Địa danh Thành cổ Quảng Trị, nơi từng vang lên thường trực trong các bản tin chiến sự của tất cả hãng thông tấn trên thế giới hơn 30 năm trước. Nơi từng được coi là ác liệt nhất trong chiến tranh, nơi phải hứng chịu nhiều bom đạn của quân thù. Trận đánh 81 ngày đêm tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa (28/6 - 16/9/1972) đã tạo nên một mốc son trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là chiến công chung của quân và dân cả nước, trong đó có các thế hệ học sinh - sinh viên rời bút nghiên cầm súng vào chiến trường chiến đấu. Chính lớp chiến sĩ - sinh viên Thành cổ ấy đã tạo thêm một nét hào hoa trong trang sử bi tráng của mảnh đất này. Có một người sinh viên y khoa nhập ngũ ngày 6/9/1971 cùng với lớp lớp sinh viên vào mặt trận Quảng Trị để chiến đấu và dâng hiến xương máu cho Tổ quốc. Người lính ấy đã may mắn vượt qua ác liệt của bom đạn chiến tranh để tiếp tục cống hiến tâm sức cho đến ngày hôm nay. Người lính của một thời đó chính là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu.
Hơn 30 năm là một khoảng thời gian dài nhưng không thể làm nguôi nỗi đau trong ký ức của mỗi người lính từng sống chết với 81 ngày đêm bên dòng Thạch Hãn. Và Thành cổ, giờ còn lại chút cổng thành với cỏ non và những tượng đài bất tử. Không ít người mỗi lần trở về với Quảng Trị đều được nghe những câu thơ da diết đến ứa lệ:
"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"
Trong 81 ngày đêm và kéo dài cho tới trước ngày 27/1/1973 (Hiệp định Paris được ký kết) kẻ thù đã trút xuống nơi này 328 tấn bom, hơn 12 vạn viên đạn pháo các loại. Với lượng bom đạn ấy, có thể sánh bằng 7 quả bom nguyên tử. Hàng chục ngàn người lính đã ngã xuống nơi đây vì độc lập tự do của Tổ quốc. Và cũng vì thế, không nơi đâu như Quảng Trị, một tỉnh có tới 72 nghĩa trang liệt sỹ trong đó có hai nghĩa trang quốc gia là nghĩa trang Đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn, nhưng Quảng Trị còn có hai nghĩa trang không hề có bia mộ là Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn. Ở Quảng Trị, xã nào cũng có nghĩa trang liệt sỹ. Thậm chí như xã Trung Hải, huyện Gio Linh có tới 4 nghĩa trang liệt sỹ. Rồi có ai đó đào từng lớp đất cũng gượng nhẹ bàn tay vì sợ chạm vào da thịt đồng đội mình còn nằm đâu đó lẫn trong từng thớ đất, nhành cỏ!
Giờ đây, dòng sông Thạch Hãn từng nhuốm đỏ màu máu của các chiến sĩ trẻ năm xưa vẫn thao thiết chảy giữa trong xanh, giữa vời vợi mây trời. Nhưng dưới đó, biết bao chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy dòng sông không một tấm bia, không dòng địa chỉ. Và dưới mỗi thớ đất, đâu đó cũng còn những nấm mộ chưa tìm thấy, chưa xác định được tên... và người lính Nguyễn Quốc Triệu khi trở lại thăm chiến trường xưa cứ miên man với dòng suy tưởng về những kỷ niệm một thời mà ông cùng với đồng đội cùng trụ dưới mưa bom, bão đạn của địch, tham gia chiến đấu giữ Thành Cổ và phía Nam Thành Cổ, chống tái chiếm và lấn chiếm của địch. Và niềm vui, vinh dự, sung sướng bật trào khi trong giờ phút đối mặt với cái chết, người lính Nguyễn Quốc Triệu đã được kết nạp Đảng tại một căn hầm thuộc thôn An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị vào ngày 25/8/1972.
