Người “vác tù và” ở thôn bản

04-11-2013 14:19 | Y tế
google news

Bon Bróih thuộc thị trấn Đăk Mâm đấy, nhưng cách trung tâm tới 5 cây số đường mòn gồ ghề, lầy thụt vào mùa mưa. Địa bàn của bon Bróih còn kéo sâu vào tới mười cây số nữa, dân cư thưa thớt trong rừng.

Bon Bróih thuộc thị trấn Đăk Mâm đấy, nhưng cách trung tâm tới 5 cây số đường mòn gồ ghề, lầy thụt vào mùa mưa. Địa bàn của bon Bróih còn kéo sâu vào tới mười cây số nữa, dân cư thưa thớt trong rừng. Vậy mà cán bộ dân số H’Chê - bà đỡ thôn bản bon Bróih như con ong cần mẫn đem mật ngọt hạnh phúc “sinh ít con” đến cho nhiều gia đình Mơ Nông từ bỏ hẳn tư tưởng “đến đâu hay đó” để tập trung nuôi dạy con cái ăn học.

Mới ngoài 20 tuổi, H’Chê đã trở thành cán bộ dân số rồi bà đỡ thôn bản được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Đăk Lăk (cũ), Đăk Nông (hiện nay), của huyện Krông Nô và thị trấn Đăk Mâm về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thế rồi tỉnh Đăk Lăk chia tách, huyện Krông Nô nằm đầu tỉnh Đăk Nông. Phần cuối của bon Bróih được cắt ra khỏi thị trấn Đăk Mâm góp vào thành xã mới có tên Tân Thành. Mới đó đã mười năm, đời người và vùng đất có biết bao thay đổi. Đường đi được mở rộng trải nhựa phẳng láng từ trung tâm huyện tỏa đi các nhánh đến tận bon làng vùng sâu vùng xa, điện lưới lung linh khắp núi rừng. Cô gái M’ Nông - H’Chê đã xếp lại công việc cán bộ dân số về TP. Hồ Chí Minh theo học lớp đào tạo “Bà đỡ thôn bản” về phục vụ đồng bào mình. Trong mọi sự đổi thay rõ nét về con người, vùng đất sau 10 năm thành lập tỉnh Đăk Nông, chỉ duy nhất chế độ của những người làm công ăn lương Nhà nước, những người làm công việc vì cộng đồng là không thay đổi, trong đó có bà đỡ thôn bản H’Chê. Bởi mọi giấy tờ chứng từ đều thể hiện qua “con chiện” mang địa danh “thị trấn”, dù khu vực các bon đồng bào dân tộc tại chỗ đã được Nhà nước công nhận “vùng đặc biệt khó khăn”.

Người “vác tù và” ở thôn bản 1Bà đỡ thôn bản H’Chê.

H’Chê chỉ phàn nàn mà không hề đòi hỏi: “Những bà đỡ thôn bản cùng học về các xã được hưởng lương. Vài trăm ngàn đồng một tháng thôi, nhưng đó là sự động viên trong công việc...”. H’ Chê nói đúng lắm, nếu gọi đó là lương để đảm bảo cuộc sống thì làm sao đủ tiền đổ xăng xe, làm sao dám nghĩ đến chuyện thức đêm thức hôm có hộp sữa để bồi dưỡng?! Mấy trăm ngàn trong thời buổi thị trường luôn biến động chỉ như hương vị làm nồng nàn thêm trong công việc mà thôi. Từng có người nói rằng: “Cái gì không yêu đừng hy vọng tìm thấy hạnh phúc nơi đó!”. Đúng vậy! H’ Chê đã tìm được hạnh phúc trong công việc của bà đỡ thôn bản bằng tấm lòng, tình người và trách nhiệm.

