Từng là người giàu có nhất nhì trong xã, nhưng ông cũng từng là con nghiện có tiếng khi khối tài sản kếch xù tan theo những cuộc hút hít, cờ bạc. Bây giờ, ông Bùi Ðình Hảo (Minh Ðức, Mỹ Hào, Hưng Yên) càng nổi tiếng hơn khi là một Phó Trưởng công an xã và kiêm rất nhiều chức vì luôn được mọi người tín nhiệm.

Ngồi trong căn nhà 3 tầng khang trang của mình, Bùi Đình Hảo kể về một thời oanh liệt.
Cai nghiện bằng... ý chí
Khi tìm đến gặp ông ở Ủy ban xã, chúng tôi phải ngồi chờ ông tiếp nốt một người dân đang làm thủ tục. Rồi ông thu xếp gặp chúng tôi. Qua câu chuyện ông kể mới thấy cuộc đời ông cũng lắm thăng trầm và đầy chiến tích. Từ năm 1988, nghe tin ở Na Rì - Bắc Cạn có bãi vàng, sẵn có mối quen biết từ ngày đi bộ đội (năm 1978 - 1979) đóng quân ở đó, ông lên lập một nhóm, đứng cai khai thác vàng. Chuyện cai bưởng ở bãi vàng thì nhiều người biết phải là những tay máu mặt hoặc liều lĩnh mới có thể trụ được. Chuyện tranh giành, lấn cướp bãi của nhau là bình thường. Nếu không cẩn thận là có thể bị xử theo luật giang hồ ngay. Bùi Đình Hảo cũng không tránh khỏi những việc như thế. Bởi không kẻ nào muốn chia phần của mình cho kẻ khác, nhất là khi thứ đó lại là vàng. Rất may là ông Hảo đã có người quen ở đó từ hồi đi bộ đội. Và may mắn nữa là chính một đại ca khét tiếng ở bãi vàng này trước kia là cấp dưới của ông trong quân ngũ, nếu không chắc sẽ bị bật bãi ngay. Chẳng mấy chốc ông trở thành một đại ca khét tiếng và luôn kiếm được mỏ vàng ngon. Làm vàng đến năm 1990, ông về mang theo mấy chục cây vàng. Nhưng oái oăm thay, cùng với vàng, đồng thời ông cũng mang theo tệ nạn trên mình đó là nghiện ma túy và cờ bạc.
Ngày ấy, ông đã mua gần mảnh đất ven Quốc lộ 5 và làm ăn rất tốt. Cái thời mà ông mua chiếc xe máy Dream cũng khiến cả vùng kính nể chứ chưa nói gì đến làm ăn lớn và nhiều đất. Nhưng vì ham mê cờ bạc và lại dính vào nghiện ngập, chẳng mấy chốc, số tài sản cứ lần lượt đội nón ra đi. Cả sáu mảnh đất ông mua được đều phải bán đi trả nợ, chỉ còn lại mảnh đất tổ tiên và ba gian nhà trống rỗng. Lúc này ông mới như chợt giật mình bừng tỉnh. Nhìn cảnh mẹ già khổ sở, tiều tụy cùng vợ và đàn con nheo nhóc, lam lũ, ông mới thấy mình có lỗi. Ông thấy mình phải cai nghiện. Không những để mẹ khỏi lo lắng mà còn để sau này bốn đứa con gái còn lấy được chồng. Vì ông nghĩ, nếu mình còn nghiện, sẽ chẳng chàng trai nào, gia đình nào muốn lấy con gái mình để mà làm thông gia với kẻ nghiện.
Dù đã bao lần tự trói tay xích chân tự cai, rồi cũng mấy lần đi cai tư nhân, cai ở trại nhưng khi trở về đều lại tái nghiện. Bởi làng ông hồi đó số người nghiện quá nhiều. Một lần đi cai ở Gia Lâm, đến ngày thứ 2 ông hỏi thẳng chủ cơ sở rằng cai ở đây rồi về mà vẫn có bạn nghiện thì có bỏ được không? Bà chủ cơ sở cũng nói luôn: Cai được hay không là nhờ vào ý chí. Vậy là ông khăn gói về quê ngay, dù biết sẽ không tránh khỏi những cái nhìn dè bỉu của anh em, làng xóm. Bởi ông đã cai bao lần mà không được.
Cho đến năm 1995, khi đó còn hơn một tháng nữa là đến ngày giỗ bố ông (2/4 âm lịch) ông nói với u (mẹ) rằng lần này sẽ cai được. Nếu không được thì đến ngày giỗ bố cũng sẽ là ngày giỗ của ông. Mẹ ông cũng chả dám tin và chỉ biết khóc.
Lần này ông tự cai theo cách của mình. Ông đi mua 10 vỉ thuốc ngủ, rồi đến lúc chuẩn bị lên cơn vật, ông uống liền 8 viên. Ông biết nếu là người bình thường, uống 8 viên có thể chết. Còn ông uống vào thì ngủ li bì gần hai ngày. Tỉnh dậy thì không thấy vật thuốc mà chỉ thấy đói, khát. Ông ăn uống bình thường. Rồi cứ mỗi lần sắp lên cơn, ông lại uống thuốc ngủ, liều lượng giảm dần để ngủ cho qua cơn vật. Vậy là chỉ một thời gian ngắn, ông đã dứt được cơn nghiện. Khi cắt cơn, ông lại hăng say lao động. Cứ giữa trời nắng, ông lại ra giúp vợ phơi thóc cho vã mồ hôi. Sau đó vào xả thẳng nước vào đầu. Và cuối cùng sau 11 lần, ông đã cai được nhờ cách dùng thuốc ngủ ấy, sau đó ông ở nhà một năm trời giúp vợ, không giao du với bên ngoài.

