Người Việt ở Mỹ và tinh thần vì chủ quyền biển đảo Việt Nam

17-02-2015 08:00 | Thời sự

SKĐS - Tôi sang Mỹ hai lần. Lần đầu vào tháng 4/2013 khi cùng đoàn làm phim tài liệu Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời của Ðài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV)...

Tôi sang Mỹ hai lần. Lần đầu vào tháng 4/2013 khi cùng đoàn làm phim tài liệu Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời của Ðài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) sang Mỹ để tìm kiếm tư liệu và phỏng vấn các học giả Mỹ. Lần thứ hai vào tháng 10/2014 khi tôi được Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York mời tham gia thuyết trình trong chương trình Facing to the Ocean (Ðối diện đại dương) tổ chức tại 8 trường đại học ở vùng Ðông Bắc nước Mỹ. Cả hai chuyến đi này đều liên quan đến chủ đề biển đảo nên tôi có cơ hội gặp gỡ với những người Việt ở Mỹ rất quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Người đầu tiên là Trần Thắng ở thành phố West Harford (bang Connecticut). Anh là kỹ sư cơ khí, làm việc cho Công ty Pratt và Whitney chuyên sản xuất động cơ máy bay quân sự của Mỹ, đồng thời là Chủ tịch IVCE. Trong hai năm 2012 - 2013, Trần Thắng đã bỏ tiền túi mua gần 170 bản đồ và 4 cuốn atlas được xuất bản tại các nước Âu - Mỹ từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, là những tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và khẳng định Trung Quốc không có liên hệ gì với hai quần đảo này. Sau đó, anh đã trao tặng toàn bộ bản đồ và atlas này cho thành phố Đà Nẵng. Khi đoàn làm phim của HTV sang Mỹ để thực hiện bộ phim Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời, Trần Thắng đã làm thủ tục xin visa cho đoàn, đồng thời tích cực tìm kiếm các nguồn tư liệu để chúng tôi ghi hình, liên hệ với các học giả và chuyên gia về biển đảo ở Mỹ để chúng tôi phỏng vấn. Lần thứ hai thì Trần Thắng là tác giả của chương trình Facing to the Ocean, đưa phim tài liệu về biển đảo Việt Nam đến chiếu trong giảng đường đại học Mỹ và tổ chức các buổi thuyết trình về quan hệ hải thương Việt Nam trong các thế kỷ XVII - XVIII cho các học giả, giảng viên và sinh viên Mỹ cùng nghe. Suốt ba tuần đó, Trần Thắng xin nghỉ việc ở công ty, lái xe chở chúng tôi đi qua hơn 10 tiểu bang của nước Mỹ để thực hiện chương trình Facing to the Ocean.

​Học giả và sinh viên người Việt tại Mỹ chụp ảnh kỷ niệm với nhóm thực hiện chương trình Facing to the Ocean tại buổi chiếu phim và thuyết trình ở Ðại học New York.

​Học giả và sinh viên người Việt tại Mỹ chụp ảnh kỷ niệm với nhóm thực hiện chương trình Facing to the Ocean tại buổi chiếu phim và thuyết trình ở Ðại học New York.

Người thứ hai là GS. Huệ - Tâm Hồ Tài ở thành phố Boston (bang Massachusetts). Bà là giáo sư sử học của Đại học Harvard. Dù không phải là chuyên gia về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa nhưng do có quen biết rộng, GS. Huệ - Tâm đã giới thiệu cho chúng tôi những luật gia và học giả ở Mỹ am hiểu về vấn đề này. Bà cũng là người đã dùng ảnh hưởng của mình để thu xếp cho chúng tôi đến thư viện của Viện Harvard - Yenching thuộc Đại học Harvard để tìm kiếm và ghi hình những tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam đang lưu trữ ở đây.

Tại thư viện của Viện Harvard - Yenching, chúng tôi được cô Phan Thị Ngọc Chấn, người phụ trách thư mục Việt Nam trong thư viện này giúp chúng tôi tìm kiếm và ghi hình tư liệu. Từ thông tin của GS. Huệ - Tâm Hồ Tài, cô Ngọc Chấn đã chủ động tìm kiếm những tư liệu quan trọng mà đoàn làm phim quan tâm. Đó là bản gốc các hồ sơ liên quan đến lịch sử tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1887, Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản do các nước Đồng minh ký với Nhật Bản tại San Francisco (năm 1951), tư liệu về vụ đắm tàu Bellona của Đức (năm 1895) và vụ đắm tàu Imeji Maru của Nhật Bản (năm 1896) ở gần quần đảo Hoàng Sa, tư liệu về thời kỳ người Nhật chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa trong Thế chiến II... Nhờ sự giúp đỡ của cô Ngọc Chấn, chúng tôi đã có được những tư liệu rất quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang lưu trữ tại Mỹ. Tháng 10/2014, khi chương trình Facing to the Ocean được tổ chức tại Viện Công nghệ Massachusetts, cô Ngọc Chấn cùng chồng là TS. Nguyễn Bá Chung, chuyên gia về văn học Việt Nam đã tham dự nhiệt tình và tham gia thảo luận rất sôi nổi.

