Người viết tiếp những ước mơ màu hồng

13-09-2022 11:23 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - Viết về nam giới mà mở đầu bằng màu hồng thì tôi e là hơi sến. Nhưng ước mơ màu hồng thì thường được coi là ước mơ êm đềm nhất trong cuộc sống mà ai cũng muốn mơ về nó.

Nhân vật mà tôi muốn đề cập trong bài viết này là họa sĩ Lê Tiến Vượng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Trái tim hồng - Tấm lòng Việt - người mang trong mình trái tim hồng rực cháy, đam mê làm thiện nguyện với hành trình sẻ chia đầy yêu thương.

Người viết tiếp những ước mơ màu hồng - Ảnh 1.

Họa sĩ Vượng trong buổi khánh thành điểm trường vùng cao Hà Giang.

Không thờ ơ trước những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực

Chỉ cần tra google với tên Lê Tiến Vượng, bạn sẽ thấy một số bài viết về người đàn ông này với các vai trò như: Họa sĩ, nhà báo, nhà thơ, nhà thiết kế logo có tên tuổi. Đặc biệt gần 10 năm gần đây, Lê Tiến Vượng được biết đến với các chương trình thiện nguyện cho vùng cao mang tên Trái tim hồng - Tấm lòng Việt.

Tôi gặp họa sĩ Vượng trong buổi trưa hè nắng gắt, sau khi anh vừa từ Lạng Sơn về. Chuyến đi chuẩn bị cho buổi khánh thành điểm trường mầm non tại bản Nà Pè, Quan Bản, Lạng Sơn.

Vẫn với dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát, gương mặt chất phác, tác phong gần gũi, thân thiện và khá hài hước, nên khi gặp lại người đã từng quen biết nhau từ hơn 20 năm trước như tôi, anh vào đề rất nhanh: "Anh mới nghỉ chế độ tại báo Thiếu niên Tiền phong rồi, giờ thoải mái thời gian làm từ thiện". Được trò chuyện với anh mới hiểu hết được những gì mà anh đang đau đáu, nung nấu, miệt mài gom góp chia sẻ cùng cộng đồng, đến với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, giúp những mảnh đời đang vật lộn qua khó khăn, để tồn tại vượt lên số phận.

Họa sĩ Vượng sinh ra ở Hà Nội, nhưng cả tuổi thơ đi sơ tán sống ở miền quê nghèo thuần nông, nên anh rất hiểu và thành thạo các công việc nhà nông. Năm 19 tuổi, anh lên đường nhập ngũ bảo vệ biên cương phía Bắc. Qua 4 năm quân ngũ sống và chiến đấu, ăn, ở với bà con các dân tộc từ Bắc Thái (cũ), Cao Bằng và ở Hà Giang, anh đã cùng đơn vị đóng quân, hành quân qua rất nhiều bản làng với nhiều bà con các dân tộc khác nhau. Thực hiện "3 cùng" cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với bà con, anh đã thấu hiểu đời sống giản đơn nhưng cực kỳ khó khăn thiếu thốn của đồng bào vùng sâu, vùng cao. Nơi đó đường sá đi lại khó khăn, nương rẫy khô cằn, phương tiện lao động thiếu thốn, nhiều đồng bào sống du canh du cư, nên dù họ có chăm chỉ chịu khó đến mấy cũng không thể thoát nghèo được.

Người viết tiếp những ước mơ màu hồng - Ảnh 2.

Sống là hành trình sẻ chia và yêu thương không ngừng của họa sĩ Vượng.

"Tuổi thơ em đã từng trải qua thời bao cấp khó khăn ở Hà Nội, nhưng đã bao giờ phải ăn cơm từ gạo mậu dịch mà phải chan canh rồi nuốt chửng, không dám nhai cơm vì quá nhiều sạn; đã bao giờ mùa đông đi ngủ phải mặc nhiều quần áo để đắp bao tải đỡ rặm như anh chưa?" Những câu hỏi đồng thời là dòng chia sẻ của Lê Tiến Vượng giúp tôi hiểu rằng, từ cái nghèo cái khó bước ra, anh càng thấu cảm khó khăn của bà con vùng cao. Mà khó khăn thiệt thòi nhất là các cháu nhỏ, không có trường, các cháu sẽ không được đến trường để biết đến cái chữ, để học tập, hy vọng mai này có thể thay đổi cuộc đời…

Từ những thấu hiểu trên, họa sĩ Vượng quyết tâm làm từ thiện, đồng hành cùng trẻ em, đồng bào vùng núi biên cương phía Bắc, cùng chia sẻ giúp bà con vơi bớt những khó khăn, đói nghèo

Người viết tiếp những ước mơ màu hồng - Ảnh 3.

