Là tỉnh có nhiều lợi thế về sản xuất, tiêu thụ sầu riêng, song người trồng sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk đối diện với nhiều bất lợi, khó khăn đến từ thời tiết, giá cả thị trường và tình hình sâu bệnh hại…
Vụ mùa nhiều bất lợi
Tỉnh Đắk Lắk dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với khoảng 32.785 ha, tăng hơn 10.300 ha so với năm 2022; trong đó, diện tích trồng thuần là 9.556 ha, diện tích trồng xen 23.229 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 15.852 ha (chiếm 48,35%). Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh dự kiến trên 300.000 tấn.
Sau khi quả sầu riêng tươi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, những năm qua, việc tiêu thụ sầu riêng gặp nhiều thuận lợi, giá bán tương đối cao, hầu hết người trồng sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk có lãi lớn, quy mô sản xuất sầu riêng trên địa bàn tăng nhanh. Tuy nhiên, vụ mùa sầu riêng năm 2024, nông dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều bất lợi, khó khăn như: thời tiết khắc nghiệt và khó lường, tình trạng sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, giá cả không ổn định, diện tích được cấp mã số vùng trồng ít…
Anh Nguyễn Hữu Cường, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk trồng được 5 ha sầu riêng, sản lượng năm nay ước đạt trên 80 tấn. Anh Cường cho biết: so với các năm trước, năm nay thời tiết bất lợi hơn đối với sự phát triển, sinh trưởng của cây sầu riêng. Vào đầu mùa, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch quá lớn, cây sầu riêng bị sốc nhiệt, ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả. Khi quả lớn, gần đến ngày thu hoạch, vào tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to kéo dài trong hơn 20 ngày, ảnh hưởng đến chất lượng quả sầu riêng, theo đó, tình trạng nấm bệnh cũng diễn ra phức tạp.
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Duy, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài từ tháng 4 - tháng 5, ngay vào thời điểm cây sầu riêng ra hoa, xổ nhụy, đậu quả đã làm cây sốc nhiệt, rụng quả non. Cùng với đó, tháng 7 vừa qua, trời mưa kèm gió to trong nhiều ngày khiến nhiều vườn sầu riêng sắp đến ngày thu hoạch bị gãy cành, rụng quả. Với 1 ha sầu riêng, năm nay, gia đình anh thu được khoảng 10 tấn, giảm 30% sản lượng so với năm 2023.
Mưa nhiều trước thời điểm thu hoạch còn mang đến nỗi lo cho nông dân về cơm sầu riêng bị sượng, nhạt. Mặt khác, giá sầu riêng giảm trong những ngày qua, giá mua xô tại vườn dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg sầu Dona (đầu tháng 7), hiện giảm còn 55.000 - 70.000 đồng/kg. Sầu riêng hạng A (xuất khẩu), giá trên 105.000 đồng/kg sầu Dona (đầu tháng 7), hiện nay giảm còn khoảng 80.000 đồng/kg. Giá này tương đương và có thời điểm cao hơn so với mùa vụ năm 2023, tuy nhiên, giá giảm khiến việc mua bán gặp khó khăn, cần hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa đôi bên.
Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, hợp tác xã hiện có 49 thành viên và liên kết với 200 hộ nông dân, sản xuất 14 ha sầu riêng chuyên canh và khoảng 1.000 ha sầu riêng trồng xen. Sản lượng sầu riêng của hợp tác xã năm nay ước đạt hơn 1.700 tấn. Nhờ nghiên cứu, xử lý vườn cây phù hợp với điều kiện thời tiết và chủ động quản lý nấm bệnh, sản lượng sầu riêng của hợp tác xã duy trì ổn định. Tuy nhiên, giá sầu riêng giảm, thương lái kéo dài thời gian thu hoạch, thành viên hợp tác xã sợ quả rụng ảnh hưởng đến năng suất nên đã giảm giá bán, từ 84.000 đồng/kg sầu Dona (theo thỏa thuận trước đó) xuống còn 74.000 đồng/kg.
Ngoài những bất lợi trên, một trong những nỗi lo đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người trồng sầu riêng Đắk Lắk là diện tích được cấp mã số vùng trồng quá ít (68 mã vùng trồng, với 2.521 ha) so với diện tích thực tế hiện có, ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu sầu riêng. Toàn tỉnh còn 198 mã vùng trồng (diện tích 4.771 ha) đang chờ phía Trung Quốc phê duyệt.
Tháo gỡ khó khăn
Trước những bất lợi, khó khăn, thách thức từ thực tiễn, UBND tỉnh Đắk Lắk, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, cuộc họp nhằm triển khai kế hoạch để vụ mùa sầu riêng năm 2024 đạt hiệu quả cao và tìm giải pháp phát triển ngành hàng bền vững. Nông dân các địa phương cũng linh hoạt ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, chủ động phòng ngừa trộm cắp, cảnh giác với tình trạng phá hoại vườn cây sầu riêng.
Anh Đỗ Đình Giang, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc cho biết, mùa thu hoạch sầu riêng trúng vào mùa mưa của tỉnh Đắk Lắk, do đó, gia đình anh đã cột cành, neo trái, phun thuốc dưỡng trái để cung cấp dinh dưỡng cho quả sầu riêng và phòng trừ sâu bệnh hại. Với diện tích 1,8 ha, năm nay gia đình anh Giang dự kiến thu được 45 - 50 tấn sầu riêng. Đồng thời, anh thường xuyên chăm vườn, chủ động bảo vệ tài sản.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, trên địa bàn hiện có khoảng 7.157 ha sầu riêng, sản lượng năm nay đạt khoảng 90.000 tấn. UBND huyện đã tổng kết, đánh giá niên vụ sầu riêng năm 2023 và triển khai kế hoạch vụ mùa sầu riêng năm 2024. Huyện chú trọng bảo đảm an ninh trật tự mùa vụ, quản lý doanh nghiệp, thương lái và lao động từ nơi khác đến thu mua sản phẩm.
Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng; kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình cung cấp điện cho các kho, xưởng chế biến. Đặc biệt, huyện yêu cầu điện lực không cung cấp điện cho các kho, xưởng chế biến xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc chưa được cấp giấy phép xây dựng, vi phạm hành lang an toàn giao thông…
Về phía UBND tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh công tác xúc tiến thương mại, tổ chức hội nghị tìm giải pháp gỡ khó cho ngành hàng, UBND tỉnh đã ban hành Công văn gửi các sở, ngành, địa phương về quản lý hoạt động thu mua và xuất khẩu sầu riêng vụ mùa 2024; trong đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công khai các mã số vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng; nghiên cứu, đề xuất hình thành chuỗi liên kết, vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sầu riêng. Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan cập nhật thông tin, tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn. Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong vụ mùa thu hoạch sầu riêng…
Bên cạnh công tác quản lý hoạt động thu mua và xuất khẩu sầu riêng, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, tỉnh đang tăng cường giải pháp nâng cao năng lực của các cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu sầu riêng; chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng; thúc đẩy xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đồng thời, kiểm soát liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên; cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả; xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại gây ảnh hưởng đến ngành hàng sầu riêng của tỉnh.
Song song với các giải pháp trước mắt và lâu dài, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân, thương lái, doanh nghiệp trong việc thu mua, chế biến, tiêu thụ sầu riêng, hạn chế thất thoát sau thu hoạch. Nông dân, hợp tác xã cũng đã rút kinh nghiệm từ mùa vụ trước, không chốt giá vườn sầu riêng non, chủ động theo dõi thông tin thị trường, chú trọng chăm sóc vườn cây, kỳ vọng vào vụ mùa bội thu.