Bùi Đình Hảo đang tiếp một người dân đến làm thủ tục.
Tình cờ làm cán bộ
Câu chuyện làm cán bộ của ông Hảo cũng thật tình cờ. Năm 1995, cai nghiện xong, ông quyết chí làm ăn nhưng chưa biết phải làm cái gì. Vốn liếng thì không có mà đi vay chắc cũng chẳng ai dám cho vay. Cả khối tài sản lớn thế ông còn không giữ được bởi ma túy và cờ bạc thì liệu ông có làm được không? Ai dám tin ông đã cai được nghiện? Lúc ấy địa phương có ao bỏ hoang mà không ai khai thác bởi cả khu hồ rộng mênh mông, chả ai đủ sức cai quản với một thôn đầy tệ nạn và trộm cắp. Sau nhiều ngày trăn trở, ông quyết định xin chính quyền cho đấu thầu, bắt tay vào làm ao, trang trại. Việc ông đứng ra đấu thầu thì không khó bởi đằng nào thì ao cũng bỏ không, nay được ông Hảo nhận cũng là một dịp tốt. Dù trong thôn Phong Cốc khi đó là điểm nóng với nhiều tệ nạn, trộm cắp nhưng vốn là người đã giang hồ một thuở, lại thuộc dạng có máu mặt ở làng nên việc làm trang trại của ông cũng không sợ bị phá hay trộm cắp. Vậy là việc làm trang trại của ông bước đầu được thuận lợi. Mãi đến năm 2000, khi mà thôn Phong Cốc luôn là điểm nóng về tệ nạn và ma túy, thấy trang trại của ông không có ai dám phá phách hay trộm cắp, trưởng thôn Đỗ Xuân Tằng khi ấy tỏ ý muốn ông ra làm tổ bảo vệ. Để nhờ uy của ông may ra mới dẹp được. Nhưng khi đưa ra ý định đó trước chi bộ, ông Tằng đã bị nhiều người phản đối. Bởi vẫn chưa ai dám tin một người có quá khứ như ông Hảo, biết đâu lại giao trứng cho ác? Ông Tằng đã phải đứng ra thuyết phục mọi người và ông sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra. Cuối cùng ông Hảo được vào làm tổ bảo vệ của thôn. Ngay sau khi ra nhập tổ bảo vệ, trong năm 2000, ông đã bàn với lãnh đạo thôn để bắt những đối tượng thường hay đến bán ma túy ở thôn. Cuối cùng họ đã bắt được 2 đối tượng tàng trữ và sử dụng ma túy. Đó là vụ đầu tiên ở làng và cũng từ đó các đối tượng khác không dám mang thuốc đến đây bán nữa. Từ đó, tệ nạn ma túy ở trong thôn cũng giảm dần.
Những việc ông đã làm được ngày càng tạo cho ông có thêm uy tín và niềm tin trong nhân dân cũng như các cán bộ trong thôn, trong xã. Đến 2001, ông được đề bạt làm Đội trưởng Đội an ninh xã. Đến năm 2002, khi ông Tằng nghỉ, ông lại được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Và suốt từ đó đến nay, liên tục ông được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn bởi ông luôn làm tròn trách nhiệm trưởng thôn và luôn có nhiều hoạt động đẩy mạnh các phong trào trong thôn đi lên.
Hiện ông đang giữ chức vụ chính là Phó trưởng Công an xã kiêm cán bộ tư pháp. Không những thế, ông còn được bầu vào làm trong các ban chấp hành, ban chủ nhiệm hội, câu lạc bộ như Ban Hòa giải, Hội Nông dân xã, Hội Cựu chiến binh huyện, Hội Sản xuất kinh doanh huyện... Ông bảo, gần như các hội, đoàn thể nào họ cũng muốn ông tham gia để đẩy phong trào lên. Bởi ông rất thẳng thắn, dám nói dám làm, dường như ông nói là mọi người đều thấy thuyết phục. Ông được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng.
Cho đến nay, ông cũng đã giúp đỡ nhiều người cai nghiện. Ông thường đến nhà từng người nghiện để khuyên bảo và hướng dẫn cai theo cách của ông. Cũng có người cai được, có người không, bởi ông biết cần phải do ý chí mỗi người. Có một trường hợp sinh viên tên T., ở tận Thái Bình lên nhờ ông cai giúp. Sau một thời gian được vợ chồng ông giúp đỡ tận tình, cho anh ta ra trông ao, nhặt cỏ. Cuối cùng T. cũng cai được. Bây giờ dù T. đã đi học ở nước ngoài nhưng thỉnh thoảng vẫn gọi điện về hỏi thăm ông. Từ ngày ông làm trưởng thôn, thôn Phong Cốc thay đổi hẳn, làng xóm bình yên, không còn những tệ nạn, đang là một điểm sáng, điển hình của xã cũng như huyện Mỹ Hào. Ông cũng không muốn mọi người khen ngợi lên báo chí làm gì, mà ông chỉ muốn qua đây mọi người biết để nếu ai cần cai nghiện, anh sẵn sàng giúp ngay.
Ông Hảo tâm sự: “Ai cũng có thể cai được, chỉ trừ những người đã bị ung thư máu hoặc bị HIV. Quan trọng vẫn là từ ý chí của mình có muốn cai hay không, còn bạn nghiện thì kệ. Mình đã quyết tâm thì cũng chả rủ rê được”.
Bài, ảnh: Trần Đức Hiển