Cuộc sống chan hòa, đoàn kết, các nét văn hóa giao thoa như một minh chứng sống động, bền bỉ, sắt son cho nghĩa tình hai dân tộc Việt - Lào. Lúc nông nhàn hay ngày đầu năm cũng là lúc để cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất này thắt chặt hơn tình cảm và cùng hướng đến một cuộc sống ấm no, tràn trề sinh lực với bao dự định mới, hoài bão mới.
Bén duyên trên quê mới
Trong nắng chiều vàng óng bên dòng Sê-rê-pốc phóng khoáng, ầm ào, gương mặt ông Kẹo Pha Lung bừng lên niềm kiêu hãnh khi kể về chuyện xưa lẫn chuyện nay. Xưa, bố ông là dũng sĩ săn và thuần dưỡng voi Kẹo Pha Phun dắt ông rong ruổi qua những cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm, những con suối mát trong cạnh kề buôn làng. Cuộc sống quyện hòa trong không gian đậm đầy nghĩa tình. Mỗi chú voi được thuần dưỡng đều tươi vui với ánh mắt trong veo, thân thiện, hồ hởi và như một thành viên trong gia đình, dòng tộc. Cũng trong một lần, vào những ngày tiết thanh minh, đầu năm, rong ruổi qua vùng đất Buôn Đôn giao thương hàng hóa, Kẹo Pha Lung mê mẩn với tiếng chiêng và những điệu múa của những cô gái Ba Na ở Buôn Đôn nên quyết tâm ở lại lập nghiệp trên quê mới và nên duyên với H’Bột. Các thế hệ con cháu của ông mang hai dòng máu Việt-Lào sinh trưởng trên mảnh đất Buôn Đôn.
Trong nhiều lễ hội, người Việt gốc Lào lại cùng các dân tộc anh em bàn cách huấn luyện, bảo tồn voi.
Những người Lào đến định cư đầu tiên ở xã Krông Na như ông Kẹo Pha Lung, Kẹo Phá Lào, Lai Văn Lào… giờ không còn nhiều nhưng các thế hệ sau đều như sợi dây kết nối, tiếp nhận, gìn giữ những giá trị đặc sắc nên nghĩa tình ngày càng bền chặt hơn. Nhìn những khu hàng hóa đa dạng sắc màu với đầy đủ các sản phẩm đặc trưng của người Êđê, M’nông, Lào ở Buôn Trí A (xã Krông Na), anh Khăm Thanh tự hào: Cha mình đến dạy cách thuần dưỡng voi cho các nài voi người Êđê, trực tiếp điều khiển voi tham gia các cuộc đua nữa, sau đó lấy vợ người Êđê rồi sinh ra mình, giờ mình lại nên duyên với một cô gái Êđê nên mỗi ngày đều thấy mình may mắn được tiếp cận, thu nhận nhiều nét văn hóa độc đáo của cả hai dân tộc. Lúc nông nhàn hay các ngày lễ hội, những gia đình người Việt gốc Lào chúng tôi lại quây quần bên nhau ôn lại những giá trị truyền thống của hai dân tộc. Cũng bởi quyện hòa nên giờ đây nhìn qua khó có thể phân biệt đâu là người gốc Lào đâu là người Êđê. Mỗi lần quây quần như thế, mỗi người còn tỏa bày kinh nghiệm làm rẫy cũng như cách bảo vệ những cây dược liệu quý mà vẫn còn tồn tại dọc dài trên mảnh đất Buôn Đôn.
Trong những câu chuyện kể của cha mình là ông Nay Hon về một Tây Nguyên hùng vĩ, anh hùng với những con người chất phác, hồn hậu, khát vọng được đắm mình trong không gian ấy lớn dần trong tâm tưởng Nay Hiêng Lào. Vào tuổi trưởng thành, Nay Hiêng Lào nên duyên với cô gái Êđê H’Pót và quyết định truyền trao mọi kỹ năng luyện voi lẫn những bài dân ca đặc sắc của Lào như: Lăm tơi khõng, Lăm pu thay, Loi ka thông… cho những chàng trai, cô gái Êđê lẫn những người Việt gốc Lào khác đang sinh sống ở Krông Na. Đó như là món ăn tinh thần đặc sắc khiến xua tan đi những nhọc nhằn thường nhật trong cuộc sống lao động, sản xuất.
Từ những đêm vang dội tiếng cồng chiêng, nhiều người bạn của Nay Hiêng Lào ở tận Păk Xế, Chăm Pa Săk, Pha Ra Khệt… sang thăm Krông Na cũng bén duyên với quê hương mới. Nay Hiêng Lào thường tâm tình với những người bạn gốc Lào của mình rằng: Dân tộc Việt và Lào bao đời nay gắn bó, đỡ đần, thương yêu nhau nên được định cư lại Buôn Đôn cũng hạnh phúc như chính quê nhà mình vậy. Đặc biệt hai câu thơ: Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long hầu như tất cả người Việt gốc Lào cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở Buôn Đôn nói riêng và Việt Nam nói chung đều thuộc lòng. Họ xem đó là minh chứng sống động về tình nghĩa gắn kết của mình.
