Nhiều lúc cắn xé, tung ném đồ vật bất kỳ. Thờ ơ với sự hiện diện của mọi người, chúa ghét sự động chạm, không chấp nhận sự giao tiếp bằng ánh mắt. Rất nhanh mệt mỏi bởi tiếng ồn. Có thể nhiều giờ dán mắt vào những hạt cát hoặc đường vân tay... Bằng cách nào bé gái tự kỷ nghiêm trọng không kết thúc cuộc đời trong bệnh viện tâm thần (như phần lớn trẻ rơi vào tình huống này những năm 50, thế kỷ XX) mà trở thành tiến sĩ, giáo sư đại học, tác giả nhiều sách bán chạy, nhà hoạt động có uy tín vì quyền người bệnh tự kỷ?
2 tuổi tự kỷ
Temple Grandin sinh ngày 29/8/1947 ở Boston (Mỹ). Năm 2 tuổi, được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ vì não bị tổn thương bẩm sinh. Mãi năm 4 tuổi, bé tự kỷ mới bắt đầu biết nói. Mẹ bé thuê người giúp việc để giúp bé tập nói. Tại trường học, bạn cùng lứa đặt cho Temple biệt danh “Máy ghi âm” bởi hoàn toàn vô thức, bé thường nhắc lại những gì vừa nói. Temple rất khó mô tả những suy nghĩ của bản thân, không có khả năng biểu lộ cảm xúc. Các bác sĩ và thầy cô giáo không nghi ngờ cuộc đời Temple Grandin sẽ kết thúc trong bệnh viện tâm thần.
Mẹ dạy con gái Temple những hành vi ứng xử lành mạnh và nếp sống quy củ, đúng giờ, tuy nhiên, mẹ không thể quản lý việc học hành của con gái. Temple chỉ say mê môn sinh học, bao giờ cũng bị điểm kém môn tiếng Anh và lịch sử. “Trí tuệ người tự kỷ có thiên hướng chuyên môn hóa, chỉ xuất sắc ở một lĩnh vực chuyên môn hẹp”, bà giáo sư Grandin diễn giải sau nhiều năm - “Tôi học kém môn đại số, vậy nên thầy giáo không cho tôi học môn hình học và lượng giác. Sai lầm to! Tôi biết nhiều đứa trẻ không biết gì về đại số nhưng học rất giỏi một số chuyên ngành toán học khác”.
Trốn chạy đời thường trong tàu ngựa và phòng thí nghiệm. Người tự kỷ duy nhất thế giới có học hàm giáo sư
Tuổi vị thành niên, Temple Grandin trốn chạy những rắc rối bản thân thường gặp tại lớp học và với mọi người bằng cách tìm kiếm thú vị trong tàu ngựa và phòng thí nghiệm. Những đứa trẻ bé Temple gặp ở đó đều thân thiện và không trêu chọc bé. Tại trang trại của bà dì, những chiếc cũi thú y và cũi cách ly thú vật - những cấu tạo khối hình bằng kim loại với những cánh tay và dây da kìm chân con vật lớn như ngựa hoặc bò sữa gây ấn tượng mạnh với bé Temple. Bé gái mới lớn hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến thực tế những con bò bị nhốt cứng trong cũi tỏ ra hết sức thanh thản. Temple cũng thử tự “giam” mình trong cũi sắt và phát hiện, thiết bị “gông cùm” này cũng mang lại trạng thái an thần.
Ông William Carlock - một trong số thầy giáo trung học của Temple có lần mách nước học trò, nếu con muốn biết tại sao tự giam mình trong cũi sắt mang lại cảm giác thư thái, con phải học tốt những môn học ưa thích. Một lần khác, thầy Carlock lại hỏi Temple: “Con thật sự có nhớ tất cả những gì con vừa nói?”. “Thưa thầy, con nhớ”. Và Temple tường thuật chính xác câu chuyện vừa kể với thấy. Thầy Carlock quyết định sử dụng trí nhớ tuyệt vời của trò và nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy, Temple nhanh chóng cải thiện điểm thi các môn xã hội và tốt nghiệp phổ thông trung học.
