Người viết tiếp ước mơ dang dở của những 'đứa con' kém may mắn

31-07-2024 09:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Những chuyến đò đặc biệt của các cha, mẹ tại Làng Thiếu niên Thủ Đức đã làm thay đổi tương lai của rất nhiều số phận kém may mắn nơi đây.

Gia đình có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em kém may mắn là trẻ mồ côi cần được bảo trợ và giúp đỡ.

Động lực để cùng nhau viết tiếp ước mơ

Gần 50 năm thành lập, Làng Thiếu niên Thủ Đức (TPHCM) đã chăm sóc, nuôi dạy hàng chục nghìn trẻ em mồ côi, những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nhiều nơi gửi về.

Dù kém may mắn hơn các bạn đồng trang lứa nhưng bằng tình yêu thương, sự chăm sóc, giúp đỡ, giáo dục của đội ngũ nhân viên của các "cha", "mẹ" tại đây, các em đã vượt qua những khó khăn, áp lực trong cuộc sống để viết tiếp ước mơ của mình.

Từng bữa ăn, giấc ngủ cho tới từng con chữ, các em ở đây được các cha mẹ chăm lo như chính con của mình. Tại đây, các em không chỉ được học tới THPT mà còn được cho học đại học, học nghề…

Người viết tiếp ước mơ dang dở của những 'đứa con' kém may mắn- Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Nghị - Phó Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức vui mừng khi được trẻ ở đây gọi mình là cha. Ảnh: Phạm Thương.

Ông Nguyễn Hữu Tài – Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức cho biết: "Tôi không đếm xuể tới nay đã có bao nhiêu giáo viên, bác sĩ, cán bộ ngân hàng… xuất thân từ đây. Cũng có rất nhiều "con" học xong, ra đời thành công nhưng vẫn quyết định quay về "nhà" chăm sóc trẻ em ở đây với mong muốn bù đắp tình thương cho những trẻ em có cùng hoàn cảnh như mình".

Từng là trẻ nhận được sự yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của các mẹ ở Làng, chị Đặng Thu Nga (sinh năm 1988) sau thời gian làm kế toán ở ngoài đã quyết định quay lại Làng, làm việc tại khu Sơ sinh.

"Thời gian dài công tác bên ngoài nhưng tôi vẫn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của mọi người trong "gia đình" nên tôi quyết định học thêm kiến thức liên quan đến trẻ sơ sinh và mầm non để quay về cống hiến cho Làng", chị Nga chia sẻ.

Theo chị Thu Nga, trẻ bình thường chăm sóc đã khó nên những trẻ "đặc biệt" mang trong mình những bệnh lý hiếm gặp lại khó hơn gấp nhiều lần. Bất lực nhất là những lúc thấy các con đau ốm, thậm chí không qua khỏi.

Ở đây trẻ được phân riêng theo thể trạng, những trẻ khuyết tật bẩm sinh hoặc có vấn đề về rối loạn phát triển sẽ được tách riêng thành lớp "can thiệp" để chăm sóc và học tập.

Thời gian can thiệp vàng cho trẻ

Chị Nga cho rằng, các trẻ cần can thiệp sẽ có giáo án đặc biệt riêng cho từng bé. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ ở đây chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về việc chăm sóc những trẻ cần can thiệp nên việc chăm sóc còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thấu hiểu điều đó, Ban Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức tiếp tục mời các giáo viên, bác sĩ có chuyên môn tập huấn cho cán bộ nhân viên trực tiếp giảng dạy, chăm sóc trẻ cần can thiệp. Đồng thời, động viên mỗi cá nhân tiếp tục vì sứ mệnh trồng người, cố gắng tự mày mò, học hỏi mỗi ngày vì tương lai của trẻ.

Người viết tiếp ước mơ dang dở của những 'đứa con' kém may mắn- Ảnh 2.

Chị Đặng Thu Nga tại lớp can thiệp đặc biệt cho trẻ. Ảnh: Phạm Thương.

Chị Phạm Thị Trang (sinh năm 1991, quê Nghệ An) quyết định chọn Làng Thiếu niên Thủ Đức là nơi gắn bó lâu dài sau khi ra trường. Chị Trang chia sẻ, chị cũng như các cán bộ ở đây đa phần là giáo viên mầm non hoặc giáo viên tiểu học thông thường nên khi được giao nhiệm vụ can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển trong thời gian vàng, đã từng nghĩ công việc này sẽ không quá khó.

Tuy nhiên, thực tế đã cho các cô giáo thấy rằng, việc nuôi dạy trẻ gặp phải rất nhiều khó khăn. Phần lớn đều chưa tự chủ được hành vi nên rất khó để nắm bắt được tâm tư, ý muốn của trẻ. Vậy nên, ngoài những kiến thức cơ bản, các giáo viên ở đây phải tự mày mò, chăm sóc để hiểu được tính cách của từng trẻ nhằm đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

Chị Trang không khỏi xúc động chia sẻ: "Sau thời gian tham gia lớp can thiệp, nhiều trẻ có thay đổi rất rõ, phản ứng nhanh, có thể thực hiện theo khẩu lệnh… Chúng tôi như vỡ oà theo sự tiến bộ của trẻ. Sự thay đổi tích cực từ trẻ đã tạo động lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên tại làng. Chúng tôi chỉ mong các con có thể cải thiện, hòa nhập cuộc sống, đi học như các bạn đồng trang lứa để sau ra đời có thể tự lập".

Liên quan đến vấn đề can thiệp cho trẻ chậm phát triển, BSCKII Nguyễn Trần Nam – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân tâm lý – phát triển làm cho trẻ chậm nói như: rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, tự kỷ, chậm phát triển… Nhiều dữ liệu lâm sàng cho thấy trước 3 tuổi là thời gian vàng để can thiệp cho trẻ có các vấn đề rối loạn. Vậy nên, việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý để thăm khám, đánh giá là cần thiết để định hướng phát triển phù hợp.

"Việc can thiệp sớm giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp tốt hơn, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Với sự hỗ trợ đúng lúc, trẻ có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, giúp trẻ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đối với đội ngũ trực tiếp hướng dẫn trẻ, cần được trang bị những kiến thức lý thuyết và thực hành, nếu chưa có đủ thì có thể bổ sung trong quá trình làm việc", Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Tài cho biết, đội ngũ cán bộ của Làng vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hết sức mình, với nhiệt huyết, tình yêu thương trẻ và tinh thần trách nhiệm để có thể chăm lo, đem đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ.

Xót thương người phụ nữ nghèo mang bệnh suy thận cùng nỗi lo con gái mồ côi cả cha lẫn mẹXót thương người phụ nữ nghèo mang bệnh suy thận cùng nỗi lo con gái mồ côi cả cha lẫn mẹ

SKĐS – Bất hạnh liên tiếp ập xuống gia đình chị Thảo. Sau 2 năm chồng qua đời, chị phát hiện bị suy thận khi con gái vừa hơn 2 tuổi. Nghĩ đến việc con mồ côi cả cha lẫn mẹ, lòng chị đau nhói. Bởi giờ đây, chị không còn lo được kinh phí điều trị bệnh.


Nam Thương
Ý kiến của bạn