Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thuốc lá được chỉ ra là “thủ phạm” gây ra khoảng 40.000 ca tử vong tại Việt Nam mỗi năm với hàng loạt căn bệnh như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính...
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Có tới 21,6% nam thanh niên từ 16-24 tuổi là người hút thuốc. Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2010 cho thấy, tại Việt Nam, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới Việt Nam. Hơn 90% các mắc ung thư phổi ở nam giới nước ta có liên quan đến sử dụng thuốc lá.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, theo nghiên cứu của Viện chiến lược và Chính sách Y tế, năm 2012, người Việt Nam đã bỏ ra khoảng 22.000 tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mát khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh gồm ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hoá trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ ở Việt Nam năm 2011 là trên 23 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,91% tổng GDP của cả nước).
Cũng theo ông Khuê, tổng kết báo cáo của 1.200 bệnh viện cho thấy các bệnh không lây nhiễm chiếm 67-73% số người bệnh đang nằm viện điều trị, gây quá tải cho hệ thống y tế. Trong đó chủ yếu là do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây nên: tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ; 97,8% các bệnh ung thư phổi là liên quan đến thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
BS Nguyễn Tuấn Lâm đến từ Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết thêm thông tin trong năm 1990, lượng thuốc lá người Việt sử dụng rất ít, chỉ hơn 1 tỷ bao. Còn với 5 tỷ bao tiêu thụ vào năm 2013 thì đợi 20-30 năm nữa hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Cùng với già hóa dân số, các bệnh ung thư, chuyển hóa, tim mạch sẽ rất nặng nề, tốn kém.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thuốc lá được chỉ ra là “thủ phạm” gây ra khoảng 40.000 ca tử vong tại Việt Nam mỗi năm với hàng loạt căn bệnh như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính... Đáng nói, không chỉ người hút mà những người không hút thuốc lá nhưng bị phơi nhiễm với khói thuốc (hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động) cũng có nguy cơ phải gánh chịu những rủi ro bệnh tật từ thuốc lá giống như người hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Trẻ em phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động nếu người mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai, hoặc nếu mẹ là người hút thuốc thụ động, hoặc trẻ sống với người hút thuốc. Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhậy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ mà có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ.
Đó là Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, các vấn đề về hô hấp (viêm đường hô hấp cấp tính, các triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính), bệnh tai giữa và cắt amidan do viêm, các triệu chứng hen, ảnh hưởng xấu đến phát triển chức năng phổi. Các bằng chứng hiện có đủ để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa bố mẹ hút thuốc và bệnh tai giữa bao gồm bệnh viêm tai giữa tái phát và cấp tính và chảy mủ tai mãn tính.
Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30 % so với những người không hút thuốc cả chủ động và thụ động.Các bằng chứng khoa học hiện tại cũng thể hiện mối liên quan giữa hút thuốc lá thụ động và ung thư vú và ung thư xoang mũi. Tuy nhiên chưa đủ bằng chứng để kết luận hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân gây ra hai ung thư này. Không chỉ dừng ở đó, hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25 đến 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ.