Người sống trở về. Người chết cũng trở về. Ngày Tết, ở các làng quê, người ta thường dựng trước cửa nhà một cành phan. Trên ngọn phan phất phơ mấy lá tre, mấy tua vải xanh đỏ. Đấy là những tín hiệu để linh hồn người chết nhận ra đường mà trở về với con cháu.
Ấy vậy mà không ít người còn đang sống, ngày Tết vẫn không về được quê hương. Đó là những người xa xứ. Tết không về quê được thì đành mang cái Tết quê đi theo.
Tôi chợt nhớ đến những bạn bè hiện đang xa xứ. Năm nay là năm thứ bao nhiêu họ đón Tết xa nhà? Kim Ngân - bà chủ cửa hàng đặc sản Ngân Tính ở thành phố Sveril, một phụ nữ xinh đẹp và trẻ trung vừa điện thoại cho tôi: “Em nhớ cái Tết quê lắm. Nhưng năm nay vẫn chưa thể về quê được. Còn phải cùng bà con đón Tết ở bên này. Bây giờ có điều kiện hơn, người Việt ở đây chẳng thiếu thứ gì. Nhưng vẫn không sao có được một cái Tết trọn vẹn”.
Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: Báo Nhân Dân
Cảm giác của Kim Ngân cũng như tâm trạng của hầu hết đồng bào ta ở xa Tổ quốc. Những người cùng cảnh ngộ nên dễ hiểu nhau. Tôi không biết bà con ta ở nước Đức thế nào? Còn hồi tôi ở Nga, người Việt đón Tết tẻ lắm, mặc dù ở Nga, người Việt đón đến... 2 cái Tết: Tết tây và Tết ta. Tết tây là ngày mồng Một tháng Một dương lịch. Người Nga chỉ nghỉ Tết 1 ngày. Chính vì thế mà cái Tết vèo qua rất nhanh. Đối với người Việt còn chưa quen phong tục ấy thì nó như một giấc mơ đẹp dang dở. Nhưng để có giấc mơ ấy, người Nga đã rục rịch chuẩn bị trước hàng tháng trời. Trên đường phố hay trong các cửa hàng, cửa hiệu, vào trung tuần tháng Chạp, người ta đã thấy phấp phới những tấm băng đỏ chào mừng năm mới. Rồi những cây thông nhựa treo bùng biêng những ông già Tuyết, những quả thuỷ tinh nhóng nhánh nhiều màu. Rồi kẹo. Rồi bánh. Rồi đồ chơi dành cho trẻ con. Nhìn vào đâu cũng tưng bừng, náo nhiệt. Ở Việt Nam, ngày Tết, người ta thường đến nhà nhau, thăm hỏi, chúc tụng, cầu cho nhau luôn gặp được những điều tốt lành. Mình đến nhà bạn chúc Tết, trong khi bạn cũng lại đến nhà mình. Thế là cả hai đều không gặp được nhau, đều nhông nhông trên đường. Nhưng như thế lại vui. Tết mà. Tết Việt Nam là thế. Là cứ bung ra đường. Tết ở ngoài đường, ngoài phố. Còn ở nước Nga thì ngược lại. Người ta ít ra đường, cũng không đến nhà nhau. Tết Nga lại co vào trong nhà. Đấy là cái tổ ấm chỉ vợ chồng, con cái bù khú với nhau. Người ta cũng bày cây thông, trang trí lại nhà cửa, nấu những món ăn cổ truyền. Người Nga không thích tiếp khách trong nhà riêng vào những ngày Tết ấy. Đúng khoảnh khắc giao thừa, người ta chúc nhau qua têlêphôn hoặc qua những cánh thiếp đã gửi đi từ mấy ngày trước đó. Còn ở các ký túc xá sinh viên có người nước ngoài thì thật náo nhiệt. Họ nhảy múa, ca hát tưng bừng ở trong phòng, rồi tràn cả ra hành lang chói chang ánh điện. Một anh chàng xúng xính trong bộ áo quần ông già Tuyết, chống cây gậy bịt giấy bạc đi dọc hành lang. Phía sau là một cô gái Tuyết lộng lẫy, tay xủng xoẻng lắc sắc sô, vừa đi vừa nhún nhảy, gặp phòng nào cũng gõ cửa, rồi ném kẹo vào. Ấy là món quà đầu xuân của ông già Tuyết.
Vào một ngày như thế, tôi tìm đến ký túc xá của sinh viên Việt Nam ở Trường đại học Tổng hợp Matxcơva. Khi cuộc vui tàn thì trời đã khuya lắm. Lúc ấy đã là 1 giờ đêm. Thời gian này, các phương tiện giao thông công cộng đều đã ngừng hoạt động. Ngày Tết có thể khác chăng? Tôi rời ký túc xá của bạn. Đường phố vắng ngắt, không một bóng người. Tuyết bay mù mịt. Những rặng táo ven Trường MGU đã trụi hết lá, tuyết đắp trắng xoá. Tôi có cảm giác như mình đang lang thang trong một rừng san hô ở dưới đáy đại dương. Đi loanh quanh một lúc thì tôi nhận ra mình đã lạc đường. Giữa gió tuyết mà lại lạc đường thì nguy hiểm lắm. Hai chân tôi đã tê dại trong đôi ủng nặng trịch. Mặt rát bỏng vì lạnh. Mũi nghẹt lại, rất khó thở vì băng đã đóng lạo xạo ở trong mũi. Tôi vừa há mồm thở hổn hển vừa lê bước ậm ạch trên con đường vắng ngắt. Có lẽ mình sẽ chết ở đây chăng? Với cái lạnh khủng khiếp thế này, chết là cái chắc rồi. Tôi thoáng rùng mình. Xin Chúa hãy cứu con! Tôi thầm kêu lên thế. Mặc dù trong thâm tâm tôi chẳng bao giờ tin có Chúa.