Người Việt gốc Lào hòa mình cùng các dân tộc khác trong những điệu chiêng vang cả núi rừng.
Sâu sắc thêm tình hữu nghị
Vừa tiễn người thân của mình về A-ta-pư, anh Nay Hiêng Lào vừa hát vang một bài làn điệu dân ca mới. Hiêng Lào khoe rằng: Mình vừa được người thân bên Lào dạy thêm cho mấy làn điệu dân ca truyền thống của Lào và ngược lại, mình truyền thụ cho họ rất nhiều bài chiêng, điệu múa của người Êđê. Người Lào rất tự hào về những di sản phi vật thể của Việt Nam còn chúng tôi thì đã xem Buôn Đôn thực sự là quê hương của mình từ lâu rồi. Dẫu thế hệ những người Lào gốc đầu tiên sang định cư ở Krông Na chỉ còn ít người nhưng cứ ít lâu những người Lào gốc Việt lại quay về thăm bản quán xưa và họ hàng của họ vẫn thường xuyên sang Buôn Đôn thăm người thân của mình.
Đã nhiều năm trôi qua, năm nào trong mâm cơm mới đầu năm gia đình chị H’On Kẹo Lào ở Buôn Trí B (xã Krông Na) cũng nấu đầy đủ cả món ăn truyền thống của người Việt lẫn người Lào. Chị Kẹo Lào tâm tình rằng: Mình sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, lấy chồng người Êđê, thấm sâu mọi nét văn hóa tốt đẹp của Việt Nam nhưng cũng được cha mẹ dặn kỹ các món ẩm thực, các nét đẹp của Lào để còn mang ra giao lưu và trao truyền cho con cái sau này. Con mình sinh ra được học thêm cả tiếng Lào, văn hóa, tập quán của Lào nữa nên càng thích. Ở đây, chuyện người Êđê lấy người Lào, người Lào lấy người M’Nông chẳng phải là chuyện hiếm hoi nữa. Tình nghĩa chan hòa, mọi ranh giới như được xóa đi. Điều ấy càng khiến hai bên biên giới gắn kết nhau, hiểu nhau hơn. Đã từ lâu chúng tôi đều có chung ý nghĩ, Việt Nam và Lào đều là quê hương mình cả.
Hòa mình trong cuộc sống dung dị, gần gũi với cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở Buôn Đôn suốt bao năm, Nay Hiêng Lào cũng nghiệm ra rằng: Gian khó nào rồi cũng qua hết, cứ chăm chỉ làm việc và thương yêu, giúp đỡ mọi người quanh mình thì sẽ thấy trong lòng lúc nào cũng vui như mùa hội cả. Con gái Nay Hiêng Lào thỉnh thoảng về thăm chú, bác bên nước Lào cứ tíu tít kể chuyện ở Buôn Đôn, ở Tây Nguyên.
Theo UBND xã Krông Na thì: Để làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai dân tộc, tình đoàn kết bền chặt giữa các buôn làng thì hàng năm, ngoài việc tổ chức các lễ hội đầm ấm, vui tươi cho tất cả cộng đồng các dân tộc thì chính quyền các cấp của Đắk Lắk còn tổ chức Tết Bun-pi-may (Tết cổ truyền của người Lào diễn ra vào giữa tháng 4) cho những người Việt gốc Lào. Các nghi lễ truyền thống của Lào sẽ được tái hiện như: Hành lễ Phật và cầu chúc năm mới, lễ Tắm Phật, đắp tháp cát, buộc chỉ cổ tay…
Khu người Việt gốc Lào khang trang và đa dạng các sản phẩm đặc trưng của nhiều dân tộc.
Cùng vun đắp khát vọng mới
Nhìn làng đảo xưa (nay là Buôn Trí A, Buôn Trí B) khang trang, Nay Hiêng Lào chia sẻ khát vọng của mình rằng: Từ năm 2018 này, chúng tôi ngồi lại cùng các dân tộc anh em khác quyết không để có thêm giá trị truyền thống nào bị mai một nữa. Đặc biệt là với đàn voi nhà và những bộ chiêng quý, những làn điệu dân ca của người Lào lẫn người Việt. Mỗi lần nhìn cư dân khắp mọi miền Tổ quốc, kể cả thế giới đổ về Tây Nguyên để chiêm ngưỡng voi, lắng nghe cồng chiêng càng thấy đó là tài sản vô giá. Voi cũng như người vậy, khi không gian dành cho voi không bị xâm hại, voi không bị dồn đuổi thì rất hiền hòa với con người. Voi không sợ những bước chân lạ nếu không mang theo tà tâm hủy hoại thiên nhiên. Những tiếng chiêng cũng sẽ ngân cao hơn, vang vọng hơn dưới bàn tay điêu luyện của những nghệ nhân biết dốc hết tâm lực cho chiêng. Những kỹ năng về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi, nghệ thuật chế biến những món ẩm thực độc đáo như: rượu A-ma-kông, rượu cần… cũng sẽ được truyền kể sống động trong những đêm nồng đượm nghĩa tình để khơi dậy khát vọng khắc ghi, gìn giữ đối với thế hệ trẻ.