Người Việt rạng danh khắp năm châu

05-02-2019 06:00 | Quốc tế

SKĐS - Người Việt đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và có nhiều đóng góp cho những mảnh đất mà họ đặt chân tới.

Báo chí và trang mạng khắp năm châu đã viết về trí tuệ và tài năng, phẩm hạnh của những người Việt mà họ yêu mến. Hãy xem tình cảm mà họ dành cho những đại diện của người Việt chúng ta - những người đã đóng góp để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Thiên tài toán học Ngô Bảo Châu

Vừa qua, GS. Ngô Bảo Châu đã tới thăm Algeria. Tại đây, giáo sư được chào đón nồng nhiệt. Theo Thông tấn Algeria và trang tin Người yêu nước Algeria (Algerie Patriotique), hai thiên tài toán học đã tới Algeria để tưởng niệm nhà cách mạng Audin. Đó chính là GS. Ngô Bảo Châu và GS. Cédric Villani - hai thiên tài toán học từng nhận Giải Nobel Toán học Field Medals.

Chuyến thăm của hai nhà toán học cũng nhằm mục đích phổ biến kiến thức cho công chúng, đặc biệt trong lĩnh vực toán học có ứng dụng phục vụ tốt cho nhân loại.

Tờ Algerie Patriotique đã gọi Ngô Bảo Châu và Cédric Villani là hai ngôi sao sáng của toán học. Trong chuyến thăm, GS. Cédric Villani có bài giảng tại Đại học Abderrahmane-Mira về giảng dạy toán học trong thế kỷ 21 còn GS. Ngô Bảo Châu có bài giảng về nội soi và hình học.

GS. Vũ Hà Văn - Nhà toán học hàng đầu thế giới giàu tâm huyết với khoa học nước nhà

Giáo sư Vũ Hà Văn sinh ngày 12/6/1970 tại Hà Nội, là con trai nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương, còn mẹ là dược sĩ Đào Thị Hường. Bên cạnh GS. Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn cũng là một nhà toán học có quốc tịch Việt Nam làm rạng danh cho ngành toán học Việt. Năm 2009, ông được công nhận là giáo sư tại Viện Toán học Việt Nam khi mới 39 tuổi.

Lĩnh vực GS. Vũ Hà Văn nghiên cứu bao gồm toán học tổ hợp, xác suất và lý thuyết số cộng tính. Ông đã 2 lần nhận được Giải thưởng Sloan dành cho các tài năng trẻ ở Mỹ khi viết luận án tiến sĩ (1997), và khi làm nghiên cứu viên (2002), rồi Giải thưởng NSF Career (2003). Hội Toán công nghiệp và ứng dụng (Society for Industrial and Applied Mathematics/ SIAM) của Mỹ đã trao Giải thưởng Polya cho GS. Vũ Hà Văn vào năm 2008 về những ứng dụng của lý thuyết tổ hợp. Tính đến nay, số nhà toán học được tặng Giải thưởng Polya vẫn còn rất ít và họ đều là những nhà toán học hàng đầu.

Là nhà toán học hàng đầu thế giới, GS. Vũ Hà Văn hiện đang làm Giáo sư Toán học ở Đại học Yale của Mỹ. Ông còn là Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Big Data) và tham gia điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Vingroup với khoản đầu tư lên tới cả nghìn tỷ đồng. Một trong những dự án đầu tiên và gây sự chú ý của giới khoa học mà Viện thực hiện là dự án Giải mã bộ gene người Việt, từ đó ứng dụng trong việc xác định nguyên nhân gây bệnh và đáp ứng thuốc theo đặc trưng hệ gene, hỗ trợ trong chẩn đoán và điều trị bệnh cho người Việt Nam.

Người gốc Việt trở thành Bộ trưởng Y tế, Phó Thủ tướng ở châu Âu

Ông Philipp Rösler là người gốc Việt thành công nhất trên con đường chính trị. Ông sinh năm 1973 tại Việt Nam, được gửi vào Cô nhi viện Sóc Trăng từ lúc vài tháng tuổi. Khi còn chưa kịp đặt tên, ông Philipp đã được một cặp vợ chồng người Đức nhận về nuôi khi mới chỉ 9 tháng tuổi. Ông từng học và nhận bằng tiến sĩ y khoa, là một bác sĩ phẫu thuật tim và lồng ngực rồi từng bước trở thành Bộ trưởng Y tế Đức giai đoạn 2009 - 2011. Con đường sự nghiệp của ông tiếp tục mở ra khi vào tháng 5/2011, ông được tín nhiệm đề cử vào chức vụ  Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ kiêm Phó Thủ tướng Đức - cánh tay đắc lực của Thủ tướng Angela Merkel trong nội các lúc bấy giờ.

