Người Việt Nam đầu tiên trong Hội đồng tư vấn phòng chống lao của WHO

27-02-2017 15:19 | Quốc tế
google news

SKĐS - PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung là Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)...

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung là Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về phòng chống bệnh lao - đây là cơ quan cao nhất của WHO về cơ chế điều hành, hoạch định chiến lược phòng chống lao. Nhân dịp 27/2, phóng viên báo Sức khỏe&Ðời sống đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông về nghề và nghiệp.

Một đời trăn trở vì sự nghiệp chống lao

Phóng viên (PV): Chỉ còn vài tháng nữa là tròn 1 năm ngày ông được vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào một cơ quan chuyên ngành cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về phòng chống lao, nơi sẽ quyết định chiến lược và cơ chế điều hành cho chống lao toàn cầu. Chúng ta đã làm được những gì cho cuộc chiến với bệnh lao ở Việt Nam và trên thế giới, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung: Lần đầu tiên tôi tham dự cuộc họp với tư cách là một thành viên của Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật chống lao. Cho đến nay, chương trình chống lao toàn cầu của WHO đã có những cuộc vận động toàn cầu để thế giới quan tâm hơn tới bệnh lao, những hậu quả của bệnh để tiến tới kết thúc bệnh lao. Đây là mục tiêu rất cao nhưng đầy khó khăn, thách thức. Vào tháng 11 năm nay, tại Moscow sẽ có Hội nghị cấp bộ trưởng của các thành viên WHO họp bàn về cách thức kết thúc bệnh lao, sang năm 2018 sẽ có một cuộc họp của LHQ về ứng phó với bệnh lao và lao kháng thuốc. Đây là cuộc họp thứ 5 trong lịch sử của LHQ bàn về một loại bệnh. Trước đó, LHQ đã từng họp bàn về HIV, Ebola, các bệnh không lây nhiễm, kháng thuốc và sắp tới là bệnh lao.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung (ngoài cùng bên phải, đang ngồi) và Hội đồng tư vấn phòng chống lao của WHO.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung (ngoài cùng bên phải, đang ngồi) và Hội đồng tư vấn phòng chống lao của WHO.

Trong lĩnh vực phòng chống lao, Việt Nam là một tấm gương sáng. Giám đốc Chương trình phòng chống lao toàn cầu đã mời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ về những thành công của Việt Nam với các nước trên thế giới. Đóng góp về mặt kỹ thuật, tôi là người cũng trực tiếp tham gia. Đến giờ phút này, chúng ta đã có bước tiếp cận theo hướng chính xác trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao, tức là cung cấp một liệu trình điều trị chuẩn xác nhất. Để làm được điều này, phải biết được tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn lao trước khi người thầy thuốc kê đơn, điều này đặt ra một thách thức lớn về mặt xét nghiệm. Đây là cách tiếp cận toàn cầu về mặt kỹ thuật có tính đột phá. Thế giới hiện nay còn đang xem xét điều trị sớm, ngay từ khi bệnh nhân có nguy cơ nhiễm lao, không đợi đến khi người bệnh mắc lao mới chữa. Tôi hy vọng với cách thức này sẽ làm giảm nhanh số người mắc lao. Hiện chúng ta có thể điều trị được cả những trường hợp muộn hoặc kháng thuốc bằng các phác đồ mới.

Về phía Việt Nam, tôi cho rằng công tác phòng chống lao nhận được rất nhiều sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương từ việc ban hành chính sách, tăng khả năng tiếp cận của người dân trong phòng chống lao, áp dụng các kỹ thuật mới, điều trị theo phác đồ... Trước đây, những trường hợp lao siêu kháng thuốc nguy cơ tử vong rất cao nhưng nay chúng ta đã điều trị hiệu quả. Năm 2016, chúng tôi đã điều trị hơn 100 bệnh nhân tiền siêu kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc rất hiệu quả.  Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ điều trị lao tiềm ẩn, tức là nhiễm lao nhưng chưa mắc bệnh lao.