Họa sĩ Vượng cùng các thành viên CLB Trái tim hồng sẻ chia những món quà từ thiện ý nghĩa cho trẻ em nghèo vùng cao.

Hành trình thiện nguyện đầy gian nan

CLB Trái tim hồng - Tấm lòng Việt được thành lập rất tình cờ. Đầu xuân năm 2013, trong chuyến tham quan của cựu chiến binh Trung ương Đoàn tại Ninh Bình, họa sĩ Vượng có gặp lại cựu chiến binh cùng đơn vị F10, Quân đoàn 3 đang làm bảo vệ tại xưởng may xuất khẩu và được biết hoàn cảnh bi đát của cựu chiến binh này. Anh ấy bị mất vì ung thư cách đó vài tháng, cỏ còn chưa xanh mộ, thì chị Huyên (43 tuổi) vợ anh cũng bị phát hiện ung thư giai đoạn 2.

Gia đình thuộc diện hộ quá nghèo, hai con nhỏ đang đi học. Tài sản duy nhất là căn nhà xiêu vẹo, dột nát tứ tung. Chị Huyên không có tiền nằm viện, phải xin ngồi hành lang, ngày ngày ăn cơm cháo từ thiện, đợi xin đồng nào từ các nhà hảo tâm thì lại xạ trị…

Trong vai trò là nhà báo, họa sĩ Vượng đã vào viện thăm chị Huyên, hỏi các bác sĩ về bệnh tình của chị. Được các bác sĩ trả lời bệnh của chị phải kịp thời chữa trị ngay thì sẽ kéo dài được 5 đến 10 năm… Họa sĩ Vượng đã phát động trên mạng xã hội quyên góp được 46 triệu đồng đủ cho chị Huyên xạ trị thành công, sức khỏe hồi phục dần.

Đưa chị về nhà thấy tình cảnh quá tối tăm, sức khỏe yếu, chị Huyên không thể làm đồng như cũ, họa sĩ Vượng lại phát động lần hai quyên góp được 28 triệu đồng cho chị mua 1 con bò, 1 đàn lợn và 1 đàn gà để chị chăm nuôi cho lớn, bán lấy tiền chi tiêu gia đình và nuôi hai con ăn học… Từ hoàn cảnh thương tâm ấy, họa sĩ Vượng luôn day dứt phải làm gì đó để cứu giúp những hoàn cảnh quá đỗi khó khăn đang hàng ngày vật lộn với cuộc sống.

Người viết tiếp những ước mơ màu hồng - Ảnh 4.

Họa sĩ Vượng chụp cùng bà con trong chương trình "Tết sẻ chia, Tết yêu thương".

Năm 2013, Lê Tiến Vượng đứng ra thành lập Câu lạc bộ Trái tim hồng - Tấm lòng Việt. Anh đã đi đầu đóng góp và vận động bạn bè, gia đình, người thân cùng anh lên vùng cao biên cương phía Bắc, đến những bản làng xa xôi nhất, khó khăn nhất để "xây trường, dựng ước mơ" cho nơi đây.

Đến nay, anh đã vận động xây dựng được 21 điểm trường, 4 nhà tình nghĩa, góp phần xóa cảnh lán nứa, phên tre tạm bợ cho nhiều trường học tại các địa phương khó khăn như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La…

Với trái tim chia sẻ thương yêu, vào các dịp mùa đông giá rét hay dịp Tết Nguyên đán, CLB Trái tim hồng lại ngược xuôi trao hàng ngàn suất quà bao gồm chăn màn, quần áo, đường sữa, bánh kẹo, gạo, xoong nồi, mắm muối... cho bà con nơi biên cương khó khăn. Riêng tiền mặt, CLB đã chia sẻ cho nhiều gia đình ở các bản nghèo vùng cao đón Tết lên tới hơn 600 triệu đồng; tổ chức hàng trăm chuyến quà tết, quà trung thu, các chuyến hàng cứu trợ mưa lũ các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung, Trung Trung bộ an toàn, thành công.

Người viết tiếp những ước mơ màu hồng - Ảnh 5.

Họa sĩ Vượng trong những chuyến thiện nguyện.

Các chuyến từ thiện của CLB đã gây được nhiều ấn tượng từ chính quyền, các thầy cô giáo, các cháu học sinh và rất nhiều bản làng nơi đoàn đến thăm, giao lưu và tặng quà.