Người ta thường nói “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Bên cạnh công việc của H’Chê luôn có sự đồng cảm và chia sẻ của Y Nhim - người chồng hiền lành hết lòng thương yêu vợ con. Năm 2005, vợ chồng H’Chê được chia đất theo Nghị định 132 của Chính phủ tách khỏi gia đình lớn nhà vợ ra ở riêng tại bon Yok R’ling. Giữa lúc chồng vừa điều trị tràn dịch màng phổi thì H’Chê lại được chọn đi học lớp “Bà đỡ thôn bản” tại TP. Hồ Chí Minh. Cô đắn đo: “Đây là dịp tốt để có kiến thức về phục vụ đồng bào mình, không đi được thì biết đến bao giờ mới có đợt. Nhưng nhà vừa chuyển về nơi ở mới chưa ổn định, chồng lại bệnh chưa khỏe, còn con cái học hành, còn 3ha rẫy mới hạ cà phê...”. Y Nhim hiểu được suy nghĩ trong đầu vợ, anh động viên cho vợ yên lòng: “Mình khỏe rồi, em cứ đi học theo chủ trương của Nhà nước đi, việc nhà để anh lo!”. Vậy là H’Chê tranh thủ ngày đêm lo việc rẫy việc nhà tạm ổn đỡ cho chồng, cô yên tâm đi học; mỗi lần được nghỉ ở trường, cô lại đón xe từ TP. Hồ Chí Minh về Đăk Nông, tranh thủ giúp công việc ở nhà, việc rẫy đỡ cho chồng. Kể cả sau này khi về làm “bà đỡ thôn bản”, mỗi lần về tỉnh tập huấn bồi dưỡng kiến thức, H’Chê lại tranh thủ lo toan mọi việc trong gia đình trước khi đi, sáng dậy sớm phóng xe hơn trăm cây số về tỉnh, chiều xong việc, tối muộn mấy cũng về. Trước kia làm công tác dân số, hàng tháng, mỗi lần làm báo cáo tình hình người sắp sinh, người suy dinh dưỡng, hộ chuyển đi, hộ chuyển đến, người trong độ tuổi sinh nở, người già cả, người sắp chết..., H’Chê thức cả đêm làm cho xong vì cả tháng chỉ 1 lần làm báo cáo, giờ làm “bà đỡ” tất bật với công việc cả ngày, thậm chí cả đêm như người có con mọn. Y Nhim thương vợ, anh giành tất thảy mọi công việc gia đình để H’Chê bớt gánh lo mà tập trung làm tốt công việc dân tin yêu.

Trong những năm mang kiến thức tiếp thu được từ Bệnh viện Từ Dũ về phục vụ đồng bào mình, “bà đỡ thôn bản” H’Chê có biết bao câu chuyện buồn vui. Khi hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ, không cần suy nghĩ, cô kể một mạch như những lời chia sẻ, những cảm xúc mà tôi có linh cảm dường như cô để sẵn đâu đó ở trong tâm.

Đó là trường hợp chị H’Rếp ở cùng bon Bróih. Tục của người Mơ Nông xưa cho rằng sinh, tử là quy luật tự nhiên. Người phụ nữ mang bầu kiêng kỵ không cho sinh ở trong nhà, phải ra ngoài rừng tự lo việc sinh đẻ, lấy thanh nứa cắt rốn cho trẻ sơ sinh, “quy luật tự nhiên” này đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc đến tính mạng người mẹ và cả em bé khi chào đời. Ngày nay, quy định sinh đẻ ngoài rừng đã loại bỏ, thế nhưng người thân tự đỡ, tự cắt rốn (gọi là mụ vườn) vẫn tồn tại như vốn dĩ quy luật phải như thế. Hôm ấy, H’Rếp đến ngày sinh, mẹ chồng (mụ vườn) đã lo việc đỡ đẻ, người sản phụ sinh con lần đầu đau quằn quại, “mụ vườn” lúng túng, loay hoay tới ba mươi phút mà nhau không bong. Đi công tác về, hay tin, H’Chê đến nơi thì toàn thân sản phụ đã tím tái. “Bà đỡ thôn bản” bình tĩnh xử lý theo kiến thức được học hành, cuối cùng, sản phụ H’Rếp vượt qua cửa tử thần, sinh mẹ tròn con vuông. Từ hôm đó, việc làm của “bà đỡ thôn bản” H’Chê đã gây được lòng tin trong cộng đồng không những đồng bào M’Nông ở bon Bróih.