Một thành công nữa của Việt Nam là vận động được nhiều nguồn nhân lực và tài chính để chống lao. Theo thống kê, 70% số người mắc lao là người nghèo, mà bệnh lao cần điều trị dài ngày, nhiều người bệnh không theo đuổi được phác đồ điều trị. Vào tháng 3 tới, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao ra đời sẽ giúp người bệnh được chữa bệnh lao và chữa khỏi. Hay như năm 2017, chúng ta đã vận động được Quỹ toàn cầu hỗ trợ 3 triệu USD, đây là một nguồn lực lớn để chúng ta có thể áp dụng được kỹ thuật theo khuyến cáo của WHO tiến tới xóa bỏ bệnh lao theo Chiến lược quốc gia phòng chống lao.

Một trong những thành công phải kể đến là Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia rất giỏi và tâm huyết, đây là một nền tảng lớn của chương trình chống lao Việt Nam. Chúng ta có mạng lưới phòng chống lao chặt chẽ, đông đảo và ngày càng mở rộng  với trên 19.000 cán bộ trong phạm vi toàn quốc, hiện đang mở rộng sang các bệnh viện đa khoa, kể cả hệ thống nhi khoa, chuyên khoa khác, y tế tư nhân cùng tham gia.

PV: Điều gì làm ông trăn trở, day dứt nhất trên cương vị của mình - một bác sĩ chống lao?

Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là số người chết vì bệnh lao còn quá nhiều. Theo thống kê của WHO, năm 2016, tại Việt Nam, số người chết do lao là 17.000 người, gấp đôi số tử vong vì tai nạn giao thông.

Những cái chết vì bệnh lao rất thầm lặng bởi khi đã mắc bệnh này, người bệnh không chết ngay lập tức mà nó từ từ, dai dẳng, kéo dài, thậm chí âm thầm gây hậu quả không chỉ với cá nhân đó mà với cả cộng đồng.  Một trong những điều khiến bệnh lao vẫn đeo bám xã hội đến nay là do người bệnh chủ quan mặc dù đây là bệnh có thể chữa được. Thứ 3 là xã hội còn kỳ thị rất nhiều về bệnh lao, người bệnh và người thân ai cũng muốn giấu bệnh. Tất cả những điều này khiến công tác phòng chống lao gặp nhiều khó khăn, không tạo được sự quan tâm cần thiết của xã hội cũng như dư luận xã hội.

Hiện nay, chúng ta có đủ phương tiện để chẩn đoán nhanh, chính xác, có thuốc chữa, kể cả với lao kháng thuốc. Con số chết vì lao tới 17.000 người là một con số không thể chấp nhận được đối với cá nhân tôi và đối với cả xã hội. Tại sao chúng ta có đủ phương tiện mà vẫn có rất nhiều người chết vì bệnh lao, cần phải làm điều gì đó để thanh toán được bệnh lao bởi không ai đáng chết vì bệnh lao.

Điều trăn trở nữa tôi luôn đau đáu là làm sao để cải thiện đời sống của cán bộ làm công tác chống lao, đặc biệt là những người làm ở tuyến xã, huyện. Trong khi chúng ta đang rất thiếu nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực phòng chống lao, nhiều cán bộ mặc dù rất tâm huyết, có sức khỏe nhưng đến tuổi nghỉ hưu, chúng ta chưa có một cơ chế nào để tiếp tục huy động được nguồn lực quý báu này.

Tất nhiên những trăn trở của tôi còn rất nhiều như làm thế nào để đưa những phương thuốc mới, những kỹ thuật hiện đại với một giá thành thấp... đến với người bệnh.

“Luôn mong muốn làm được điều tốt nhất cho người bệnh”

Ấn tượng của tôi là cứu được cháu bé như một kỳ tích, đây là kết quả của một sự hiệp đồng của tất cả các “mũi tấn công” trong bệnh viện. Đó chính là khởi nguồn của cơ chế phối hợp “Báo động đỏ” trong bệnh viện của chúng tôi hiện nay. Có nhiều trường hợp đã được cứu sống nhờ quy trình này.

Trong những thời điểm đặc biệt, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, chúng ta là những người khỏe mạnh thì chúng ta có thể đợi. Còn người bệnh họ không thể chờ đợi bởi nếu phải chờ một phương pháp điều trị, một kỹ thuật mới, có thể họ sẽ mất cơ hội khỏe mạnh trở lại, thậm chí mất đi cả tính mạng. Đó là điều mà một người thầy thuốc luôn trăn trở, lúc nào cũng muốn làm được điều có ích cho người bệnh.PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung.

