Thông tin trên được các chuyên gia của Nhật Bản và Việt Nam đưa ra tại hội thảo trực tuyến "Phòng chống lao và COVID-19 cho người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản" do VANJ phối hợp tổ chức ngày 24/4 cùng các bên liên quan gồm Nhóm Y học cộng đồng, Hiệp hội phòng chống lao của Nhật Bản (JATA) , Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu (NCGM) và mạng lưới thông tin TAIHEN.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam phát biểu khai mạc hội thảo trực tuyến livestream trên VANJ, Y học cộng đồng và TAIHEN.
Hội thảo trực tuyến chia sẻ những vấn đề khi tiếp cận với dịch vụ y tế dự phòng của người Việt Nam tại Nhật Bản trong đó có việc phòng chống, điều trị bệnh lao và tiếp cận với vắc xin COVID-19 tại Nhật Bản. Các diễn giả Việt Nam và Nhật Bản là những bác sỹ trực tiếp khám chữa bệnh cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản cũng như đang nghiên cứu về những chính sách hỗ trợ cho người nước ngoài bị lao hoặc COVID-19. Tại diễn đàn này, các diễn giả đã giải đáp thắc mắc liên quan tới chế độ BHYT và khám chữa bệnh lao cũng như tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho người Việt.
Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết cộng đồng người Việt trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ hai tại xứ sở hoa anh đào với gần nửa triệu người. Trong thời gian đại dịch, do tuân thủ và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa nên số lượng người Việt nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản không nhiều và chưa ghi nhận ca tử vong nào. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cộng đồng người Việt cũng đối mặt với các vấn đề về sức khỏe nên việc phổ biến phòng ngừa cũng hết sức cần thiết, đặc biệt là bệnh lao.
Đường dây nóng y tế hỗ trợ người nước ngoài ở Nhật Bản
Theo thống kê của Trung tâm Sức khỏe toàn cầu (NCGM) của Nhật Bản, Việt Nam là cộng đồng có số lượng người mắc lao cao nhất trong số những người nước ngoài tại Nhật Bản. Bệnh lao và COVID-19 là những căn bệnh đường hô hấp mà mọi người đều có thể gặp phải. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các dịch vụ y tế dự phòng của Nhật Bản để phòng ngừa, phát hiện sớm các căn bệnh trên còn gặp nhiều rào cản như ngôn ngữ, điều kiện tài chính, thông tin.
Tại Nhật Bản, nếu bị mắc lao phổi, bệnh nhân phải cách ly điều trị trong bệnh viện, nhiều người lao động tỏ ra lo ngại. Theo các chuyên gia y tế Nhật Bản, nếu nhập viện điều trị thì được BHYT chi trả 100% nên người lao động cần điều trị dứt điểm để có thể quay trở lại làm việc bình thường, tránh trường hợp phải về nước điều trị. Hơn nữa, theo quy định của Nhật Bản, bị lao phổi phải cách ly trong bệnh viện cho tới khi khỏi bệnh nên cũng không thể đi học, đi làm hay đi máy bay. Trong thời gian tới, VANJ cùng NCGM và JATA sẽ vận động các nghiệp đoàn ở Nhật Bản tạo điều kiện để người lao động Việt được hưởng các chế độ theo BHYT của Nhật Bản và tạo điều kiện để người mắc bệnh lao được điều trị tốt nhất, sau khi khỏi bệnh đi làm trở lại, đóng góp cho doanh nghiệp.
Chuyên gia y tế Nhật Bản chia sẻ sự khác biệt giữa lao và COVID-19 cho cộng đồng người Việt
Liên quan tới vấn đề tiêm vắc-xin COVID-19, quy định tại Nhật Bản là người dân, kể cả người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản có thể tự nguyện tiêm vắc-xin COVID-19. Việc tiêm vắc-xin COVID-19 là không bắt buộc nhưng sẽ được tiêm phòng miễn phí theo thứ tự ưu tiên cho nhân viên y tế và người già mắc bệnh nền trước tiên.
Nếu đến lượt bạn được tiêm phòng, Chính phủ Nhật Bản sẽ gửi thông báo, đến kỳ hạn được tiêm vắc-xin, người lao động cần phải liên hệ với cơ sở y tế để đặt lịch hẹn. Đây không phải là điều mà mọi người lao động Việt Nam tại Nhật Bản đều biết. Vì vậy mà trong thời gian tới, VANJ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng JATA, NCGM sẽ mở rộng tuyên truyền trên các kênh thông tin như mạng xã hội, cung cấp tài liệu tiếng Việt, hỗ trợ phiên dịch tiếng Việt để giúp người Việt tiếp cận thông tin, có thể đăng ký tiêm vắc-xin COVID-19 cũng như khám định kỳ, điều trị lao triệt để giảm thiểu tổn thất kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Qua khảo sát trên 2062 người Việt tại Nhật Bản, 93,5% muốn tiêm ngừa COVID-19 nhưng có đến 60% không biết sẽ được tiêm miễn phí. Nhiều người lao động lo lắng không biết cách đặt lịch hẹn tiêm chủng, tác dụng phụ khi tiêm phòng vắc-xin. Giải đáp thắc mắc, các chuyên gia y tế của Nhật Bản và Việt Nam cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã có chế độ BHYT cho người bệnh nếu xảy ra tác dụng phụ khi tiêm phòng COVID-19. Vì vậy mà cộng đồng người Việt hoàn toàn yên tâm bởi tiêm phòng vắc-xin COVID-19 lẫn việc xử trí tác dụng phụ (nếu có) sau tiêm đều miễn phí.
Trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp cùng VANJ (Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản), nhóm Y học cộng đồng và mạng lưới thông tin TAIHEN sẽ hỗ trợ cộng đồng người Việt nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động và du học sinh tại Nhật Bản.