Ông trở thành Chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử đảng Dân chủ Tự do (FDP) thuộc liên minh cầm quyền của Chính phủ Đức khi mới 39 tuổi với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối. Năm 2011, ông được báo The Economist vinh danh là gương mặt ngoại giao truyền cảm hứng.

Cuối năm 2013, ông Philipp Rösler được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đề cử trao trọng trách Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng Quản trị Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thụy Sĩ.

Nữ nghị sĩ gốc Việt đầu tiên trong Hạ viện Mỹ

Cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ đã đánh dấu năm đầu tiên có một nghị sĩ gốc Việt vào tới Quốc hội Mỹ. Đó là bà Stephanie Murphy với tên gốc Việt là Đặng Thị Ngọc Dung.  Bà đại diện cho nghị sĩ đảng Dân chủ và đã giành được phần thắng trước ứng viên là người Cộng hòa có kinh nghiệm chính trị hơn 20 năm. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ mới đây (tháng 11/2018), bà Stephanie Murphy tiếp  tục giành được sự tín nhiệm của người dân ở miền Trung Florida tái đắc cử vào Quốc hội cho nhiệm kỳ thứ hai.

Bà từng làm chuyên viên an ninh quốc gia trong Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, cố vấn chiến lược cho Deloitte Consulting. Bà cũng làm việc tại Sungate Capital - một công ty chuyên về đầu tư và là giáo sư ngành kinh doanh tại ĐH Rollins College, Florida. 

Nhà khoa học đoạt giải Humboldt về pin mặt trời từng sống 16 năm không có điện

Trang tin Noozhawk ở Santa Barbara, Hoa Kỳ, nơi GS. Nguyễn Thục Quyên sinh sống và làm việc đã viết về người giành giải Humboldt của Đức nhờ nghiên cứu phát minh về tấm pano năng lượng mặt trời.

Nguyễn Thục Quyên là giáo sư sinh hóa và hóa học tại Trường đại học California ở Santa Barbara. Cô là 1 trong 4 nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2015. Thục Quyên nổi tiếng quốc tế nhờ phát minh ra giải pháp phân tử nhỏ có thể xử lý sử dụng cho tế bào mặt trời hữu cơ, photovoltaic giống như  nhựa có thể sản sinh ra điện từ ánh sáng mặt trời. Giải thưởng nghiên cứu Humboldt được trao cho những nghiên cứu cơ bản, lý thuyết mới làm nền tảng cho những phát kiến trong tương lai. Thục Quyên tâm sự, cô sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam. “Tôi từng sống 16 năm trời trong cảnh không có điện, vì vậy tôi rất hứng thú với năng lượng mặt trời”. Cô còn nhận được vô số giải thưởng khoa học do Mỹ trao tặng từ 2005 tới 2010.

Người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ

Theo NASA và Revolvy, Eugene Hữu Châu (hay Trịnh Hữu Châu) trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ. Trịnh Hữu Châu sinh năm 1950, là nhà sinh hóa học người Mỹ gốc Việt tham gia sứ mệnh tàu con thoi NASA STS-50 với vai trò chuyên gia tải trọng. Sinh ra ở Sài Gòn, vào năm 2 tuổi, ông theo cha mẹ tới Paris, Pháp. Năm 18 tuổi, ông nhận học bổng toàn phần ở Mỹ và sau đó trở thành công dân Mỹ. Ông là Giám đốc Ban nghiên cứu khoa học vật lý tại trụ sở NASA. Gia nhập NASA, vào làm việc tại phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực từ năm 1979.

Là Trưởng bộ phận nghiên cứu về khoa học vật lý ở NASA, ông dẫn đầu nỗ lực phát triển chương trình khoa học thẩm định ngang hàng với phát minh tập trung vào tác động của trọng lực lên hệ thống thể chất, hóa học và sinh học. Kết quả của chương trình này sẽ cho phép loài người thám hiểm và phát triển vũ trụ, cung cấp khoa học cơ bản cho công nghệ cho phép nhân loại khám phá vũ trụ rộng lớn trong hệ mặt trời và vượt xa hệ mặt trời của chúng ta.


Bích vân - Hải Yến
Ý kiến của bạn