H’Chê nghĩ cái gì cũng phải có thời gian, không thể ngày một ngày hai có thể thay đổi ngay một thói quen đã ăn sâu bám rễ trong tâm thức của người M’Nông từ bao đời nay. Từng làm công tác dân số, H’Chê nắm chắc nhân khẩu của mỗi gia đình trong bon, cô đặc biệt chú ý đến đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Vẫn chưa yên lòng, hằng ngày, H’Chê dành thời gian “đi tuần” một lượt đề phòng những chuyện bất trắc xảy ra.

Một trong những lần đi thăm như vậy, H’Chê phát hiện ra chị H’Pi Ôi có biểu hiện khác thường khi đang mang bầu. Dù tin tưởng vào “tay nghề” của “bà đỡ thôn bản” nhưng H’Chê là cháu trong họ, lại thuộc diện “kiêng kỵ” không được “dính” vào chuyện đỡ đẻ cho người họ hàng. Lúc đó, chị H’Pi Ôi đã ngoài 30 tuổi, người chồng bị dị tật chân tập tễnh, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chị H’Pi Ôi chỉ nói với H’Chê:

- Sao mắt dì không nhìn thấy nữa, mờ rồi.

H’Chê thương cảm khuyên:

- Ra bệnh viện khám đi xem tim thai có gì không?

- Không gì đâu. Bình thường thôi mà.

Biết dì H’Pi Ôi giấu cháu, nhưng H’Chê vẫn lựa lời thuyết phục, cuối cùng, bà dì chấp nhận cùng người cháu ra bệnh viện khám. Bác sĩ khám, phát hiện thai đã chết lưu, phải chuyển gấp lên bệnh viện tỉnh mổ mới kịp thời cứu sống được tính mạng người mẹ.

Công việc của “bà đỡ thôn bản” chỉ tuyên truyền là chính, trừ trường hợp “đẻ rơi” mới ra tay xử lý. Ngày ngày H’Chê cần mẫn đến những gia đình có người mang bầu khuyên nhủ: “Đi bệnh viện nhé, đừng đẻ ở nhà!”. Cứ như vậy, cô cán bộ dân số H’Chê trước đây tuyên truyền vận động sinh đẻ kế hoạch, bà đỡ H’Chê bây giờ lại tuyên truyền vận động sản phụ về sinh đẻ an toàn, cô mang tâm huyết, trách nhiệm công việc và cả tình người dành cho đồng bào mình giống như người “vác tù và hàng tổng”. Cho đến bây giờ, không còn làm công tác dân số nữa, người dân vẫn đến cô xin thuốc, dụng cụ tránh thai. H’Chê không nỡ từ chối, bỏ thì thương đồng bào mình, họ nghe mình vận động đã bỏ hủ tục không muốn đẻ nhiều con dẫn đến đói nghèo. Bon Bróih hiện nay không còn trường hợp sinh con thứ ba, nói về tình cảm H’Chê không muốn đồng bào mình đói nghèo, về lương tâm trách nhiệm, cô không muốn kết quả do quá trình tâm huyết với công tác dân số dựng nên nay bị phá vỡ trở về ban đầu. Thương đồng bào, H’Chê đã điện ra huyện xin thuốc, biết tâm tư và tin tưởng cô cựu cán bộ dân số H’Chê nên cán bộ dân số huyện vẫn cấp thuốc cho cô. Không những đồng bào bon Bróih tìm đến H’Chê hiện ở bon Yok R’Ling mà đồng bào bon Dru bên cạnh cũng đến cô xin thuốc. Đây là khu vực “3 buôn” đồng bào dân tộc Mơ Nông xếp vào diện đặc biệt khó khăn của thị trấn Đăk Mâm. Người dân muốn thoát ra khỏi nghèo đói bằng thực hiện kế hoạch sinh đẻ, mừng lắm chứ! Dụng cụ, thuốc tránh thai huyện cấp phát không đáp ứng đủ đòi hỏi của người dân, H’Chê bỏ tiền túi đi mua về phát cho họ. “Không cho thuốc, lỡ có thai thì tội người ta!”, H’Chê nói vậy.