PV: Thưa ông, hiện nay cứ nói đến thầy thuốc và bệnh nhân, người ta thường liên tưởng đến mối quan hệ “người trên - kẻ dưới”. Vừa là bác sĩ lại là một nhà quản lý, ông thấy mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân hiện nay thế nào? Làm thế nào để cải thiện mối quan hệ đó và ngày càng nâng cao y đức của người thầy thuốc?

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung: Ai cũng muốn có một mối quan hệ tốt đẹp, nhất là giữa người thầy thuốc và bệnh nhân. Cá nhân tôi luôn tin tưởng vào một mối quan hệ tốt đẹp giữa người thầy thuốc và bệnh nhân, kể cả ở bệnh viện của chúng tôi hay các bệnh viện khác. Tuy nhiên, tôi cũng không phủ nhận, ở đâu đó vẫn còn có những tiêu cực khiến dư luận bất bình trong mối quan hệ này như các phương tiện truyền thông đã đăng tải. Đáng buồn là những trường hợp đó không phải cá biệt. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã ra thông tư về “Thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế để làm hài lòng người bệnh”.

Theo tôi, để gây dựng một mối quan hệ cần phải xuất phát từ nhiều phía. Thứ nhất, xuất phát từ người thầy thuốc. Đã là thầy thuốc phải có cảm xúc, họ phải cảm được nỗi đau của người bệnh. Với xúc cảm đó, người thầy thuốc sẽ không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để có thể áp dụng vào người bệnh của mình với một tinh thần, trách nhiệm cao nhất, bởi nếu đã làm hết khả năng, trách nhiệm của mình bao giờ cũng đem lại sự thanh thản cho người thầy thuốc. Tôi thường nói với anh em, đồng nghiệp là hãy coi người bệnh là những người thân của mình, tốt hơn hết  là coi người bệnh là những người thân mà khó tính. Từ đó, người thầy thuốc sẽ chấp nhận sự khó tính của người bệnh một cách bao dung hơn và cảm thông hơn.

Thứ hai, với góc độ của nhà quản lý, tôi cho rằng cần tạo ra một môi trường làm việc mà người cán bộ y tế phải được tôn trọng cả về giá trị tinh thần và đảm bảo về vấn đề thu nhập.

Điểm thứ 3, từ phía người bệnh, mỗi người cần có một trách nhiệm cao nhất cho sức khỏe của mình, tránh những định kiến áp đặt, những tư tưởng không đúng với người thầy thuốc khiến có tâm lý “cứ gặp thầy thuốc phải cảnh giác”. Tôi mong muốn mỗi người bệnh cần tôn trọng người thầy thuốc - những người đang chữa bệnh cho mình. Có thái độ tôn trọng, thông cảm ngay giữa những người bệnh với nhau. Bởi nếu người bệnh nào đến bệnh viện cũng muốn được khám ngay, khám trước thì năng lực của bệnh viện không thể đáp ứng. Bác sĩ sẽ quyết định trường hợp nào phải cấp cứu và được khám trước, trường hợp nào khám sau.

Thứ 4 là về truyền thông xã hội. Tôi rất tâm đắc với quan điểm của Bộ trưởng, truyền thông về y tế phải là truyền thông sạch và có trách nhiệm. Cần có một góc nhìn công bằng và có tính khoa học với ngành y. Khi xảy ra tai biến y khoa, cần có cái nhìn khách quan, công bằng, sai đến đâu xử lý đến đó.

Tôi mong rằng mối quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân sẽ có những cải thiện bền vững. Những cải thiện ấy không chỉ là thay đổi hành xử trong đạo đức xã hội. Tôi mong rằng chúng ta cần có những hành lang pháp lý để bảo vệ người thầy thuốc. Gần đây, chúng ta được nghe thấy nạn bạo hành y tế, nó chứng tỏ mối quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân trở nên xấu đi. Một người thầy thuốc bị bạo hành ngay tại bệnh viện - điều đó không thể chấp nhận được dù bất cứ lý do gì. Chúng ta cần có một hành lang pháp lý để bảo vệ cho mọi người trong các quan hệ ứng xử, điều này sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các phía.

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!


Hải Yến (thực hiện)
Ý kiến của bạn