Ngoài ra, anh và CLB Trái tim hồng đã xây dựng được hàng trăm tủ sách và tủ thuốc cho các lớp học, các trường nội trú, các bệnh viện ở Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang… để nâng cao văn hóa đọc và chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho mọi người.

Để lan tỏa các giá trị nhân văn đến đông đảo bạn bè, gần xa, họa sĩ Vượng luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi việc. Anh dùng chính căn nhà của mình vừa là nơi gặp mặt CLB vừa là nhà kho tập kết các loại quà tặng của các nhà hảo tâm… Trước mỗi chuyến đi, anh còn là người đi thu gom quà từ các nhà hảo tâm khắp nơi. Cả gia đình anh thường xuyên đóng gói, phân loại và chia quà theo tiêu chuẩn, theo từng điểm, thậm chí từng người… Nhiều chuyến từ thiện, lắm khi thấy anh vừa đến nơi đã bắt tay vào việc không kịp nghỉ ngơi. Vừa làm MC, vừa làm chủ chương trình, vừa làm khách… Có những lần cả đoàn nhịn ăn trưa để dành bữa ăn cho các cháu nhỏ, nhưng ra về ai cũng vui quên cả mệt nhọc.

Người viết tiếp những ước mơ màu hồng - Ảnh 6.

Đường dốc trơn trợt khó đi là những nơi CLB Trái tim hồng lựa chọn để xây điểm trường, vơi đi khó khăn cho bà con nơi đây.

Là một nghệ sĩ đa tài, anh luôn dùng tranh vẽ, các tập thơ của bản thân bán gây quỹ cho CLB. Anh cũng vận động và thu hút nhiều họa sĩ danh tiếng cùng tham gia tặng tranh, tiền cùng nhiều quà tặng có giá trị thông qua việc tổ chức các đêm nhạc đấu giá gây quỹ cho các dự án xây trường; cũng như viết, vẽ tặng cho các thầy cô giáo, các anh chị trong CLB nhiều bài thơ hay, nhiều bức tranh đẹp.

Chia sẻ về hành trình thiện nguyện gần một thập kỷ qua, họa sĩ Vượng không ngại ngần bộc bạch: CLB Trái tim hồng có Ban chủ nhiệm gồm 7 người. Khi chuẩn bị một chương trình tặng quà tết, hỗ trợ vùng thiên tai, hay một dự án xây trường, CLB đã phải họp vài cuộc, phân công từng người, liên hệ các cấp chính quyền, yêu cầu gửi hình ảnh, đơn xin trợ giúp… rồi mới tổ chức đoàn lên khảo sát thực tế, gặp đại diện chính quyền, bà con, xem xét nhiều góc độ.

Thường thì từ 3 đến 4 địa điểm mới chọn được 1 nơi khả thi. CLB luôn quan tâm những điểm xa xôi cách trở nhất, khó khăn và vất vả nhất. Nơi mà theo anh nói là ngân sách hạn hẹp của địa phương không đủ để "xóa" các điểm trường tạm còn rất nhiều trên bản làng vùng cao…

Sau đó, Ban chủ nhiệm lập phương án tiến hành, cho thiết kế, dự toán, đấu thầu công khai, minh bạch và biên bản, hợp đồng xác nhận các bên trách nhiệm và nghĩa vụ… Mọi công việc của CLB đều rất cụ thể, chi tiết, minh bạch và bao giờ cũng có phần bà con nhân dân nơi được hỗ trợ phải tham gia thu dọn mặt bằng, tham gia vận chuyển vật liệu và đồ dùng hỗ trợ.

Người viết tiếp những ước mơ màu hồng - Ảnh 7.

Nơi mà CLB Trái tim hồng lựa chọn xây điểm trường là những nơi giao thông đi lại khó khăn, việc vận chuyển nguyên vật liệu rất chật vật.

Hành trình làm từ thiện của CLB cũng lắm gian nan. Những địa điểm mà CLB lựa chọn để xây điểm trường hay phát quà từ thiện đều ở những nơi vùng cao heo hút, đường sá đi lại rất khó khăn, đường rừng núi quanh co đèo dốc trơn lầy, phải băng đèo vượt suối mới tới được nơi.

Không ít chuyến từ thiện của CLB đã vận chuyển hàng hóa lên đến địa phương thì gặp trời mưa, đường ngập, trơn trượt, đoàn từ thiện phải ngủ lại mấy ngày mới vào tới nơi được. Đa số các địa điểm còn không đi được ô tô vào đến nơi, thường phải tập kết hàng ở một địa điểm rồi thuê xe máy tăng bo vào từng ít một.

Nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong quá trình xây trường, họa sĩ Vượng tâm sự: "Xây trường vùng cao khó lắm, không dễ như dưới xuôi đâu… Có những điểm trường CLB xây ở bản Tôm, xã Bản Bắc, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, phải trở vật liệu băng qua sông, bà con dân bản phải đi bộ xuống bờ sông, mang vác vật liệu xây dựng ngược lên đỉnh núi, chứ không có xe ô tô nào đi được, đường dốc lắm. Thậm chí phải truyền tay nhau cõng từng viên gạch, từng bao xi măng, từng cái mái tôn lên trường cách xa đến vài cây số".

Trong đợt xây điểm trường Thẩm Pao, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, khi vừa khai móng thì có trận mưa lũ cực lớn đổ qua bản. Lũ từ trên cao ùn ùn đổ xuống gây sạt lở san bằng móng vừa đào. Đất đá đã cuốn trôi hai mẹ con đang trên đường đi nương về. Bà mẹ còn rất trẻ. Cái chết của hai mẹ con cùng sự việc thương tâm đã bị thầy mo trong bản hù dọa là có ma về bắt hết dân bản nếu không chuyển đi nơi khác.

Cả bản hoang mang lo lắng, rục rịch thu xếp chuyển vào rừng sâu hơn sinh sống. Thầy mo còn phán là do xây trường động đến con ma đang ngủ yên bao năm nay, khiến người dân càng phẫn nộ và muốn cản trở công việc xây trường. Sự việc đứng trước nguy cơ ngôi trường mầm non cho hơn 50 nóc nhà phải hủy bỏ. CLB và thầy giáo Mai Trọng Thuyết cùng các cô giáo đã phải vào bản, họp với Trưởng bản và bà con nhiều buổi, vận động bà con ở lại định cư, có trường lớp, các cháu nhỏ không phải lên nương cùng cha mẹ, không bị nguy hiểm rình rập...

Cuộc vận động đi kèm việc CLB Trái tim hồng đẩy nhanh tiến độ thi công, mang máy nổ thắp sáng cả bản ban đêm, thi công liên tục. Do làm điểm trường bằng nhà lắp ghép nên chỉ sau 20 ngày công trình đã xong. Phòng giáo dục đã đưa hai cô giáo trẻ vào cắm bản, ăn ở hàng ngày, vào từng nhà đón các cháu nhỏ tới lớp.

Điểm trường có sân rộng sạch sẽ, có máy nổ thắp sáng mỗi đêm cho cả bản. Chính điểm trường đã giữ được người dân cả bản ở lại không di dời vào vùng sâu nữa. Điểm trường đã kiêm điểm sinh hoạt văn hóa lễ hội, cưới xin cho cả bản. Trường còn được trang bị tủ sách, tủ thuốc... góp phần làm thay đổi tích cực đời sống dân bản Thẩm Pao...

Đây là điểm trường vùng cao xa xôi phải xây dựng khó khăn nhất và nhiều trắc trở nhất của CLB. Nhưng việc xây dựng trường thành công đã góp phần thay đổi đời sống cho dân bản, cũng như giúp cho nhiều thế hệ trẻ em mầm non mẫu giáo được đến trường an toàn, được học múa hát, được nuôi ăn, được trang bị quần áo đồ dùng học tập của các nhà hảo tâm từ các thành viên CLB Trái tim hồng - Tấm lòng Việt.

Sau đợt khánh thành 6 nhà lớp học ở bản Két, Mường La cuối tháng 4/2022 vừa qua, hiện CLB lại đang chuẩn bị cho chuyến lên cắt băng khánh thành và bàn giao điểm trường mầm non 3 phòng học tại bản Nà Pè, xã Ban Bản, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Đã thành thông lệ, nhiều năm nay đến tận ngày 30 Tết, người ta vẫn thấy vợ chồng anh và hai cô con gái miệt mài đến với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chia sẻ nỗi lo chung với người nghèo, người hoạn nạn… để họ vơi đi nỗi đau trong cuộc sống, có một cái Tết no đủ, ấm áp.