Thế rồi, như một sự ứng nghiệm, phía trước mặt bỗng choá lên hai luồng sáng: Một chiếc ôtô buýt phóng như bay. Đèn trong xe sáng choang. Nhưng trên xe không một bóng hành khách. Thấy tôi, chiếc xe phanh xịt lại.
- Về đâu?
Người lái xe thò đầu ra khỏi cửa kính. Tôi hét to:
- Đại lộ Lômônôxốp. Nhà số 3, korơpuc 1!
- Lên đi!
Người lái xe giục. Nhưng tôi lại ngần ngừ. Xe số 172. Chiếc xe này tuyến khác. Nó không đi qua khu ký túc xá của tôi.
- Lên đi! - Người lái xe lại giục - Tôi đưa anh về mà!
Cửa xe tự động mở toang. Chỉ có một mình tôi là hành khách. Vậy mà nhạc vẫn mở tưng bừng. Giọng Anna Pugatsôva vang lên trong bài hát Chúc mừng năm mới quen thuộc. Theo thói quen, tôi lần ra phía cửa, định bỏ 5 kôpêc vào thùng sắt rồi tự xé vé. Người lái xe xua tay:
- Thôi, hôm nay là năm mới. Anh không phải mua vé.
Ngừng một lát, người lái xe hỏi:
- Anh người đâu? Mông Cổ hay Triều Tiên?
- Tôi ở Việt Nam!
- Ồ, Việt Nam. Người anh em Việt Nam! - Anh chàng lái xe giơ một ngón tay lên - Bố tôi trước đây nhiều lần sang Việt Nam. Ông cụ là thuỷ thủ. Trong những năm chiến tranh, ông cụ từng chở hàng viện trợ sang cảng Hải Phòng. Anh có biết Hải Phòng không?
Cứ như thế, chuyện nổ như pháo ran. Phải công nhận anh chàng lái xe thật hay chuyện. Anh nói bao nhiêu chuyện. Giọng ồm oàm trong vòm râu rậm rịt. Đến cửa ký túc xá của tôi, anh dừng xe, nhảy xuống, ôm chầm lấy tôi hôn rối rít. Cái hôn sặc sụa mùi thuốc lá.
- Chúc anh đón một năm mới thật vui vẻ trên Tổ quốc của tôi.
Rồi anh rút ở trong túi áo ra một cái kẹo cao su đưa tôi:
- Đây là quà năm mới của tôi!
Rồi đợi tôi vào hẳn trong nhà, anh mới phóng xe đi. Người Nga như vậy đấy. Nếu đêm đó không gặp anh, tôi không thể hình dung được mình sẽ ra sao?
Còn Tết ta ở nước ngoài thì buồn lắm. Nó lạc lõng và xa lạ. Bởi với người nước ngoài, ngày đó là một ngày bình thường. Không khí dửng dưng một màu nhạt thếch. Nhiều lúc tôi cứ lẩn mẩn tự hỏi, không biết cái gì làm nên Tết nhỉ? Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ như các cụ nói ư? Hình như là chả phải. Ở nước Nga, vào dịp Tết ta, cánh sinh viên cũng tụ tập nhau lại cùng đón Tết. Họ cũng làm cành đào, làm giống y như thật, rồi dưa hành, rồi thịt mỡ, rồi bánh chưng. Rồi tiết canh lòng lợn. Chẳng còn thiếu cái gì trong thời kinh tế thị trường. Người ta còn chuyển được cả lá mùi già sang Matxcơva để nấu nước thơm rửa mặt trong ngày đầu năm, như ở làng quê ta xưa vào dịp Tết nhất. Vậy mà rồi vẫn cứ không ra Tết, không thành Tết. Vì sao vậy? Vì không có được cái không khí của Tết. Đó là cái không khí tất bật, chộn rộn, là mùi hương trầm phảng phất trong không gian, là cái lạnh heo heo, là một ít mưa xuân như khói sương bay phơ phất đâu đó, là chút bâng khuâng xao xuyến trong lòng người. Đó chính là không khí Tết. Hình như chính cái đó mới làm nên Tết. Và cái không khí Tết, cái hồn vía Tết ấy thì người Việt ở nước ngoài, dù có đầy đủ vật chất, tiền bạc nhiều đến đâu cũng không thể tạo ra được. Tôi viết mấy dòng này để chia sẻ nỗi buồn với bạn bè tôi - những người Việt đang ở Nga, ở Đức, ở nhiều châu lục trên hành tinh này. Họ đón Tết mà hình như vẫn không có Tết.