H’Chê tâm tình với tôi bằng những lời rút ruột. Nếu không có cái tâm gắn bó với nghiệp, nếu không có cả cái tình con người, làm sao cô có được lòng tin yêu của đồng bào như vậy. Một chuyện xảy ra chưa lâu, cô gái H’Nghiêng sinh năm 1994, một thiếu nữ đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng kiếp phận sinh ra bị dị tật với hai bên má bành ra, H’Nghiêng biết vậy, cô chấp nhận sinh một đứa con để nương tựa tuổi già. Thế nhưng, con gái không có chồng mà chửa là điều xấu hổ của gia đình, cô ép bụng nhằm tránh sự dòm ngó của người đời, cô vẫn đi cuốc rẫy, vẫn kéo bạt hái cà phê..., mỗi lần đau bụng, mọi người lại lấy dầu cho cô xoa. Thế rồi sự cố gắng mấy, cái ngày phải đến cũng không thể giấu được nữa, lần ấy, H’Nghiêng đi làm trên đường về thì bị đẻ rơi. Người anh trai biết tin đòi đánh, đòi giết cô cho chừa cái thói trăng hoa. H’Chê biết vậy, liền có mặt trách thằng anh trai H’Nghiêng:

- Hoàn cảnh nó vậy phải thương nó, anh trai có thương nó mãi được không? Nó cần có đứa con sau này dựa dẫm chứ!

Sau đó H’Chê lại đến từng nhà trong bon khuyên nhủ: “Mọi người thương nó, không được nói nó, lỡ nó đường cùng tự tử thì sao?”. Cùng với lời nói, H’Chê thể hiện tình thương bằng hành động. Cô vội lấy xe Hon-da chạy ra chợ huyện mua đồ cho đứa bé sơ sinh khi người mẹ chưa hề hoặc nói đúng hơn là không dám nghĩ đến sự chuẩn bị cho việc này. Biết được hoàn cảnh của người sản phụ thiếu may mắn, biết được tấm lòng của H’Chê, người bán đồ gửi cho thêm; thậm chí khi hay tin, nhiều hàng khác cũng gom lại nhờ H’Chê chuyển dùm. Thế mới biết ở đời có nhiều người tốt lắm, nghe H’Chê kể về chuyện cô gái H’Nghiêng, có người gửi qua H’Chê cho cả bao gạo, thuốc bổ...

Nhìn ngôi nhà xây khang trang hơn trăm triệu do vợ chồng H’Chê gom góp dựng lên năm 2007, trong nhà treo đủ loại bằng, giấy khen về cán bộ dân số, về “bà đỡ thôn bản” của tỉnh, của huyện, của thị trấn dành cho H’Chê, chỉ vậy và trong câu chuyện nói về công việc đủ thấy lòng tự hào dâng đầy trong cô, đến khi nói về chế độ trước đây cô được hưởng 320 nghìn đồng/tháng, bây giờ không có nữa, H’Chê chỉ nói gọn một câu: “Thà không có. Đang có tự dưng cúp đi!”. Rồi cô thở dài: “Việc Nhà nước có thể bỏ được, còn dân thì không bỏ được!”.

Tôi chỉ biết đồng cảm với cái tâm cái tình của cô, chia sẻ sự thiệt thòi do cơ chế với cô, trong lòng thầm cảm phục người phụ nữ M’ Nông hết lòng vì công việc, vì đồng bào của mình như bà đỡ thôn bản H’Chê đang làm.

Bút ký: NGUYỄN LIÊN


Ý kiến của bạn