Nhưng còn đẹp hơn nữa, khi tư tưởng làm từ thiện đã "ngấm" từ anh đến hai người con gái của mình. Được biết, con gái Lê Hương Thảo của anh sau khi giành giải Á hậu 1 ở cuộc thi Miss du học sinh tại Nhật Bản đã dành toàn bộ số tiền thưởng là 30 triệu đồng để đóng góp vào chương trình thiện nguyện của CLB Trái tim hồng. Hơn thế nữa, Hương Thảo còn vận động Ban tổ chức cuộc thi và bạn bè quốc tế quyên góp cùng câu lạc bộ xây dựng thêm được 2 ngôi trường vững chãi tại xã Pú Piến, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Còn cô con gái Lê Quỳnh Anh của anh cũng đã làm riêng được một việc có ý nghĩa. Đó là từ ngày 1/6/2018, Quỳnh Anh đã cùng các bạn trẻ là các họa sĩ, nghệ sĩ, công chức... chính thức thực hiện dự án lâu dài "Giúp em tới trường", bằng việc tìm và đưa các bạn học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí trước nguy cơ bỏ học nhưng có học lực tốt, đưa về xuôi nuôi ăn học thành tài rồi trở về quê hương xây dựng bản làng. Trong chương trình này, Quỳnh Anh đã đóng góp 3 triệu đồng/tháng, một số bạn khác đã đóng góp chung 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, chương trình đã đưa được 4 bạn nhỏ về xuôi và các bạn đã học tập, hòa nhập tốt với môi trường thành phố.

Làm thiện nguyện giữa tâm bão COVID-19, Trương Ngọc Ánh được khen: Đã đẹp người còn đẹp nếtLàm thiện nguyện giữa tâm bão COVID-19, Trương Ngọc Ánh được khen: Đã đẹp người còn đẹp nết

SKĐS - Chia sẻ của Trương Ngọc Ánh về một hoạt động thiện nguyện mới đây đã nhận về loạt lời khen ấm lòng từ dân mạng.

Nối dài ước mơ với Trái tim hồng

Gắn với công việc thiện nguyện cả một quãng đường dài, giờ đây làm từ thiện đã trở thành một phần cuộc sống của họa sĩ Vượng. "Sống là hành trình sẻ chia và yêu thương không ngừng"- quan điểm sống của anh là vậy. Anh vẫn liên tục nhận được những lời đề nghị từ các thầy cô giáo vùng cao gửi thông tin, hình ảnh về mong anh và CLB quan tâm trợ giúp xây trường học. Anh chia sẻ: "Vẫn còn nhiều trẻ em chưa được đến trường, còn nhiều ngôi trường tre, nứa, lá dựng tạm vài vách gỗ, phủ vài tấm bạt tạm bợ ở rất nhiều các bản làng biên cương phía Bắc…".

CLB Trái tim hồng sẽ vẫn luôn tìm hiểu, lắng nghe và sẵn sàng trợ giúp, xây điểm trường mới, hỗ trợ và tặng quà bà con các dịp lễ, Tết hay các đợt mưa lũ thiên tai, những mùa đông băng giá. Anh mong trong tương lai sẽ xây dựng thật nhiều điểm trường cho các cháu vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ thêm nhiều bà con trên đó, cho họ đỡ khổ, đỡ nghèo. Thế thôi là vui rồi.

Cùng với đó, anh cũng ấp ủ dự định bấy lâu nay đó là thành lập một công ty du lịch thiện nguyện. Công ty sẽ cung cấp các tour du lịch mang đậm tinh thần thiện nguyện. Thay vì đi tới những nơi phong cảnh hiện đại, xa hoa thì điểm đến được lựa chọn sẽ là những bản miền núi hoang sơ, nơi vùng sâu, vùng cao.

Lê Tiến Vượng hy vọng rằng mỗi khách du lịch tham gia tour du lịch sẽ được sống cùng bà con dân tộc, thấu hiểu và tận tay giúp đỡ người dân ở đó. Từ đó họ hiểu hơn về cuộc sống của những người còn đang vật lộn với cái nghèo, cái đói. Sau đó những người may mắn có cuộc sống đủ đầy sẽ trân trọng hơn cuộc sống hiện tại và năng làm việc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo. Lợi nhuận sau này của công ty thu được bao nhiêu, anh sẽ dành làm từ thiện cả, không giữ lại cho riêng mình.

Cùng với trái tim nhiệt huyết, họa sĩ Vượng đã và đang gieo yêu thương khắp nơi và ươm mầm nên biết bao nhiêu hy vọng, sự sống cho những hoàn cảnh khốn cùng, khó khăn trên khắp cả nước.

-Ngôi nhà thắp sáng ước mơ- tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.

Đào Kim Hoàn
Ý kiến của bạn