Khi hồi tưởng về những kỷ niệm cũ, trong giây phút xúc động, không kìm được lòng mình, ông đã bật thốt lên những lời tự đáy lòng: "đồng đội ơi, ai còn, ai mất sau cái ngày định mệnh ấy...". Đó là một ngày địch đánh phá ác liệt, đơn vị C24, của người lính trẻ Nguyễn Quốc Triệu vừa được điều động đến điểm tập kết thì cũng là lúc bom, đạn của địch nã dồn dập, một loạt đạn pháo đã rơi trúng đơn vị đang trú ẩn tránh bom. Ngớt tiếng bom đạn, anh em đi kiểm tra thì thấy Nguyễn Quốc Triệu đã bị thương nặng ở bụng. Tình huống hết sức nguy hiểm, nên đồng đội đã phải khẩn trương cấp cứu dưới sự chỉ huy của bác sĩ Đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn rồi đưa anh ra xuồng chở ra bệnh viện mặt trận ở Cam Lộ. Trong lúc cấp cứu nước sôi lửa bỏng như thế lại có sự cố xảy ra. Xuồng chở anh Triệu và anh em thương binh đến nửa đường thì chết máy. Nếu để chậm trễ thêm phút nào là nguy hiểm phút ấy nên đồng đội đã bỏ xuồng máy, khiêng anh và các chiến sĩ bị thương khác chạy bộ gần 3 cây số để tới bệnh viện mặt trận tại Cam Lộ và ở đây, người lính trẻ đã được cứu sống. Mỗi lần trở lại Quảng Trị là mỗi lần người lính của chiến trường Quảng Trị lại day dứt, bồi hồi và xúc động, vẫn là đây chiến trường cũ nhưng thay vì khói bom đạn của kẻ thù là hương khói của những người hôm nay đang tri ân và tưởng nhớ về những người lính đã khuất. Những nơi ông đã từng ở, nơi ông đã từng qua và ở mỗi tấc đất trên mảnh đất thiêng này đều nhuốm máu thịt của đồng đội. Tự trong tâm khảm, ông luôn tự nhủ, đây là mảnh đất thứ hai đã sinh ra ông.
Những thế hệ thanh niên, sinh viên ngày ấy, họ sẵn sàng rời tay bút để cầm lấy súng. Họ coi tính mạng bản thân và những gì thuộc về mình rất nhỏ. Nói về một thời oanh liệt của mình, họ luôn nhấn mạnh: Những cống hiến, góp xương máu của người chiến sĩ - sinh viên không là gì so với sự hi sinh mất mát của toàn dân tộc, của bộ đội, của du kích, của giải phóng quân... những điều đó không ai được phép lãng quên.
Năm nào cũng vậy, người lính năm xưa lại trở về Quảng Trị dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. |
Nhiều người đã ra đi và không có ngày về, họ mãi mãi nằm lại với mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió. Nhiều người đã trở về tiếp tục với công việc học tập của mình. Cho đến nay, những sinh viên năm xưa nhiều người đã rất thành đạt. Có người trở thành các nhà lãnh đạo như Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội rồi Bộ trưởng Bộ Y tế. Có những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, có những người trở thành giảng viên của chính trường đại học mình đã rời đó ra đi và có những người hiện nay vẫn đang tiếp tục hoạt động trong quân ngũ. Tuy ở những vị trí khác nhau nhưng họ đều không thể quên được những kỷ niệm nơi chiến trường Quảng Trị. Nhớ lại một thời không thể nào quên, họ đã khóc cho những đồng đội của mình đã hi sinh và với những người đang sống, hằng năm họ vẫn thường tổ chức gặp nhau vào dịp 6/9, họ sẵn sàng đến với nhau khi cần, vẫn gọi nhau thân thuộc "mày - tao" như lúc còn trong quân ngũ.
Hình như, sau mỗi lần trở về thăm lại chiến trường xưa, cái chất lửa trong người lính Nguyễn Quốc Triệu càng bùng cháy hơn bao giờ hết. Dù ở bất cứ cương vị nào... từ Phó chủ tịch Ủy ban dân số Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, rồi Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và nay là Bộ trưởng Bộ Y tế, ông đều tâm niệm phải làm tốt nhất công việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho và không phụ lòng những đồng đội đã nằm xuồng. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nhắc đến những người lính Thành cổ đã viết: "Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình". Và ông cùng với những người đồng đội của chiến trường năm xưa đã và đang tiếp tục cống hiến phục vụ cộng đồng, trong đó có đồng đội, bạn bè và người thân của những người lính của chiến trường một thời đỏ lửa oanh liệt năm xưa.
Thành Thu