọc nhưng cũng đầy ắp niềm vui là những trái ngọt vô cùng ấn tượng.

Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới một tuổi đạt hơn 95%, tỷ lệ phụ nữ có thai được cán bộ y tế qua đào tạo đỡ đạt trên 85%; trung bình mỗi người được khám 1,5 - 1,8 lần/năm; khi ốm đau mọi người đã đến trạm để được khám và lấy thuốc. Người dân biết ăn chín uống sôi, luôn ý thức giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ màn do đó tỷ lệ sốt xuất huyết giảm hẳn, kế hoạch hóa gia đình được thực hiện nghiêm túc…

Hiện tại cơ sở vật chất đã kiên cố. Các kỹ thuật viên, y sĩ không ngừng nâng cao chuyên môn để đáp ứng nhu cầu điều trị. Tuy nhiên phòng làm việc và máy móc phục vụ công tác chuyên môn còn hạn chế….

Lý Công Bằng luôn có ý thức nâng cao kiến thức chuyên môn, cố gắng phân luồng bệnh nhân để hạn chế mức thấp nhất việc chuyển tuyến. Bởi do quãng đường vận chuyển lên tuyến trên khá xa (cách 60km mới đến trung tâm y tế huyện), lại thêm địa hình đồi núi việc đi lại khó khăn gây tốn kém, vất vả cho bệnh nhân.

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, anh cùng các đồngnghiệp phải bám bản thường xuyên để tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng dịch. Vận động người dân, khi có con em đi làm ăn xa về phải chủ động đến trạm khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm,thực hiện cách ly theo đúng quy định. Hay trong thời thực hiện cách ly cho những công dân từ Bắc Giang về, anh thường xuyên động viên, tạo điều kiện tốt nhất có thể để công dân yên tâm thực hiện cách ly. Bên cạnh đó cũng luôn đốc thúc, động viên các anh em trong trung tâm để họ yên tâm công tác, thực hiện tốt công việc, chăm sóc người cách ly chu đáo.

Các biện pháp phòng dịch luôn được nâng lên một bậc so với huyện, những trường hợp cần theo dõi để đảm bảo chắc chắn cần cho cách ly ngay, tuy hơi vất vả nhưng đảm bảo an toàn.

Người y sĩ "có duyên" với làm kinh tế

Với người dân tại xã Tà Mít xa xôi này, Lý Công Bằng không chỉ được xem như một người y sĩ hết lòng vì dân và còn là một người có công với sự phát triển kinh tế ở một xã vùng sâu vùng xa.

May mắn được điều đến công tác lúc thời gian xã đang chuẩn bị đổi để xây dựng nông thôn mới. Với sự nhạy bén của mình cùng với lợi thế được tiếp xúc với công nghệ thông tin, anh lên mạng tìm tòi những giống cây, con vật phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết địa phương để nuôi trồng; tìm kiếm và học hỏi các mô hình kinh tế mới trong chăn nuôi.

Người y sĩ nặng lòng với vùng cao - Ảnh 5.

Sàng lọc danh sách tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Tận dụng ưu thế về địa hình sống trong lòng hồ thủy điện và những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng cao, anh đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi cá lồng dưới lòng hồ thủy điện. Khi thị trường đầu ra khó khăn, anh chuyển sang nuôi dê, lợn, gà.Mỗi mô hình sản xuất, anh thường thực hiện trước để người dân nhìn thấy học hỏi, làm theo.

Thời gian đầu, lúc mới di vén, đất canh tác ít, đồi núi bỏ hoang nhiều, người dân chăn thả gia súc tự do khiến vật nuôi phá hoại nương rẫy, lương thực không đủ ăn, luôn phải trông chờ vào sự trợ cấp của nhà nước. Anh vận động người dân nuôi nhốt tập trung để có đất đai trồng trọt. Anh đi đầu thực hiện làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, dê; trồng cỏ để bổ sung nguồn thức ăn cho gia súc chứ không thả rông như trước đây. Nhờ đó người dân đã có thêm đất canh tác, nguồn cung lương thực dồi dào đảm bảo cho cuộc sống no đủ.

Nhận thấy việc chăn nuôi gia súc gia cầm dưới gầm nhà sàn gây mất vệ sinh và dễ lây nhiễm bệnh, anh vận động mọi người xây dựng chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở, và thường xuyên phun khử khuẩn để ngăn chặn mầm bệnh.

Anh Chảo Văn Nhình - Chủ tịch UBND xã Tà Mít cho biết: Bằng là một người nhiệt tình, sát sao với y tế cơ sở. Sau 3 năm về công tác, đồng chí đã đưa Trạm y tế xã Tà Mít trở thành Trạm chuẩn quốc gia với các tiêu chí về chăm sóc sức khỏe rất ấn tượng. Không những thế Lý Công Bằng còn là một tấm gương điển hình trong làm kinh tế giỏi. Là người đi đầu trong việc triển khai và hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình chăn giúp phát triển kinh tế địa phương, nhờ đó đời sống của người dân được nâng lên, góp phần đưa xã Tà Mít trở thành xã Nông thôn mới năm 2018.

Đến nay cùng với sự cố gắng của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân cùng sự hỗ trợ quan tâm của nhà nước đối với vùng sâu vùng xa, đời sống của người dân Tà Mít đã có nhiều thay đổi. Diện mạo của Tà Mít hôm nay, so với những năm về trước đã hoàn toàn đổi khác, những ngôi nhà kiên cố đã được xây dựng trên nền những ngôi nhà tạm trước đây;con đường bê tông nối liền các thôn bản;trẻ em được vui chơi, học hành đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe thường xuyên; sức khỏe và đời sống người dân được nâng cao.

Sinh sống, làm việc và gắn bó với mảnh đất này, trong anh đã nảy sinh nhiều tình cảm thân thiết. Anh luôn trân quý sự chất phác, hiền hành và cũng vô cùng dí dỏm của những con người nơi đây. Ngày ngày, Lý Công Bằng vẫn luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, luôn tạo điều kiện để người dân được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
Tô Ngọc Anh
Ý kiến của bạn