Ở Boston còn có TS. Tạ Văn Tài, nguyên giáo sư Luật khoa của Đại học Harvard. Từ nhiều năm qua, GS. Tạ Văn Tài đã quan tâm nghiên cứu vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và việc Trung Quốc tranh chấp chủ quyền này với Việt Nam trên góc độ pháp lý. Ông là một trong những học giả Việt kiều tiên phong đưa ra những luận điểm bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc đối với bức Công thư công nhận đường cơ sở 12 hải lý của Trung Quốc do Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho phía Trung Quốc vào năm 1958. TS. Tạ Văn Tài đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi về những vấn đề tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời đã cung cấp nhiều hồ sơ và chứng lý để phản biện và bác bỏ những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Cuối tháng 6/2014, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Hoàng Sa - Trường Sa. Sự thật lịch sử ở Đà Nẵng, TS. Tạ Văn Tài cũng về tham dự. Tham luận của ông tại hội thảo này đã thu hút sự quan tâm của các học giả quốc tế bởi những lý luận sắc bén trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa cũng như quan điểm ôn hòa của ông trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Từ Việt Nam trở về Mỹ, ông tiếp tục viết bài tranh luận với các học giả Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, công bố trên các tạp chí ở Mỹ và gửi về đăng tải trên báo chí trong nước. Năm nay, biết tin IVCE thực hiện chương trình chiếu phim và thuyết trình về biển đảo Việt Nam, TS. Tạ Văn Tài đã tham gia vào ban cố vấn, giúp Trần Thắng chọn phim để trình chiếu và chọn tên Facing to the Ocean cho chương trình. Ông cũng tích cực liên hệ với các trường đại học ở vùng Đông Bắc nước Mỹ để tìm kiếm tài trợ và xin phép cho chương trình được tổ chức trong giảng đường các đại học này.

Tại Washington D.C, chúng tôi gặp ông Trần Đình Hoành - luật sư về công pháp quốc tế và ông Ninh Văn Lợi - nhà sưu tầm bản đồ về chủ quyền biển đảo Việt Nam để phỏng vấn. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, cả hai ông đều đưa ra những kiến giải xác đáng về việc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng những giải pháp mà Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Tại thành phố Santa Ana (bang California), chúng tôi gặp ông Nguyễn Mạnh Trí - cựu Trung tá hải quân Việt Nam Cộng hòa, từng là sĩ quan tác chiến trong trận “hải chiến Hoàng Sa” đánh trả quân Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974. Ông Nguyễn Mạnh Trí đã bình luận khách quan về Công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và bác bỏ những luận điệu xuyên tạc Công thư này của phía Trung Quốc. Về trận “hải chiến Hoàng Sa”, ông Nguyễn Mạnh Trí chỉ trích người Mỹ đã hậu thuẫn cho Trung Quốc đánh chiếm quần đảo này vào tháng 1/1974. Ông bày tỏ: “Các chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu và hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974, cũng như các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận chiến biên giới 1979 và trận hải chiến tại Trường Sa 1988 để bảo vệ đảo Gạc Ma đều là anh hùng dân tộc, đáng được đồng bào quốc nội cũng như hải ngoại tri ân”.

Có một người tôi chưa hề gặp mặt mà chỉ liên lạc qua email và facebook - đó là nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Thị Vĩnh Tường ở bang California. Là một chuyên gia về mỹ thuật cổ, chị Vĩnh Tường đã nghiên cứu về những ảnh hưởng của mỹ thuật vùng Trung Đông đối với mỹ thuật Việt Nam và Đông Nam Á thời kỳ trung thế kỷ, qua đó đã phát hiện những vấn đề thú vị về vai trò của Việt Nam đối với “con đường tơ lụa trên biển”, một con đường giao lưu thương mại, văn hóa và mỹ thuật có sự đóng góp của nhiều quốc gia trên thế giới trong hàng thế kỷ, mà nay Trung Quốc đang đòi độc chiếm bằng cách đề nghị UNESCO công nhận đó là di sản văn hóa của Trung Quốc. Chị Vĩnh Tường đã viết bài, đưa ra nhiều tư liệu và luận chứng để phản bác đòi hỏi phi lý này của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các học giả Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng phối hợp với nhau thành lập một nhóm nghiên cứu về “con đường tơ lụa trên biển” nhằm khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc hình thành “con đường” này trong lịch sử, coi đó là một trong những biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trước mưu toan dùng văn hóa để mở rộng biên giới mà Trung Quốc đang thực hiện.

Hầu như bất kỳ nơi nào ở Mỹ mà tôi đặt chân đến trong hai chuyến đi vừa qua tôi cũng đều gặp những người Việt sẵn lòng giúp đỡ, hợp tác với tinh thần “vì chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Cũng có vài người vì lý do tế nhị nên không xuất hiện công khai trong các cuộc gặp mặt hoặc không đồng ý trả lời phỏng vấn của đoàn làm phim, nhưng lại âm thầm giúp đỡ chúng tôi tìm người trả lời phỏng vấn, tra cứu tư liệu về biển đảo Việt Nam trong các thư viện, văn khố ở Mỹ và cung cấp thông tin cho chúng tôi.

Có thể thấy rằng, dù ở trên nước Mỹ, với thiên kiến khác nhau, nhưng họ đều là những người quan tâm đến chủ quyền quốc gia. Và những gì họ dành cho chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông - Hoàng Sa - Trường Sa thực là đáng quý, đáng trân trọng.

Trần Đức Anh Sơn

 

 


Ý kiến của bạn