Sau đó, Temple Grandin tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tâm lý học Đại học Franklin Pierce College, hoàn thành luận văn thạc sĩ tại Đại học Bang Arizona, bảo vệ bằng tiến sĩ tại Đại học Illinois. Nhiều năm say mê nghiên cứu đời sống các động vật chăn thả, đến nay, bà là người tự kỷ duy nhất thế giới có học hàm giáo sư (chuyên ngành động vật học).
GS.TS. Temple Grandin bên đàn bò - động vật bà yêu thích nhất.
Dễ giải mã, động vật nghĩ thế nào
Là người tự kỷ, tôi dễ giải mã, động vật nghĩ thế nào bởi những quá trình tư duy của tôi liên tưởng đến cách tư duy của động vật - nữ giáo sư động vật học chia sẻ. Theo nhà khoa học, người tự kỷ và thú vật cùng có linh cảm sợ hãi giống nhau - cả hai đều nghĩ bản thân là nạn nhân của thú ăn thịt. Mỗi sự vật không nằm tại vị trí nguyên thủy, như thí dụ mẩu giấy vụn bất ngờ bị làn gió thổi bay cao có thể gợi cảm giác hoảng loạn. Những cá thể thực hiện thao tác mạnh mẽ bất chợt gây cảm giác sợ hãi. Thú vật cũng có thể nhớ lại những ký ức đau buồn, đến mức không thể quên chúng. Nếu một con lợn từng bị người chăn thả cưỡi ngựa xua đuổi, nó sẽ không bao giờ tin những người cưỡi ngựa; trong khi người đi chân đất có thể dễ dàng tiếp cận và vuốt ve nó. Động vật rất sợ những âm thanh cao tần. Đến nay, tôi vẫn khổ sở vì âm thanh đó. Một khi giữa đêm bị đánh thức bởi âm thanh chiếc xe tải chạy giật lùi, tim tôi lập tức đập loạn nhịp. Tuổi ấu thơ, tiếng chuông rung trong trường học làm tôi liên tưởng đến tiếng khoan nhức óc của bác sĩ nha khoa - GS.TS. Grandin kể.
Nhà khoa học Mỹ là người kịch liệt phản đối sử dụng bạo lực với con vật. Tuổi ấu thơ, mỗi lần đến trang trại của bà dì, bé Temple không thể rời mắt quan sát xem những người chăn thú vật hành xử thế nào với đàn ngựa, đàn bò. Một số người thẳng tay buộc chú ngựa con vào cột, ném đá, dùng roi da quất liên hồi vào con vật cho đến khi ngựa con chưa ngoan ngoãn nghe lời họ.
GS.TS. Grandin không chấp nhận người chăn thú sử dụng roi điện. Bà cho rằng đã kết thúc kỷ nguyên con người tự do hành hạ con vật. Bà cũng phát hiện hàng rào vây quanh hình tròn làm cho đàn bò đi đến lò mổ không rơi vào trạng thái hoảng loạn bởi khi đi theo vòng tròn, chúng đinh ninh sẽ trở về vị trí xuất phát.
Có lần chủ trang trại phàn nàn với GS.TS. Grandin, đàn bò của họ hoảng sợ mỗi khi vào chuồng. Nhà khoa học đến hiện trường và chỉ định phá cái cổng cũ chật hẹp, xây cái cổng mới cao và rộng hơn, trong chuồng bố trí chiếu sáng hợp lý bởi con vật không thích từ nơi sáng sủa bước vào không gian tối tăm, chúng cũng không bao giờ đặt chân vào không gian ánh sáng mờ nhạt.
Theo nhà khoa học tự kỷ, tất cả những ai làm công việc liên quan trực tiếp đến thú vật cần phải trải qua khóa huấn luyện đặc biệt.
