Hà Nội

Người viêm họng nên ăn và kiêng thực phẩm nào?

19-06-2023 14:10 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Bên cạnh việc dùng thuốc, giữ vệ sinh mũi họng, người bệnh viêm họng mùa hè nên ăn và nên kiêng những thực phẩm nào để bệnh nhanh khỏi?

Viêm họng là một bệnh phổ biến, xảy ra ở mọi đối tượng và đặc biệt dễ mắc vào những ngày hè nóng bức.

1. Những thực phẩm người bị viêm họng nên ăn

Với bệnh viêm họng, một mẹo đơn giản là tiêu thụ thức ăn dễ nuốt, đồng thời nhận được càng nhiều chất dinh dưỡng càng tốt.

Món ăn trơn, mát

Viêm họng có đặc tính là nóng rát, lại có thêm triệu chứng đau khi nuốt, nói. Vì thế, những món làm dịu cơn đau rát rất hữu ích như những món canh trơn mát là thích hợp.

Ích lợi của những món canh này làm bạn dịu cơn rát sâu trong cổ họng, dễ ăn, dễ nuốt, không làm bạn khó chịu khi ăn hoặc khi nhai, không làm tổn thương cơ học bề mặt... giúp họng bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Món trơn mát thường là canh mùng tơi, rau đay, rau sâm, rau lang, bầu, bí, mướp...

Món ăn người viêm họng nên ăn và tránh - Ảnh 1.

Canh mồng tơi rất tốt cho người đang bị viêm họng.

Súp hoặc cháo

Là những thức ăn dễ nuốt và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, khi kết hợp với các thành phần phù hợp. Súp và cháo vừa làm dịu họng, bổ sung nước và nhiều chất bổ dưỡng.

Các món súp dễ làm và bổ dưỡng như: Súp nấm với thịt gà, súp bí đỏ đậu xanh và thịt băm…

Sinh tố trái cây và sữa

Một lựa chọn thực phẩm không qua chế biến tuyệt vời khác tốt cho họng là sinh tố, vì sinh tố có tác dụng làm dịu cổ họng lại là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất rất tuyệt vời. Có thể ăn các loại sinh tố trái cây như: Dưa hấu, xoài, đu đủ… hoặc sinh tố trái cây và sữa: Sinh tố bơ + sữa đặc có đường hoặc sữa tươi.

Sữa tươi

Thông thường khi bị đau họng, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Bởi thế, việc bổ sung dinh dưỡng là điều vô cùng cần thiết giúp hồi phục sức khỏe cũng như tăng cường hệ miễn dịch. Điều này không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu, sữa tươi còn có chứa nhiều thành phần giúp hồi phục vết thương trong cổ họng do vi khuẩn xâm nhập lâu ngày.

Món ăn người viêm họng nên ăn và tránh - Ảnh 2.

Các loại súp rất thích hợp cho người bị viêm họng.

Trà xanh ấm

Mùa hè bạn thường uống nước lạnh, nhưng một cốc trà xanh ấm có thể giúp bạn thoải mái hơn. Trà xanh có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, có chứa chất chống oxy hóa mạnh, có thể loại bỏ các chất độc và các gốc tự do gây hại cơ thể.

Không chỉ vậy, loại thức uống này còn có khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giảm đau rát, khó chịu ở cổ họng. Việc tăng cường khả năng miễn dịch mà bạn nhận được từ việc uống trà cũng sẽ kích thích quá trình chữa lành họng nhanh hơn và giảm bớt sự khó chịu của bạn.

Trà cam thảo

Trong cam thảo có chứa hàm lượng lớn acid glycyrizic mang đến khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn, bảo vệ cơ quan hô hấp trước sự xâm nhập của vi khuẩn. Đồng thời, vị thuốc này còn chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa, thanh nhiệt, giảm sưng viêm tại cổ họng do đau họng, nổi hạch.

Trà hoa cúc

Theo các tài liệu nghiên cứu, trong hoa cúc có chứa nhiều chất oxy hóa, có khả năng hỗ trợ làm lành các vết thương, tổn thương hiệu quả. Ngoài ra, hoa cúc giúp cải thiện các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, buồn nôn nên khá phù hợp với những người bị đau họng do trào ngược dạ dày.

Mật ong

Một hoặc hai thìa mật ong với một cốc nước ấm hoặc trà là một phương pháp chữa đau họng hiệu quả. Mật ong có chứa nhiều đặc tính chữa bệnh và chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus, đồng thời chứa chất chống oxy hóa.

Nghiên cứu đã được chứng minh rằng chất lỏng sền sệt, ngọt ngào này có thể giúp tình trạng viêm họng thuyên giảm. Đặc tính của nó cũng làm cho nó trở thành một loại thuốc giảm ho hiệu quả.

Món ăn người viêm họng nên ăn và tránh - Ảnh 3.

Các loại sinh tố trái cây người bị viêm họng nên uống.

Nước chanh ấm mật ong

Bất kỳ đồ uống ấm nào cũng có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Bản thân nước nóng có tác dụng làm dịu và có thể giúp giảm đau họng, ho và sổ mũi. Nước chanh có thể bổ sung một lượng nhỏ vitamin C vào chế độ ăn uống của bạn. Vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, thậm chí có thể giúp bạn vượt qua cảm lạnh. Thêm mật ong vào nước chanh cũng có tác dụng điều trị đau họng và ho.

