Người Việt trên Biển Hồ - Như chim trời, cá nước

31-07-2010 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tonlé Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, tiếp giáp đến 5 tỉnh của nước bạn Campuchia. Đó là khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm 1997 UNESCO đã công nhận.

Tonlé Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, tiếp giáp đến 5 tỉnh của nước bạn Campuchia. Đó là khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm 1997 UNESCO đã công nhận. Mùa khô tháng 11 đến tháng 5 năm sau, hồ thu hẹp, sâu chỉ khoảng 1 mét rộng chỉ 10.000km2, khi nước lên thì rộng tới 16.000km2, nhìn không thấy bờ bên kia, sâu đến 9, 10 mét, ngập lụt cả đồng ruộng và cây rừng. Vùng ngập nước thành nơi sinh sản lý tưởng nhiều loại cá nước ngọt, một hệ sinh thái đa dạng  phong phú. Phù sa dưới hạ lưu theo nước lên bồi bổ lòng hồ nên lượng cá nơi đây rất lớn.  Được thăm Biển Hồ, lại còn được thăm hỏi bà con mình, nghe nói có người sống lưu vong từ mấy đời trước, sinh con đẻ cháu ở đây, rồi con cháu không có dịp về quê nên quên cả quê hương bản quán.       

Chúng tôi được gợi ý: trẻ con trên Biển Hồ, cả người lớn nữa, rất quý thứ quà thiết thực: mì ăn liền. Và khuyên mọi người không nên cho tiền, sẽ gặp rắc rối... Thế là chúng tôi gom góp tiền mua được đến hai chục thùng mì ăn liền. Đinh ninh dặn nhau ném từng gói cho trúng những xuồng, những nhà nổi của các cháu, nếu không sẽ thành quà cho... cá.

Xe rẽ xuống một con đường trải đá vừa hai ô tô khách tránh nhau, chúng tôi xuống chiếc ca nô lớn chạy máy nổ, Trước mặt là một lạch nước rộng dẫn ra Biển Hồ. Hai bên lạch nước là hai rừng cây xanh tốt. Hướng dẫn viên ViBo khoát tay: Đó! thiên đường của các loài cá mùa nước nổi, mùa sinh đẻ. Trong 4 tháng này có lệnh cấm không được đánh cá, ngư dân xoay sang các nghề thu nhập phụ như bắt rắn ngoi lên khi ngập nước... chế biến khô rắn cho dân nhậu.  Đây cũng là những tháng bà con không kiếm được, thiếu từng đồng mua gạo, muối, vật liệu sửa thuyền, nhà nổi... Thế là xuất hiện một số nhà “hảo tâm có điều kiện” sẵn sàng cho ngư dân vay, với cam kết đến mùa sẽ trả bằng cá... giá rẻ, như nông dân phải bán lúa non vậy! những vị hảo tâm đó, dân ở đây gọi là “tào kê”. Trả chưa xong nợ đã đến mùa cấm bắt cá tiếp theo. Một vòng tròn vay trả khiến ngư dân nghèo thì cứ nghèo truyền đời truyền kiếp. Mùa nước lên, có hiện tượng “khiêng nhà” lên mô đất cao. Nhà thực ra chỉ dăm mét vuông, dễ di chuyển. Tắm giặt, ăn uống, “toa lét” đều nhờ hồ “hóa giải” cho nên hồ dễ ô nhiễm trong mùa cạn. Chúng tôi thấy chiếc xà lan lớn có chữ UNICEF chất những bình đựng khổng lồ. UNICEF đã chở nước sạch đến cấp miễn phí cho dân. Lại cả nhà thờ Thiên chúa giáo “nổi” cũng neo đậu gần một xóm nổi. Dân chài xài điện chạy máy nổ.

Khách thăm hồ trung bình 2.000 người/ngày. Có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ khi thấy người Việt mình sinh hoạt khổ quá, nhưng sự giúp đỡ chỉ giảm thiểu nỗi khổ phần nào.  Dân chài chết vẫn phải chôn cất, dành tiền mua đất khi có cha mẹ già sắp đến cõi. Nhưng không thể đủ tiền để mua đất ở nơi không bị ngập nước. Còn mua ở vùng chưa ngập, chôn xong thì nước lên, khi nước rút là mất mộ, không sao nhận ra nơi đã chôn người thân!

Có trường hợp nghèo đến mức đành cuốn chiếu người chết treo lên cây ở một vùng xa khuất, rồi mặc chim trời cá nước “thiên táng”, “thuỷ táng” cho người thân...

Người sống thì không có quốc tịch Campuchia, không biết tiếng Campuchia,  không giấy tờ tùy thân. Nói tiếng Việt nhưng phần lớn không biết đọc, biết viết từ đời cha anh. Gần đây, nhờ một số nhà hảo tâm, có những chòm xóm đã có lớp học, đã mời được cô giáo, chủ yếu dạy các em biết đọc biết viết tiếng Việt.         

 Nhà nổi.

