Du khách trèo tường, chui cổng vào chùa Bái Đính; thi nhau sờ đầu rùa, ném tiền vào bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám; cờ bạc tụ tập ngay tại thuyền trên suối Yến - chùa Hương… Tất cả những hình ảnh phản cảm đó đã và đang diễn ra ở mùa lễ hội 2013 khiến dư luận không khỏi xót xa, bất bình. Phải chăng một bộ phận không nhỏ khách hành hương đang thiếu mất cái gọi là văn hóa đi lễ?
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, hiện cả nước có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ khác nhau - trong đó lễ hội dân gian chiếm hơn 88%; lễ hội tôn giáo chiếm hơn 8%; lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4,16%. Với một con số khổng lồ như vậy, việc quản lý lễ hội để làm sao vừa văn minh, tiết kiệm lại hiệu quả là điều không hề dễ dàng. Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp ban ngành, chính quyền địa phương thì một điều đặc biệt quan trọng đó là ý thức người tham gia lễ hội.
Vượt rào sờ đầu rùa tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: D.Hải. |
Thế nhưng, mới đầu mùa lễ hội 2013, dư luận lại thêm một lần nữa bàng hoàng vì những ứng xử thiếu văn hóa của người dân ngay ở chốn… văn hóa. Đền Trần - Nam Định mặc dù chưa khai hội đã “chặt chém” du khách từ tiền gửi xe đến dịch vụ đổi tiền lẻ bát nháo trước cổng di tích. Lễ hội chùa Hương trước ngày khai hội “đập” ngay vào mắt du khách với những hình ảnh hết sức phản cảm như xẻ thịt “thú rừng”, cờ bạc ngay tại thuyền trên suối Yến, rải tiền lẻ vô tội vạ khắp nơi, ép tượng “nhận tiền”, đốt vàng mã ở khu di tích.
Về với chùa Bái Đính, Ninh Bình - một trong những ngôi chùa to đẹp bậc nhất mới được tôn tạo thời gian gần đây nhưng ở nhiều hạng mục cũng đã bị “sứt đầu mẻ trán”, những bức tượng trở nên nhẵn thín vì bàn tay vô ý thức của con người. Vì ngại đi đường vòng, người ta sẵn sàng trèo tường, chui cổng, luồn lách vào chùa… mà không mảy may suy nghĩ chính họ đã làm tổn hại đến di tích, văn hóa quốc gia. Họ đang đi lễ hay đi… phá hoại?
Quan niệm từ xa xưa, đi lễ hội, đến đền chùa những mong cầu an bình, may mắn cho năm mới. Thế nhưng, xung quanh việc lễ bái có không ít những chuyện dở khóc dở cười. Tại Đền Quán Thánh – một trong 4 ngôi đền thuộc Thăng Long tứ trấn của đất Hà thành, người ta bỗng trở nên bơ phờ, hốc hác khi vừa lễ xong, quay ra cũng là lúc túi xách bị rạch một vết dài, chiếc ví không cánh mà bay. Còn ở Tổ đình Phúc Khánh, mới từ ngày mùng 1 Tết đến nay, khách hành hương đã dán chi chít những dòng thông báo mất của, nào là ví tiến, túi xách đến điện thoại…
Đáng nói là không phải đến mùa lễ hội năm nay, người ta mới chứng kiến “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” như vậy! Đã qua nhiều lễ hội và nhiều kỳ lễ hội nhưng các hoạt động như chèo kéo khách, ép giá, hành khất, cờ bạc, móc túi, mê tín dị đoan… vẫn diễn ra như cơm bữa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự linh thiêng của di tích và nét đẹp ở nhiều lễ hội. Và có lẽ sẽ không ngoa khi nói rằng, ở đâu có lễ hội, ở đó có những vấn nạn nhức nhối này. Trong khi đó, chế tài xử phạt những hiện tượng phản cảm này chưa có hoặc chưa đủ sức răn đe.
Trèo tường, chui qua khe cổng vào chùa Bái Đính. Ảnh Dân Việt. |
Trước mùa lễ hội 2013, trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, việc chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay đã được Bộ chuẩn bị từ 6 tháng trước. Bộ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản, cơ quan Thanh tra với mục đích để việc tổ chức lễ hội ngày càng tiến bộ hơn, dần hạn chế những mặt chưa được. Từ trước Tết, các Thứ trưởng cùng 7 đoàn công tác tác đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội tại các địa phương. Các đoàn sẽ kiểm tra việc kiện toàn các ban tổ chức lễ hội, quy chế tổ chức lễ hội, công tác tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa của lễ hội, công tác bảo vệ di tích, chấn chỉnh các hàng quán, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, quản lý hòm công đức, tiền giọt dầu…
Cũng theo đánh giá của cơ quan quản lý, có 3 hiện tượng nhức nhối nhất trong việc tổ chức các lễ hội. Đó là trật tự vệ sinh môi trường ở nhiều lễ hội chưa tốt, trong khi đây là vấn đề cần hết sức chú ý ở các địa điểm tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Thứ hai, nhiều người chưa thật ý thức khi tham gia các hoạt động của lễ hội, trong ứng xử với các di tích. Hiện tượng thứ ba là tại nhiều nơi, hàng quán vẫn bày bán lộn xộn, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của di tích. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng khẳng định, đây sẽ là những nội dung sẽ được tập trung giải quyết, tuyên truyền, giáo dục để thay đổi ý thức người dân…
Di tích có còn và văn hóa có bị mai một? Tất cả đều phụ thuộc vào ý thức người dân.
Dương Hải