2. Người bị viêm họng không nên ăn gì?

Tình trạng viêm họng có thể trở nên nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng khi người bệnh sử dụng các thực phẩm và thức uống gây kích thích niêm mạc.

Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh viêm họng nên hạn chế trong thời gian trị bệnh:

Các món ăn lạnh

Họng là vị trí của ngã tư đường ăn và đường thở, là cửa ngõ của đường dẫn không khí vào phổi, dẫn thức ăn và nước uống qua thực quản xuống dạ dày. Vì vậy, họng là nơi rất thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập cơ thể để gây bệnh, đặc biệt là viêm họng cấp.

Nếu liên tục ăn uống đồ lạnh trong thời gian dài, có thể làm nhiệt độ trong họng giảm thấp, dễ khiến người bệnh gặp nguy cơ bỏng lạnh, vòm họng xuất hiện nhiều chất dịch nhầy, kích thích ho. Nếu đang bị viêm họng thì hãy tránh xa các thức ăn lạnh như kem, chè đá, nước đá lạnh…

Món ăn người viêm họng nên ăn và tránh - Ảnh 4.

Các món kem lạnh người bị viêm họng nên tránh.

Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Người bệnh viêm họng không nên ăn những thực phẩm chiên rán chứa nhiều dầu mỡ như gà rán, khoai tây chiên… vì gây kích thích niêm mạc họng, khiến tình trạng sưng viêm, đau rát trở nên nặng nề hơn.

Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ vừa làm tăng về lượng chất nhờn vừa tăng độ quánh nhớt của chúng do viêm họng, ứ đọng nhiều đờm đặc trong cổ họng làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu.

Các món cay nóng

Khi bị viêm họng, niêm mạc họng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu ăn các món cay nóng thì niêm mạc sẽ bị phù nề, sưng tấy, khiến tình trạng viêm họng càng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy khi chế biến nên hạn chế các gia vị có tính nóng như ớt, gừng, tiêu, riềng, sả… trong các món ăn cho người bị viêm họng.


Các thực phẩm có nhiệt độ quá nóng cũng là nguyên nhân gây kích ứng cổ họng đang sưng, đau. Nên để đồ ăn nguội bớt rồi mới ăn để tránh làm tổn thương khu vực cổ họng vốn đang bị viêm.

Món ăn người viêm họng nên ăn và tránh - Ảnh 5.

Người bị viêm họng nên tránh đồ ăn cay, nóng.

Thực phẩm khô, cứng

Triệu chứng điển hình ở người bị viêm họng là vòm họng sưng, tấy đỏ và đau rát khi nuốt. Chính vì vậy, người bệnh không nên ăn các thực phẩm khô cứng, giòn để tránh sự va chạm của thức ăn lên vùng tổn thương. Sự cọ xát của các loại đồ ăn cứng còn là nguyên nhân làm trầm trọng các vết sưng tấy, khiến tình trạng viêm họng lâu lành.

Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng các thực phẩm khô cứng và khó nuốt còn khiến cho niêm mạc họng bị chảy máu, ứ đờm và làm tình trạng khàn tiếng kéo dài.

Người bệnh nên tránh các món ăn như bánh mì giòn, bánh quy cứng, ngô, khoai chiên…

Thực phẩm có vị chua

Khi bị viêm họng, để tránh tình trạng bệnh dai dẳng kéo dài, người bệnh không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vị chua như: Quất, me, đồ muối chua…

Nguyên nhân là do lượng acid dồi dào trong các loại thực phẩm này có thể khiến niêm mạc họng bị kích thích và ăn mòn. Từ đó làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng đau rát họng, ho và khàn tiếng.

Đồ uống có cồn và chứa chất kích thích

Người bị viêm họng cần tránh uống rượu bia và các loại đồ uống có chứa cồn, đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê.

Nguyên nhân là do ethanol và caffeine có trong các loại thức uống này rất dễ khiến cơ thể bị mất nước, tăng thân nhiệt, đồng thời còn gây kích ứng niêm mạc hô hấp, làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng đau rát cổ họng, ho, ứ đờm, khàn tiếng…

Cần loại bỏ những thực phẩm này ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày và thay thế bằng các loại thức uống lành mạnh hơn như nước lọc, nước ép trái cây, sinh tố trái cây.

Món ăn người viêm họng nên ăn và tránh - Ảnh 7.

Thực phẩm nhiều dầu mỡ người bị viêm họng nên tránh.

Không hút thuốc lá

Những người hút thuốc lá thường bị những cơn ho dai dẳng kéo dài, đờm nhiều trong cổ họng… rất khó chịu.

Nguyên nhân do khói thuốc ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc lót cho cổ họng, cuối cùng làm giảm hiệu quả bảo vệ của niêm mạc, gây kích ứng và khô cổ họng. Khi bị viêm họng, nicotine, asen, chì và nhiều thành phần độc hại khác trong khói thuốc có thể tấn công và khiến niêm mạc hầu họng sưng viêm nhiều hơn.

Nếu hút thuốc lá trong thời gian điều trị có thể làm nặng thêm các triệu chứng ho, ứ đờm, khản tiếng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phát hiện ung thư gan từ cơn đau tức ở hạ sườn phải.

ThS. BS. Lê Thị Hải
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa
Ý kiến của bạn