Trung bình một người trưởng thành ở nước ta tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày, cao hơn khuyến cáo của WHO
Theo Bộ Y tế, khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị là mỗi người cần ăn ít nhất 5 suất (tương đương với 400g) mỗi ngày
Tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%. Có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.
Những thông tin trên có trong Kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện được Bộ Y tế đưa tại Tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh gửi Chính phủ.
Theo các chuyên gia, khác với các nước khác chủ yếu do người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn thì ở Việt Nam việc ăn thừa muối đa số là do thói quen cho muối, gia vị vào thực phẩm khi chế biến, nấu ăn và khi chấm, trộn muối, gia vị trong bữa ăn.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm: Cũng cần làm rõ khi nói từ muối hay ăn thừa muối ở đây thì được hiểu là để chỉ tất cả các loại gia vị, thực phẩm chứa nhiều natri chứ không chỉ riêng với muối ăn, ví dụ như bột canh, nước mắm, nước chấm, dưa, cà, thịt kho, thực phẩm đóng gói sẵn có nhiều muối…
Những tác hại của ăn thừa muối với sức khỏe
TS Trần Quốc Bảo- Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho hay, mặc dù muối rất cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại gây tác hại cho sức khỏe. Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.
Ngoài ra ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây nhiều rối loạn cho sức khỏe.
Các chuyên gia của Bệnh viện K cho biết thêm sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối, ăn mặn kéo dài là thói quen không tốt cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt là HP) là yếu tố nguy cơ chính, do loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư. Muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP này.
Không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều là do vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm vi khuẩn HP có khả năng bị ung thư cao hơn. Muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.
Cùng đó, thói quen ăn mặn sẽ làm lượng muối Natri tích tụ theo thời gian, vượt khỏi khả năng loại bỏ của thận. Natri tích tụ, kéo theo hiện tượng giữ nước trong máu để pha loãng natri. Từ đó làm tăng lượng nước trong tế bào và tế bào cơ trơn của thành mạch lúc này đã có nhiều ion natri di chuyển vào khiến mạch bị co lại.
Tăng thể tích máu nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn. Theo thời gian áp lực máu trên thành mạch tăng sẽ dẫn đến cao huyết áp, đau tim, đột quỵ. Tình trạng này kéo dài dẫn đến suy tim.
Ăn mặn trong thời gian dài còn gây ức chế hấp thu và sử dụng canxi của cơ thể, dẫn đến sự mất mát khối lượng xương gây loãng xương. Phụ nữ sau khi mãn kinh, bệnh nhân tiểu đường và người già có nguy cơ cao của bệnh loãng xương, thậm chí người khỏe mạnh ăn mặn trong thời gian dài cũng nằm trong nhóm nguy cơ.
Ăn nhiều muối khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu, về lâu dài ảnh hưởng đến chức năng thận. Muối cũng là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - nguy cơ chính gây ung thư dạ dày.
Chế độ ăn nhiều muối tích tụ lâu tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm tiềm tàng, đặc biệt, bệnh cao huyết áp đang dần xuất hiện nhiều ở người dưới 40 tuổi. Khi còn trẻ, cơ thể khỏe mạnh nên nhiều người không nhận thức tác hại của ăn mặn. Cần nâng cao ý thức và thực hiện ăn giảm mặn sớm để bảo vệ sức khỏe cho hiện tại và tương lai.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 gam muối/người/ngày để bảo vệ sức khỏe.
Các chuyên gia của Bệnh viện K cũng khuyến cáo, mỗi người nên bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách giảm lượng muối trong các bữa ăn:
- Hạn chế tối đa các thực phẩm có chứa nhiều muối (NaCl) và các gia vị/phụ gia có gốc Na như thịt nguội, mì gói, bánh snack (bim bim), các loại sốt chế biến sẵn, phô mai, cá khô, các loại đậu hạt rang muối. ....
- Giảm lượng muối và gia vị nêm nếm trong mỗi bữa ăn.
- Tập thói quen không chấm thêm bất kỳ loại nước chấm gì trong bữa ăn.
- Thay thế nước chấm thông thường bằng loại giảm muối.
Mục tiêu mà Việt Nam đặt ra là đến năm 2025 sẽ giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày.
Từ năm 2018 Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác. Kế hoạch là cơ sở để các đơn vị, các địa phương tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch truyền thông giảm tiêu thụ muối.