Hà Nội

Người vẽ lại diện mạo y học La Mã cổ đại

17-05-2010 07:17 | Thời sự
google news

Tuy không được người đời nhắc đến nhiều như cái tên Hippocrates nhưng Celsus lại được xem là người có công đầu trong việc vẽ lại bức tranh toàn cảnh diện mạo nền y học La Mã thời cổ đại.

Tuy không được người đời nhắc đến nhiều như cái tên Hippocrates nhưng Celsus lại được xem là người có công đầu trong việc vẽ lại bức tranh toàn cảnh diện mạo nền y học La Mã thời cổ đại. Ông đã đi tiên phong trong việc tổng hợp tất cả các kiến thức y học thời bấy giờ để viết lên bộ sách đồ sộ quý báu mà sau này trở thành nền móng cơ sở của y học hiện đại.

Nhà khoa học Celsus.
Tác giả của bộ sách quý

Nói đến những cái tên có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong lịch sử y học thời cổ đại, sau Hippocrates không thể không kể đến nhà y học tài năng của La Mã: Aurelius Cornelius Celsus (khoảng 30 trước Công nguyên - 38 sau Công nguyên).

Celsus là một quý tộc uyên bác nhất La Mã thời bấy giờ. Ông là người thông minh, có những hiểu biết rộng lớn về mọi lĩnh vực: triết học, văn học, y học... Dường như ông chưa từng bao giờ hành nghề y, có lẽ vì vậy mà người đương thời đã không nhận ra ông. Cho đến nay, chúng ta cũng không biết nhiều về cuộc đời của Celsus. Thế nhưng tác phẩm của ông: bộ sách "De Re Medicina" được soạn vào những năm 30 - 35 sau Công nguyên dưới triều vua Tiberius đã biến ông trở thành một nhân vật mà bất kỳ người học ngành y nào cũng phải biết đến. Bộ sách này được đánh giá là tác phẩm quan trọng nhất thời cổ đại. Nhờ nó, chúng ta hình dung được diện mạo nền y học thời kỳ này. Tuy nhiên, bộ sách hầu như bị quên lãng trong suốt 14 thế kỷ. Phải chờ đến thời kỳ Phục hưng, năm 1443, nó mới được nhiều người biết đến. Tommaso Parentucelli, sau này là Giáo Hoàng Nicholas V (1397-1445) đã phát hiện ra bản thảo của bộ sách tại Milan. Sau đó nó trở thành một trong những bộ sách đầu tiên được in máy tại Florence vào năm 1478, sớm hơn cả những tác phẩm của Hippocrates. Tuy bộ sách có những phần phỏng theo các công trình của Hippocrates hoặc sử dụng lại một vài đoạn văn của các tác giả Hy Lạp cổ đại, nhưng những khảo sát gần đây cho thấy rằng nó không phải là công trình biên dịch, lại càng không phải là một bản dịch đơn thuần từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin.

Bức tranh y học thời Hy - La

Theo như những gì mà bộ sách của Celsus miêu tả thì vào giai đoạn khởi đầu của Đế chế La Mã, thời đại Augustus, hình ảnh người thầy thuốc rất mờ nhạt. Thời kỳ xa xưa đó, nền y học La Mã mang nhiều tính chất thần thoại. Mỗi khi mắc bệnh, người La Mã đến đền thờ cầu khẩn các vị thần linh: Minerva, Diana, Hygiea... Lúc bấy giờ nghề y được xem là một nghề thấp hèn, chỉ những người làm nô lệ hay những người ngoại quốc (Hy Lạp, Ai Cập, Do Thái) mới hành nghề này. Phải chờ đến năm 46 trước Công nguyên, dưới thời đại đế Cesar, thầy thuốc mới có quyền công dân như những người La Mã thông thường. La Mã giành quyền bá chủ khu vực Địa Trung Hải vào năm 146 trước Công nguyên. Người Hy Lạp tuy bị người La Mã chinh phục nhưng chính họ lại chinh phục được trí tuệ của người chiến thắng. Nền văn hóa Hy Lạp ảnh hưởng rất rõ nét đến nền văn hóa La Mã trong mọi lĩnh vực: triết học, văn học, nghệ thuật, y học... Nền y học La Mã (chính xác hơn là nền y học Hy-La) đã ra đời trong sự ảnh hưởng và giao thoa đó, rồi trở thành nền móng cơ sở của nền y học hiện đại.

