Viết về Văn Cao, nhiều người viết. Nhưng thấu, thẩm và dày công nhất để lọc ra những bí ẩn trong cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao - một trong những tượng đài của dân tộc Việt Nam thế kỷ 20, cũng là một con người thực với những vui buồn, đớn đau, hạnh phúc... chỉ có thể là Văn Thao - người con đồng bệnh tương liêu của Văn Cao.
Cuộc trò chuyện với nhà thơ Văn Thao - con trai cả của Văn Cao có lẽ sẽ giúp bạn đọc hình dung ra đôi phần dáng nét công trình dựng một tượng đài..., đồng thời giúp bạn đọc hiểu thêm về một trong những người con của Văn Cao nay đang sống và âm thầm thắp sáng những ngọn nến sáng tạo.
Nhà thơ Văn Thao.
Anh viết cuốn Văn Cao đời và nghiệp với tâm thức nào: Con trai cả đồng bệnh tương liêu? Một người bình thường ngưỡng vọng một nhân cách? Hay một sự câu thúc của hậu thế trong dòng sử về văn nhân dân tộc thế kỷ 20?
Văn Thao (VT): Ý định viết cuốn Hồi ức Văn Cao đời và nghiệp đến với tôi hơi muộn. Chỉ sau khi cha tôi mất tôi mới dần dần cảm nhận sự cần thiết phải thu thập tài liệu liên quan đến cuộc đời của ông. Khi ông còn sống, người ta rất dè dặt viết và đánh giá về ông. Đó phải chăng là số mệnh của những bậc văn nhân?
Sau ngày ông mất, mọi người mới thực sự bàng hoàng nhắc và viết về ông. Có người ca ngợi, tung hô ông hết lời. Tôi tìm được và cảm nhận được đâu là tình cảm chân thực dành cho ông, đâu là những điều giả dối được che giấu đằng sau những câu chữ rất hoa mỹ sáo mòn.
Và tôi nhớ lại, có một lần tôi hỏi ông: “Sao bố không viết hồi ký?”. Ông im lặng một lát rồi mới nói: “Với bố, phải ngồi lại để viết hồi ký có nghĩa là cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình đã chấm hết. Để viết cho trung thực và khách quan, khi nhìn lại cả cuộc đời mình, dám nhận những sai lầm của mình trong các mối quan hệ xã hội đã khó, tự đánh giá và khẳng định được những tác phẩm của mình ở tầm cỡ nào và bảo vệ những quan điểm nghệ thuật của mình còn khó hơn. Còn viết hồi ký để đề cao mình, thanh minh cho mình, có khi dẫn đến việc nói xấu và hạ thấp vai trò của người này người khác... thì bố không làm được. Theo bố, hãy để mọi người nghĩ, tìm hiểu và viết về bố thông qua chính những tác phẩm của mình thì khách quan hơn”. Ông ngừng lại một lát rồi bất chợt quay sang nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt ánh lên hóm hỉnh: “Mà biết đâu con cũng sẽ là người viết cho bố?”.
Câu nói đó của ông đã ám ảnh tôi nhiều năm và nó đã giúp tôi tự tin, bỏ qua những mặc cảm để quyết định viết cuốn Văn Cao đời và nghiệp... Cuộc đời của ông cũng rất phong phú, phức tạp, chịu đựng nhiều những bước thăng trầm do thời cuộc tạo nên.
Con viết về bố mà hay thì sẽ được độc giả tin hơn vì có nhiều chuyện riêng tư trong gia đình chỉ có vợ con mới biết được. Vấn đề là phải viết cho trung thực và khách quan, những vấn đề động chạm đến lịch sử phải chính xác.
Con viết cho bố không cẩn thận sẽ trở thành chuyện “mẹ hát con khen hay”. Nhưng đối với Văn Cao đâu cần phải khen ngợi, ca tụng ông ấy làm gì nữa. Ông ấy là Văn Cao! Và thế đã là quá đủ, phải không?
Tôi yêu quý ông, đồng cảm được cùng ông và ngưỡng vọng một nhân cách lớn nơi ông. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm viết lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Vâng, tôi đã viết Văn Cao đời và nghiệp với cả ba tâm thức: Con trai cả đồng bệnh tương liêu; Một người bình thường ngưỡng vọng một nhân cách; Và một sự câu thúc của hậu thế trong dòng sử về văn nhân dân tộc thế kỷ 20.
Anh viết cuốn sách này trong thời gian bao lâu? Có thể đã có nhiều trở ngại vì đi tìm bóng dáng người xưa giống như đi trên cái “lối xưa yên ngựa hồn thu thảo”... Mà chữ tâm và chữ tiền cũng là những chuyện muôn thuở trên những nẻo đường?
VT: Tôi bắt đầu có ý thức thu thập tư liệu để viết cuốn Văn Cao đời và nghiệp từ hơn 10 năm nay. Tôi đã đi nhiều, tìm đến những vùng đất ông đã hoạt động trong những năm kháng chiến. Gặp gỡ lại rất nhiều bạn bè cũ của ông - những nhân chứng lịch sử còn sống...
Vâng, rất vất vả và tốn kém. Nhưng in đậm trong tôi là chữ Tâm của họ.
Anh đã có những tập thơ riêng. Trong bài thơ Những con chữ, anh đã viết: “Con chữ như định mệnh/ Số phận từng thi nhân/ Bao con tim ứa máu/ Nước mắt/ Mồ hôi/ Chắt gạn biển đời”. Từ đó đến nay, Văn Thao vẫn âm thầm đi theo lối nhỏ trong dòng chảy văn học...
VT: Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật nhưng con đường đến với thơ văn của tôi khá muộn. Hình như là một sự bức xúc đã thúc đẩy tôi đi vào cái nghiệp này. Tôi thường được chứng kiến các bậc tiền bối đàm đạo văn chương tại nhà. Rồi sau này, các nhà thơ trẻ thường hay đến nhà tôi để đọc thơ cho cha tôi góp ý. Nghe họ tán tụng và tâng bốc nhau tùm lum, anh nào cũng coi thơ của mình là nhất - nghe mà tức. Đã thế mình cũng làm thơ chơi xem sao. Và thế là tôi làm thơ.
Mãi đến năm 1995, sau ngày bố tôi qua đời tôi mới cho ra mắt tập thơ đầu tiên có tên là Trái muộn do NXB Văn học in. Tập thơ thứ 2 có tên Mảnh trời qua ô cửa cũng do NXB Văn học in năm 1997. Tôi sáng tác không xô bồ và cũng không ồn ào. Tôi cũng tìm ra cho mình một cách viết riêng, một góc nhìn, một cách tư duy riêng. Tôi không thích sự cầu kỳ, rắc rối, đánh đố người đọc. Đối với tôi, câu thơ phải có hình ảnh, ngôn từ chắt lọc, tránh sự vô nghĩa trong câu chữ...
Cầm Kỳ (thực hiện)