Các thuốc nhỏ mũi thường dùng trong viêm xoang
Thuốc nhỏ mũi co mạch là chất kích thích thần kinh giao cảm, có tác dụng gây co mạch tại chỗ, làm giảm sưng nề, sung huyết khi tác động lên màng nhầy. Vì thế giúp dịch đọng trong khoang mũi và hốc xoang thoát ra nhanh hơn, mũi trở nên thông thoáng và dễ thở hơn.
Thuốc co mạch trị nghẹt mũi được chia làm 2 nhóm chính, bao gồm:
- Các thuốc vasopressin: Desmophressin, terlipressin…
- Các thuốc alpha adrenergic: Epinephrine, norepinephrine, phenylephrine…
Trong đó, các thuốc alpha adrenergic có tác dụng gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, giãn cơ trơn phế quản. Các thuốc vasopressin cũng gây co mạch, tăng huyết áp, đồng thời làm tái hấp thu nước ở thận.
Các thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch phổ biến hiện nay mà chúng ta thường thấy là xylometazoline hydrochloride, naphazoline… Thuốc nhanh chóng làm co các cơ thắt của các mao mạch, động mạch nhỏ, tĩnh mạch hang (làm co mạch) đẩy máu đi nơi khác làm cho hốc mũi rộng (mũi hết ngạt và dễ thở). Thường tác dụng co mạch đạt trong vòng 10 phút và kéo dài trong khoảng 2 - 6 giờ.
Không nên lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch
Viêm mũi xoang nói riêng và các bệnh viêm mũi dị ứng nói chung, có cùng đặc điểm là khiến bệnh nhân nghẹt thở. Do đó việc lạm dụng thuốc nhỏ mũi thông đường thở là rất phổ biến. Thậm chí do việc điều trị kéo dài mà bệnh không dứt điểm, nên nhiều người còn nghĩ rằng, chỉ cần nhỏ các thuốc co mạch tại chỗ là đủ. Vì thế thuốc nhỏ/xịt mũi co mạch được xem như là không thể thiếu đối với không ít người mắc bệnh viêm xoang.
Điều này khiến bệnh nhân dễ lạm dụng thuốc, tự ý sử dụng quá thời gian cho phép (5-7 ngày). Khi dùng thuốc kéo dài và lặp lại nhiều lần sẽ xảy ra hiện tượng giãn mạch thứ phát. Nếu tiếp tục dùng thuốc, tình trạng giãn mạch sẽ trở nên thường xuyên hơn. Cuốn mũi sẽ phù nề và mức độ ngạt mũi của bệnh nhân sẽ tăng lên.
Khi cuốn mũi bị co lại một cách cưỡng bức và dần dần hoạt động sẽ lệ thuộc vào thuốc tới một lúc nào đó sẽ trơ đối với thuốc (số lần nhỏ sẽ nhiều hơn, liều lượng tăng hơn và mức độ ngạt mũi cũng sẽ nặng hơn). Khi lạm dụng thuốc đến một mức độ nào đó sẽ gây hiện tượng nhờn thuốc, thậm chí là tác dụng ngược. Nghĩa là gây nghẹt mũi trở lại nặng hơn, gây xơ hóa niêm mạc mũi dẫn đến viêm mũi mạn tính, rất khó chữa trị.
Hơn nữa, ngoài tác dụng tại chỗ, thuốc còn thấm qua niêm mạc vào máu gây tác dụng toàn thân, vì vậy tuyệt đối không nên dùng liều cao dài ngày. Cụ thể:
- Thuốc xylometazoline có tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch, giảm sung huyết nhanh trong viêm mũi/xoang. Nhưng cần hết sức thận trọng đối với những bệnh nhân đang mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp, phụ nữ có thai/đang cho con bú. Với người bình thường, cần sử dụng khi được bác sĩ chỉ định và không dùng liên tục quá 7 ngày, mỗi ngày không quá 2 lần.
- Thuốc naphazolin thuộc nhóm giao cảm, làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài; giảm sưng và sung huyết khi viêm mũi viêm xoang. Thuốc cũng chỉ định trong các trường hợp nghẹt mũi, sổ mũi và cho tác dụng nhanh. Tuy nhiên, thuốc không nên dùng liên tục quá 7 ngày, chỉ 1-2 lần/ngày.
Việc sử dụng nhiều lần/ngày hoặc dùng liên tục trên 7 ngày có thể gây ra tình trạng nhờn thuốc, lệ thuộc thuốc và làm mũi nghẹt nhiều hơn… Ngoài ra còn có thể gây ngộ độc thuốc do quá liều (sử dụng tại chỗ quá nhiều lần/ngày) gây ức chế hệ thần kinh trung ương, làm tim đập chậm, hạ thân nhiệt, vã mồ hôi, co giật…
Lưu ý đặc biệt với thuốc nhỏ mũi co mạch
- Khi dùng thuốc nhỏ mũi liên tục 3 ngày không đỡ người bệnh cần ngừng thuốc và đi khám bác sĩ.
- Không nên dùng thuốc nhỏ mũi co mạch cho trẻ em dưới 6 tuổi. Với trường hợp cần dùng, phải hết sức thận trọng và theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cần chú ý dung dịch có hàm lượng dùng cho trẻ 0,025% và 0,05%. Bởi dung dịch 0,025%, với trường hợp cần thiết phải dùng, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ dưới 6 tuổi; trẻ dưới 12 tuổi có thể được chỉ định loại 0,05%. Nếu dùng nhầm loại 0,05% cho trẻ dưới 6 tuổi có thể nguy hiểm.
- Không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch cho các trường hợp mắc bệnh u xơ tiền liệt tuyến, tăng huyết áp, đái tháo đường.
- Việc điều trị viêm mũi xoang với khắc phục hậu quả do lạm dụng thuốc gây ra sẽ rất phức tạp.
Do đó, với bất kỳ trường hợp nào, cũng nên tới chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị bài bản. Đặc biệt là tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, cần ăn uống thật đầy đủ chất, bổ sung vitamin, thể dục thể thao, bớt căng thẳng... giúp tăng cường hệ miễn dịch. Sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước biển rửa mũi hàng ngày 1-2 lần để làm giảm dịch nhầy mũi và giảm nghẹt mũi.
Xem thêm video đặc sắc:
Sự hồi sinh kỳ diệu của sản phụ mắc COVID-19