Hết lòng vì thú vật
Nhiều lần GS.TS. Temple Grandin khẳng định, bà yêu thú vật. Trong cuốn sách gây xôn xao dư luận “Động vật không phải đồ vật”, nhà khoa học Mỹ nhấn mạnh, đàn động vật chăn thả là tài sản riêng của con người, song chúng ta phải có nghĩa vụ đạo đức với chúng. Bà lấy thí dụ, chúng ta có con bò và chiếc tuốc-nơ-vít - bạn có thể hồn nhiên hủy hoại chiếc chìa khóa vặn ốc, vít, song không thể vô tư hành hạ con bò. “Tôi nghĩ ăn thịt động vật không phải là hành vi thất đức, song chúng ta cần đảm bảo cuộc sống xứng đáng và cái chết không đau đớn cho đàn động vật chăn thả. Chúng ta cần tôn trọng chúng”, nhà khoa học lập luận.
Nhà động vật học đặt câu hỏi, tại sao trên mạng internet tràn ngập những clip mô tả cảnh tượng rùng rợn với động vật trong các lò mổ thay vì giới thiệu những địa điểm, nơi thao tác giết mổ bò, lợn... diễn ra trong điều kiện nhân văn. “Đa số chúng ta không ý thức được rằng, cái chết ở lò mổ nhẹ nhàng hơn nhiều so với cái chết trong thế giới tự nhiên”, GS.TS. Grandin lưu ý trong cuốn sách. “Động vật trong thế giới tự nhiên chết vì đói, chết vì lạnh giá hoặc là nạn nhân của thú ăn thịt. Nếu được lựa chọn, tôi mong muốn giã từ cuộc đời tại lò mổ hơn là bị chó sói hoặc sư tử cắn xé nội tạng khi đầu óc vẫn còn tỉnh táo. Tiếc rằng đa số chúng ta không biết đến chu kỳ tự nhiên sinh ra và chết đi của động vật”.
“Tại sao nhà động vật học hết lòng yêu thú vật cộng tác với các hãng thực phẩm kết liễu cuộc đời gia súc, gia cầm bằng phương pháp công nghiệp? Tôi nghĩ rất nhiều về vấn đề này”, GS.TS. Grandin giãi bày trong sách đã nói. “Trong tất cả loài vật, bò chính là con vật tôi yêu thích nhất. Tôi còn nhớ, khi đặt bút phác thảo thiết kế lò mổ nhân văn, tôi đã nhìn thấy hàng trăm con bò ngơ ngác bên trong hàng rào khép kín. Ngắm nhìn đàn bò đông đúc, tôi trộm nghĩ, chúng sẽ không xuất hiện ở trước lò mổ nếu không có con người. Bởi lẽ chính chúng ta đã làm tất cả để những con vật này có thời gian gắn bó với chúng ta, vậy nên mọi người phải có trách nhiệm đối với chúng. Chúng cần có cuộc sống đầy đủ, thoải mái và cái chết thảnh thơi, không đau đớn. Các chủ lò mổ phải làm mọi việc để đàn bò không bị stress trước khi đặt chân vào “mảnh đất cuối đời”. Đó là nhiệm vụ của tôi”.
GS.TS. Grandin đã làm thay đổi vĩnh viễn ngành công nghiệp thực phẩm. Những giải pháp của nhà khoa học mang lại lợi nhuận lớn hơn cho các nhà sản xuất thịt bởi thịt con vật giết mổ không bị stress có chất lượng cao hơn, còn khách hàng ngày càng quan tâm đến thực tế thực phẩm của họ được sản xuất trong điều kiện thế nào.
Cô đơn giữa đồng loại
Giữa đám đông đồng loại, Temple Grandin cảm thấy bản thân hệt người đến từ hành tinh xa lạ. Bà nhiều lần tâm sự, bản thân không phải là cá thể được tạo hóa sinh ra để thiết lập mối quan hệ tình cảm với con người.
GS.TS. Temple Grandin có cuộc sống hoạt động khoa học sôi nổi, song bà không lấy chồng, không có con. Thi thoảng bà vẫn phải uống thuốc chống trầm cảm để đối mặt với những cơn hoảng loạn. Bà có sở thích cưỡi ngựa, say mê đọc truyện khoa học viễn tưởng, thích tới rạp xem phim và khám phá những thành tựu mới trong lĩnh vực hóa sinh học.