Trong bộ sách của Celsus, các kiến thức giải phẫu học và sinh lý học được ông miêu tả khá đầy đủ và chính xác. Tác giả nhấn mạnh đến việc phẫu tích xác chết để biết rõ hơn về vị trí, kích thước, hình thể, chức năng của các cơ quan nội tạng, tìm ra mối tương quan giữa giải phẫu và sinh lý, giải phẫu và bệnh lý. Tuy nhiên, Celsus phê phán chủ trương tàn bạo của Hemophilus và Erasistratus. Hai khuôn mặt xuất sắc của trường phái y học Alexandra chủ trương phẫu tích những tử tù còn sống để nghiên cứu cấu trúc cơ thể. Celsus nghĩ rằng đó là việc làm tàn bạo và không cần thiết vì vai trò của thầy thuốc là giảm đi nỗi đau chứ không phải mang lại những cực hình tàn khốc về thể xác lẫn tinh thần cho con người. Hơn nữa, Celsus cho rằng khi nạn nhân phải chịu những cực hình như thế thì các đặc điểm về hình dạng, màu sắc của cơ quan cần nghiên cứu sẽ bị thay đổi. Celsus đề cập nhiều vấn đề bệnh học trong tập IV và V của bộ sách. Riêng trong tập IV, ông mô tả các bệnh lý theo từng cơ quan: gan, thận, phổi, dạ dày... Ông nhận thức vai trò quan trọng của hô hấp và đề cập đến khái niệm kinh điển của tác giả thời cổ đại "Hơi thở cuối cùng": Ngưng thở là dấu hiệu của tử vong.

Dựa vào phương pháp điều trị, Celsus chia bệnh tật làm 3 loại: Loại điều trị bằng chế độ ăn, loại điều trị bằng thuốc, loại điều trị bằng "bàn tay", nghĩa là can thiệp bằng phẫu thuật. Hơn nữa, ông còn phân biệt bệnh cấp tính với bệnh mạn tính, bệnh toàn thân với bệnh khu trú. Với bệnh toàn thân, Celsus mô tả rõ bệnh lao và chia bệnh này làm 3 thể: Thể teo, thể suy mòn và thể tổn thương đến phổi. Trường hợp này cần phải thay đổi môi trường sống.

Celsus cũng mô tả nhiều kỹ thuật ngoại khoa như cách khoan sọ, chọc hút màng bụng, mổ lấy thai, cắt amygdale... Ông quan niệm rằng phẫu thuật viên lý tưởng là người ở độ tuổi trung niên, sử dụng thành thục cả hai tay với đôi tay mạnh mẽ, đôi mắt tinh tường, tinh thần kiên định. Điều ao ước duy nhất của người phẫu thuật viên là chữa khỏi bệnh, vì vậy không nên quá xúc động trước nỗi đau thể xác của bệnh nhân mà thao tác vội vã, thiếu chính xác. Ông cũng khuyên người thầy thuốc nên xác nhận những sai lầm của mình để giúp các đồng nghiệp né tránh được những sai lầm như thế. Đặc biệt trong tập III của bộ sách, ông đề cập đến 4 dấu hiệu kinh điển của viêm. Ông viết: "Bốn dấu hiệu của viêm là sưng, nóng, đỏ, đau", cho đến nay quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị.

Như vậy, kế thừa những di sản văn hóa của người Hy Lạp, Celsus đã đặt cơ sở cho nền y học hiện đại, thoát khỏi những ảnh hưởng triết học của Hippocrates. Bằng bộ sách quý giá của mình, ông đã xây dựng cho thế giới các mẫu mực về tư duy, phương pháp chẩn đoán và điều trị, khái niệm độc đáo về linh hồn, con người, vũ trụ... Ngày nay, sau Hippocrates, Celsus được xem là người đầu tiên tổng hợp được tất cả kiến thức y học của thời đại. Ông chú tâm đến việc mô tả, quan sát các cơ chế bí ẩn của cơ thể, từ chẩn đoán đến điều trị các bệnh khác nhau với các khái niệm bệnh lý rất gần với thời đại chúng ta. Ông cũng là người đầu tiên viết công trình nghiên cứu bằng tiếng La tinh, đề xuất các thuật ngữ tiếng La tinh mà cho đến thời đó chỉ tồn tại một cách mơ hồ. Dư vang các di thảo của ông vẫn còn sống mãi cùng với sự phát triển của nền y học nhân loại.

Bảo Trân (Theo The Medicine)


Ý kiến của bạn