Người Việt dùng hàng Việt: Nỗ lực để hoàn thành mục tiêu kép trong dịch COVID-19

26-09-2021 21:40 | Thị trường

SKĐS - Những năm gần đây, việc lựa chọn các sản phẩm hàng Việt đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng của nhiều người. Khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tinh thần ủng hộ hàng Việt ngày càng tăng cao.

Sức mua giảm dù gần 70% người Việt Nam ưa chuộng hàng Việt do ảnh hưởng dịch COVID-19

Người Việt dùng hàng Việt: Nỗ lực để hoàn thành mục tiêu kép trong dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng Việt được bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy).

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ 60-80% trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hệ thống bán lẻ hàng Việt hiện đại đang mở rộng nhanh chóng; gần 70% người Việt Nam vẫn ưa chuộng, ưu tiên tiêu dùng hàng nội địa.


Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các mặt hàng sản xuất trong nước không có biến động nhiều về giá, hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả. Ngay cả trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, vẫn có nhiều sản phẩm mới chinh phục thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản mùa dịch.


Dù vậy, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,8%).

Dự báo về doanh thu của thị trường bán lẻ trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, dịch COVID-19 khiến thu nhập của người dân giảm sút, lạm phát tăng cao nên trong thời gian tới hàng Việt sẽ phải đối mặt tình trạng sức mua tiếp tục sụt giảm.

Phân tích về những khó khăn doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt do dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, việc giãn cách xã hội, ngừng hoạt động nhiều dịch vụ khiến lượng người đi mua sắm sẽ ít hơn. Ngoài ra, thu nhập của người tiêu dùng giảm sút nên nhu cầu tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng chỉ mua các mặt hàng ăn uống tiêu dùng thiết yếu, còn các mặt hàng như: May mặc, điện máy, đồ gỗ... rất ít người quan tâm. Sức tiêu thụ giảm đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng, hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh.

Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho hay, hiện ngành bán lẻ đang rất khó khăn khi doanh thu sụt giảm từ 15% đến 20%, trong đó ngành hàng điện máy giảm khoảng 30% đến 40%; nhóm thương mại dịch vụ, hệ thống cửa hàng ăn uống, giải khát giảm 70% đến 80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.

Hàng Việt nỗ lực tăng thị phần và vị thế

Người Việt dùng hàng Việt: Nỗ lực để hoàn thành mục tiêu kép trong dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) kết nối với các nhà sản xuất trong nước đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.



Mặc dù 67% người tiêu dùng Việt Nam xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, nhưng hiện một số sản phẩm Việt tại thị trường nội địa chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã. Để hàng Việt vượt "bão" COVID-19, nâng sức cạnh tranh với các hàng hóa nhập khẩu cùng phân khúc, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hóa, nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh phù hợp thực tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Thành Phương đề nghị, các doanh nghiệp Việt cần nâng tiêu chuẩn của sản phẩm sản xuất ngay từ khâu trồng trọt, sản xuất, tạo thành nguyên liệu cho đến khi ra thành phẩm. Doanh nghiệp cần hình thành các chuỗi sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đặc biệt là đối với lĩnh vực nông sản. Về phía các bộ, ngành chức năng, cần có chính sách hỗ trợ, phát triển nhanh các tập đoàn phân phối bán lẻ đủ sức cạnh tranh trên thị trường, mở rộng cửa đón hàng Việt phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, bảo đảm lợi ích cho nhà sản xuất Việt một cách công bằng, minh bạch và ổn định lâu dài.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm, doanh thu giảm sút do dịch COVID-19, các doanh nghiệp quản lý khai thác hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong đó có Hapro đang rà soát lại hệ thống bán lẻ để lại những điểm bán hàng tốt, đồng thời cũng giảm bớt những điểm bán hàng không phù hợp, nhằm giảm chi phí không cần thiết.

Thực tế cho thấy, để tiêu thụ hàng Việt, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, người nông dân đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm, hàng Việt chất lượng cao, được cơ quan quản lý nhà nước giám sát. Bà Vũ Thị Hậu cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ cần bắt nhịp được với các xu thế của thị trường như phát triển bán hàng đa kênh, đẩy mạnh mua sắm online, củng cố lại tất cả hệ thống bán lẻ, chất lượng; đồng thời, cần chung tay cùng các nhà cung cấp để xây dựng những chương trình quảng cáo thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng trong nước; ngoài ra, cần phải chú ý cập nhật các thành tựu công nghệ, xu hướng thị trường, đặc biệt là gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng theo hướng xây dựng giao diện thân thiện, đáng tin cậy và thuận lợi hơn cho khách.

Để khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt tiếp cận thị trường mới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực tổ chức quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết và hợp tác với doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp bán lẻ “bắt tay” chặt hơn với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, đủ tiêu chuẩn chất lượng để thỏa mãn nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu; phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng... Doanh nghiệp Việt cũng cần nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, các phần mềm nghiệp vụ; thực hiện đồng bộ các biện pháp về nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến thương mại. Từ đó, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể nói, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang tạo ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội, hàng Việt Nam sẽ khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngày càng được tin dùng và phát triển.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.



Tuấn Nguyễn
Ý kiến của bạn