Khó mà phân biệt giữa những ngư dân bản địa và ngư dân Việt, đều một sắc da nâu xạm như nhau, cùng cái dáng tất bật lam lũ, đôi mắt gần như  vô cảm, nhìn như xét đoán khách là loại người nào, có thể mời chào thứ hàng gì, dẫu chỉ vài con khô mực, khô rắn... Trẻ em thì đôi mắt và bàn tay ngửa ra không cùng một thái độ như nhau, đôi mắt sẵn sàng quắc lên phản đối những kẻ tranh giành chỗ đứng mình vừa lấn được. Có một đặc điểm nhận ra thuyền người Việt nhờ ViBo cho biết “ cứ thấy thuyền nào có trồng hoa, có khi chỉ cắm một cành hoa trước mũi thuyền đó là thuyền người Việt”. Họ là những dân chài nghèo phần lớn ở các tỉnh Tây Nam  Bộ. Gia cư, tài sản đùm đúm cả nhà trên một chiếc thuyền, theo mùa nước nổi mà bồng bềnh trôi dần lên Biển Hồ. Có lẽ một đêm nào đó, thuyền đã trôi vượt qua biên giới hai nước, họ cũng chẳng hay.

Họ cứ trôi nổi như cánh bèo mặt nước, rồi gặp những đồng hương đến trước, tụ họp thành chòm xóm. Chỉ riêng ở xã Pung Luông  đã có 6.000 nhân khẩu sống nổi nênh  trên thuyền!

Ra đến lòng hồ mới được phóng tầm mắt ra xa, mùa cạn mà bờ bên kia vẫn xa tít tắp, sóng to như sóng biển. Chúng tôi chưa kịp định hướng vào một cụm nhà nổi thì đã bị trẻ em từ bốn phía lao đến trên những thuyền con chèo tay, xuồng máy nhỏ chạy máy nổ. Và cuối cùng là các em bé độ 6, 7 tuổi trở lên, mỗi em lọt thỏm trong một chiếc chậu nhựa hoặc chậu nhôm, lấy hai bàn tay làm chèo. Những cái chậu cứ len lỏi bập bềnh giữa sóng lớn, giữa những ca nô, thuyền gỗ lại tạo thêm sóng khiến chúng tôi thót tim. Hóa ra các em đã quen với những đoàn khách du lịch ra thăm như thế này, ra để nhận quà.

Từng thùng mì được mở ra, từng gói mì ném xuống. Bất cứ gói mì nào quăng xuống đều lọt vào những bàn tay các em tua  tủa giơ lên. Lỡ lọt gói nào rơi xuống nước thì rất nhanh một em bé ngồi chậu đã vớt nó lên khi chưa kịp thấm nước...

 Khi hai chục thùng mì hết nhanh chóng, một bà Việt kiều chạnh lòng với  bàn tay bé xíu đen đủi cứ chìa ra trước mặt bà, bà mở ví định tìm một tờ bạc   lẻ... tức thì hàng chục cánh tay giơ đến, có mấy em bỏ thuyền nhay hẳn lên ca nô xúm lại. Chúng tôi thấy ngay nguy cơ: không những tiền lẻ, tiền chẵn của bà Việt kiều không giữ được mà đến giấy tờ trong ví cũng bay theo. Nguy hơn là nếu ngần kia em đều nhay lên ca nô, xô dồn về một phía thì chuyện gì sẽ xay ra, thật dễ hiểu!

Khi ra khỏi vòng vây, ca nô của chúng tôi cũng cập vào một nhà hàng nổi. Đó là sự kết nối của mấy con thuyền hay xà lan lớn, tạo được cả một hồ cá sấu ở khoảng giữa, có đến mươi con cá sấu đang nằm phía dưới chân khách, gián cách bằng một lớp gỗ ván.  

Ngồi nhâm nhi ly bia chai Hà Nội nhắm với tép tươi vừa rang, ngắm mặt hồ bao la rợn sóng đáng lẽ chúng tôi tràn đầy hứng khởi. Nhưng hình ảnh những em nhỏ tranh cướp nhau, đánh cược cả tính mạng mình cho sóng hồ vì một gói mì, lòng lại như muối xát. Tôi liên tưởng đến chuyến ca nô chở tôi ra Cát Bà. Mấy cô cậu sinh viên ăn bánh mì, thấy hải âu sà xuống họ bẻ  vụn bánh ném lên, bầy chim liền chao lượn theo, đớp trúng từng vụn bánh. Các em nhỏ Biển Hồ chiều nay cũng như những chim trời, cá nước. Rồi lớn lên, lại theo nghề cha anh...

Tiếng hai người ngồi uống nước bên cạnh tôi trao đổi với nhau như vẽ ra cuộc sống tương lai của các em:

Chú lại mượn tiền của “tào kê” hả?

Người kia nhăn nhó: “Thì bác tính: sóng ở đây dồi lắc như thế, ở sông Hậu, sông Tiền 5, 7 vụ mới phải sửa thuyền, ở đây chỉ 2, 3 vụ thuyền đã rệu rã, không sửa lấy gì đi nghề, lấy gì trả nợ?”. 

Ghi chép của Vân Long


Ý kiến của bạn